Hướng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững

Hà An| 21/11/2017 09:29

Chưa bao giờ vấn đề tăng trường kinh tế bền vững lại được quan tâm như giai đoạn hiện nay. Bởi nếu một địa phương không xác định mục tiêu tăng trưởng hợp lý thì dễ dẫn đến tăng trưởng nóng, thiếu bền vững hay còn gọi tăng trưởng “ảo”, không phản ánh đúng thực chất.

ADQuảng cáo

Sản xuất alumin đang đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế Đắk Nông

Theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Đắk Nông lần thứ XI, mục tiêu cho tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2015-2020 là trên 9%, mức tăng phù hợp với một nền kinh tế đang có nhiều nguồn lực mới phát sinh. Tuy nhiên, Tỉnh ủy Đắk Nông cũng xác định, chúng ta không phải thực hiện chỉ tiêu này bằng mọi giá mà phải phát triển trên cơ sở bền vững.

Theo các chuyên gia kinh tế, tăng trưởng không chỉ hiểu đơn thuần là tốc độ tăng trưởng kinh tế nội tỉnh (GRDP) mà còn liên quan đến các yếu tố khác như: tăng thu nhập bình quân đầu người, giảm tỷ lệ hộ nghèo… Để duy trì tốc độ tăng trưởng cao trong dài hạn, tăng thu nhập cần phải gắn với tăng chất lượng cuộc sống hay tăng phúc lợi và xóa đói nghèo. Tăng trưởng không nhất thiết phải đạt tốc độ quá cao, mà chỉ cần cao ở mức hợp lý nhưng bền vững. Như vậy, chỉ số tăng trưởng xét về góc độ nào đó, nó cũng chưa phản ánh “sức khỏe” của một nền kinh tế mà đóng vai trò như một chỉ số để làm cơ sở xây dựng, hoạch định chiến lược phát triển ngắn và dài hạn.

Liên quan đến vấn đề này, nhiều ý kiến băn khoăn là liệu tăng trưởng kinh tế Đắk Nông những năm qua đã thực sự bền vững hay chưa? Bởi vì, tốc độ tăng trưởng kinh tế nội tỉnh luôn tăng, năm sau cao hơn năm trước nhưng tỷ lệ hộ nghèo lại không giảm. Cụ thể, nếu như năm 2016, GRDP Đắk Nông tăng 7,08% thì năm 2017, dự đoán con số này ước tăng 9,33%. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh năm 2016 theo chuẩn nghèo đa chiều khoảng hơn 13% thì hiện nay khoảng 19%.

ADQuảng cáo

Liên quan đến vấn đề này, trả lời câu hỏi của phóng viên tại cuộc họp báo quý III/2017 do UBND tỉnh tổ chức, đồng chí Nguyễn Bốn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng các đơn vị, địa phương phải xem xét lại công tác giảm nghèo. Bởi thời gian qua, Đắk Nông đã đầu tư khoảng hơn 10 ngàn tỷ đồng cho công tác giảm nghèo nhưng tỷ lệ hộ nghèo hằng năm giảm trên 2% theo mục tiêu đề ra vẫn chưa đạt. Không những vậy, theo chuẩn nghèo đa chiều, tỷ lệ hộ nghèo của Đắk Nông đang ở mức khá cao. Vì vậy, chúng ta phải xem xét lại việc rà soát, bình xét hộ nghèo ngay từ cơ sở xem có tình trạng "đua nhau" được hộ nghèo để hưởng các chính sách hoặc xem xét lại cách thức, hình thức và hiệu quả trong triển khai công tác xóa đói, giảm nghèo thời gian qua thực sự đã phù hợp?

Trên cơ sở một số chỉ tiêu đối chiếu, ngoài tỷ lệ hộ nghèo, các chỉ tiêu như thu nhập bình quân đầu người, tỷ lệ lao động có việc làm của Đắk Nông hiện đang duy trì ở mức khá. Thu nhập bình quân đầu người ở Đắk Nông cũng tăng, năm sau cao hơn năm trước và hiện ở mức 29 triệu đồng/người/năm.

Đối với tỷ lệ lao động có việc làm, trong giai đoạn 2016-2020, tỉnh phấn đấu giải quyết việc làm cho 90.000 lượt người (bình quân mỗi năm giải quyết việc làm mới cho 18.000 lượt người). Trong đó, hoạt động xuất khẩu lao động 850 người; hoạt động hỗ trợ vay vốn tạo việc làm từ Quỹ quốc gia về việc làm và Quỹ giải quyết việc làm địa phương 13.425 lượt người; thông qua các trung tâm dịch vụ việc làm 2.315 lượt người; các phiên giao dịch việc làm 1.000 lượt người; dạy nghề gắn với tạo việc làm 19.000 lượt người; cung ứng lao động cho các khu công nghiệp ngoài tỉnh 1.500 lao động và từ các chương trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thu hút khoảng 53.910 lượt người. Đến năm 2020, tỷ lệ thất nghiệp ở thành thị giảm và khống chế ở mức 1,15%; nâng tỷ lệ sử dụng thời gian lao động nông thôn lên 88,5%. Mục tiêu trên đã rất cụ thể và đang được triển khai một cách có hiệu quả.

Từ các tiêu chí mang tính đối chiếu đã nêu, có thể khẳng định tăng trưởng GRDP của Đắk Nông là tương đối hợp lý. Sở dĩ trong năm 2017, tăng trưởng kinh tế của tỉnh tăng cao là do có sự đóng góp của ngành công nghiệp khai thác bô xít. Tuy nhiên, đánh giá về chất lượng tăng trưởng kinh tế, UBND tỉnh cũng thẳng thắn chỉ ra một số yếu tố chưa thực sự bền vững, chất lượng tăng trưởng chưa thực sự cao. Bởi trong những năm qua, do là tỉnh nghèo, nguồn thu mới chỉ đủ để chi cho hoạt động của bộ máy hành chính nên nguồn lực tái đầu tư còn khiêm tốn. Tăng trưởng chủ yếu vẫn dựa vào nguồn vốn đầu tư Trung ương và nguồn vốn vay để đầu tư phát triển hạ tầng… Vì vậy, việc phân bổ hợp lý nguồn lực trong tái đầu tư, xóa đói giảm nghèo, nâng cao đời sống của nhân dân trong thời gian đến cần được thực hiện một cách đồng bộ, hợp lý và hiệu quả.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hướng đến mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO