Hợp tác công - tư trong vùng dân tộc thiểu số: “Cú hích” từ vai trò giám sát của cộng đồng

Nguyễn Lương| 30/10/2017 10:23

Hợp tác công - tư (PPP) là một giải pháp tích cực thu hút sự tham gia của khu vực tư nhân đồng hành cùng Nhà nước trong việc thực hiện các dự án phát triển, nhằm tăng cường nguồn lực, giảm áp lực chi ngân sách cho các dịch vụ công. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, để tạo ra “cú hích” thúc đẩy PPP trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số thì Nhà nước, doanh nghiệp cần tìm được tiếng nói chung, cùng với sự giám sát từ cộng đồng.

ADQuảng cáo

Đại diện các sở, ngành, doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế cùng thảo luận về vai trò của cộng đồng trong mô hình PPP tại Diễn đàn Phát triển dân tộc thiểu số năm 2017 vừa diễn ra tại Đắk Nông

Thực tế, những năm gần đây, Tây Nguyên nói chung, Đắk Nông nói riêng, tuy đã có những bước phát triển mạnh mẽ, nhưng hiện vẫn là vùng đất khó khăn. Trình độ phát triển kinh tế, xã hội của khu vực đang nằm dưới mức trung bình của cả nước. Cơ sở hạ tầng còn yếu kém, không đồng bộ, nguồn nhân lực chất lượng cao đã qua đào tạo chiếm tỷ lệ thấp.

Nguồn lực đầu tư phát triển của vùng chủ yếu trông chờ vào ngân sách Nhà nước. Trước thực tế này, để giảm nghèo, phát triển vùng dân tộc thiểu số, giải pháp then chốt là người dân ở khu vực Tây Nguyên phải phát huy chính nội lực của mình.

“Để giải quyết những khó khăn, thách thức hiện nay của vùng đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên, cần phải phát huy chính nội lực của các địa phương bằng PPP trong lĩnh vực giảm nghèo và phát triển. Trong đó, trọng tâm là giải pháp hợp tác, kết nối giữa việc triển khai thực hiện chính sách của Nhà nước với sự tham gia đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp, sự giám sát của cộng đồng”- ông Đỗ Văn Chiến, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy Ban Dân tộc nhấn mạnh tại Diễn đàn Phát triển dân tộc thiểu số năm 2017 vừa được tổ chức tại Đắk Nông mới đây.

ADQuảng cáo

Chính phủ cần bảo đảm đủ nguồn lực để thực hiện chính sách

Bên cạnh sự “vào cuộc” của địa phương và doanh nghiệp, PPP còn cần có sự phối hợp chặt chẽ, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, sự phối hợp và đồng thuận của các Bộ, ngành và cộng đồng doanh nghiệp. Chính phủ cần có đủ nguồn lực để thực hiện các chính sách, khi doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện thụ hưởng. Trên nền tảng mối quan hệ này, Chính phủ có thể mở rộng phát triển nền kinh tế, thúc đẩy khu vực tư nhân phát triển, bình đẳng và lớn mạnh. Nó giúp chúng ta hấp thụ vốn từ nước ngoài dễ dàng và minh bạch, uy tín hơn.

(Ông Lưu Văn Trung, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư)

Theo chuyên gia Kinh tế độc lập Phạm Chi Lan, để thúc đẩy kinh tế trong vùng dân tộc thiểu số, xuất phát điểm phải bắt đầu hợp tác từ những dự án, công trình nhỏ, phục vụ lợi ích cộng đồng. Muốn phát huy hiệu quả những công trình, dự án đó, Nhà nước, địa phương, doanh nghiệp phải hiểu rõ sức mạnh của nhân dân và sự cần thiết phải mời họ tham gia. Bởi vì, không ai khác, họ chính là người hiểu rõ nhất cần cái gì, làm như thế nào và hiệu quả ra sao…? Như vậy, chỉ có khi người dân tham gia vào quá trình hợp tác, Nhà nước mới gỡ bỏ được phần nào gánh nặng trong giám sát, quản lý.

Tại Đắk Nông, thời gian gầy đây bắt đầu triển khai thực hiện Nghị định 15/2015/NĐ-CP của Chính phủ về đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Theo đó, địa phương đã, đang hoàn thiện thủ tục 2 dự án. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, nhiều quy trình giữa các nghị định bị chồng chéo, nhất là quy trình đấu thầu, tổ chức thực hiện dự án rất phức tạp. Chính vì vậy, doanh nghiệp tại địa phương rất khó tiếp cận chính sách. Bởi vì, hầu hết dự án thuộc PPP mà địa phương đưa vào danh mục thu hút đầu tư thì nhà đầu tư lại không chọn, mà họ chọn dự án mà chính họ đề xuất.

Nâng cao năng lực nhân sự tại các địa phương và doanh nghiệp

Để nâng cao hiệu quả PPP, khi đã có hành lang pháp lý, mỗi địa phương phải xây dựng được bộ máy và con người. Các yếu tố về tổ chức con người, nhận thức, trình độ chuyên môn cần phải được nâng cao, nhằm phục vụ nhu cầu công việc. Còn với các doanh nghiệp, bản thân họ đã rất nhanh nhạy. Pháp luật quy định như thế nào thì doanh nghiệp sẽ làm sao để thực hiện tốt nhất. Tuy nhiên, doanh nghiệp có thể tìm cách tối đa hóa và phải “chơi luật chơi chung” trên sân chơi chung. Nghĩa là, khi hoạt động đầu tư theo hình thức đấu thầu, công khai, minh bạch, chọn để chia theo năng lực thì doanh nghiệp phải tự điều chỉnh để tham gia vào cuộc chơi.

(Ông Hoàng Trung Định, Trưởng Phòng Tây Nguyên, Vụ Kinh tế Địa phương và Lãnh thổ (Bộ Kế hoạch và Đầu tư))

Bàn về giải pháp nâng cao hiệu quả trong PPP, chuyên gia Kinh tế Phạm Chi Lan khẳng định: “Khi đưa ra dự án, giữa Nhà nước, doanh nghiệp phải ngồi lại với nhau để tìm sự đồng nhất. Các bên phải lấy lợi ích công cộng lên trên hết, để hai bên có sự nhân nhượng hợp lý. Trong lúc Nhà nước, doanh nghiệp có những ý kiến trái chiều thì lấy cộng đồng làm trọng tài là tốt nhất. Vì mục tiêu cuối cùng của dự án là thực hiện cho cộng đồng và người dân được hưởng lợi. Họ là người vừa hưởng lợi, vừa sử dụng nên sẽ có tiếng nói hợp lý nhất. Và khi cả hai bên cùng hướng đến một mục đích, sự bất đồng còn lại chỉ là con số nhỏ mà thôi”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hợp tác công - tư trong vùng dân tộc thiểu số: “Cú hích” từ vai trò giám sát của cộng đồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO