Hướng đến sản xuất bền vững cây sầu riêng

Hồng Thoan| 29/04/2019 08:16

Cũng như nhiều loại cây khác, nếu phát triển quá “nóng” diện tích cây sầu riêng theo kiểu tự phát, thiếu quy hoạch dễ dẫn đến nhiều rủi ro cho người nông dân.

ADQuảng cáo

Những năm gần đây, trong khi các loại nông sản chủ lực như cà phê, hồ tiêu... liên tục rớt giá thì nhiều nông dân tại các địa phương khá phấn khởi vì giá bán trái sầu riêng ở mức cao. Hiện nay, giá sầu riêng ở mức khoảng 30.000 - 40.000 đồng/kg (đối với sầu riêng hạt) và 70.000- 80.000 đồng/kg (đối với sầu riêng hạt lép).

Ở thời điểm cuối vụ, đầu vụ, trái vụ, khi lượng hàng khan hiếm, mỗi kg sầu riêng tại vườn bình quân có giá lên đến 80.000 - 100.000 đồng. Với mức giá này, 1 ha sầu riêng, nông dân đã có thể thu về hàng trăm triệu đồng, thậm chí tiền tỷ. Thêm vào đó, vụ sầu riêng năm ngoái, tư thương còn thu mua hạt với mức giá bằng quả  nên đã làm cho nhiều nông dân lầm tưởng rằng nhu cầu tiêu thụ sầu riêng tăng cao nên đẩy mạnh trồng mới.

Tỷ lệ đậu quả trung bình mỗi cây sầu riêng của Trang trại Gia Trung (Gia Nghĩa) đạt khoảng 80-100 quả, bằng khoảng 1/5 lượng hoa

Theo ông Nguyễn Hoàng, tổ dân phố 3, phường Nghĩa Phú (Gia Nghĩa) thì trước đây, gia đình chủ yếu trồng xen cây sầu riêng trong vườn cà phê. Nhưng 3 năm nay, cà phê mất mùa, rớt giá, bệnh nhiều nên ông đã chặt bỏ gần 1 ha trồng sầu riêng với hy vọng tăng thu nhập. Còn theo ông Nguyễn Văn Tuấn, thôn Quảng Hợp, xã Quảng Sơn (Đắk Glong) thì gia đình hiện có 3 ha sầu riêng. Với sản lượng thu bói gần 10 tấn quả, giá bán bình quân 50.000 đồng/kg trong mùa vụ này, vườn sầu riêng đã mang lại cho gia đình ông 500 triệu đồng. Theo ông Tuấn, mỗi ha sầu riêng đầu tư ban đầu cũng tương đương với cà phê nhưng công chăm sóc nhàn hơn, công thu hái không nhiều.

ADQuảng cáo

Theo Sở Nông nghiệp - PTNT, sầu riêng hiện có diện tích lớn nhất trong khoảng 17 loại cây ăn quả trên địa bàn tỉnh. Những năm gần đây, diện tích sầu riêng tăng nhanh ở tất cả các huyện, thị xã. Cụ thể, năm 2017, toàn tỉnh có khoảng 1.305 ha sầu riêng thì đến năm 2018 đã lên mức 2.022 ha, sản lượng 8.315 tấn. Đến thời điểm này, cây sầu riêng đã vượt khoảng 400 ha so với quy hoạch loại cây trồng này của tỉnh đến năm 2020.

Ông Lê Trọng Yên, Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT cho biết: Năm 2013, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 1579 về việc phê duyệt quy hoạch xây dựng vùng sản xuất nông sản thực phẩm cây ăn quả tập trung bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm đến năm 2015, định hướng đến 2020.  Mục tiêu xây dựng 4 vùng cây ăn quả với quy mô đạt từ 1.000 ha trở lên gồm vùng: Cư Jút- bắc Krông Nô; Đắk Mil; thị xã Gia Nghĩa; Đắk R’lấp - Tuy Đức. Trong đó, sầu riêng được quy hoạch trồng trên cả 4 vùng. Qua theo dõi, hàng năm, diện tích sầu riêng bị nhiễm các bệnh như rầy trắng, nấm hại thân cành... khá nhiều. Sầu riêng là cây rất dễ tác động bởi biến đổi khí hậu, nhất là vào thời điểm ra hoa, đậu quả, quả non.

Trang trại Gia Trung, xã Đắk Nia (Gia nghĩa) sử dụng hệ thống tưới nước, bón phân tự động cho 62 ha sầu riêng

Trước thực tế này, ngành Nông nghiệp khuyến cáo nông dân không nên mở rộng thêm diện tích cây sầu riêng bởi dễ dẫn đến tình trạng “được mùa mất giá”, “cung vượt cầu”, dịch bệnh tràn lan. Trong thời gian tới, ngành Nông nghiệp sẽ tập trung kiểm soát cây giống, giúp nông dân chuyển đổi, ghép từ sầu riêng hạt sang các loại sầu riêng chất lượng cao như Cơm vàng hạt lép, Monthong, Ri6. Trong đó, để bảo đảm bền vững, nông dân nên đi sâu vào việc ứng dụng mô hình mới với kỹ thuật, công nghệ cao để làm giảm chi phí đầu vào, tiết kiệm nhân công trong khâu chăm sóc, phát triển theo hướng hữu cơ, sinh học, an toàn thực phẩm.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hướng đến sản xuất bền vững cây sầu riêng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO