Hướng đi cho cây bơ

Vũ Hà| 25/07/2018 10:16

Cây bơ đã xuất hiện trên vùng đất Tây Nguyên cả trăm năm nay. Đây là cây ăn quả có giá trị dinh dưỡng cao, giàu năng lượng, chứa khoảng 25 loại vitamin và khoáng chất tự nhiên có lợi cho sức khỏe, được xem là loại quả siêu thực phẩm. Với đặc điểm địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng thuận lợi, bơ phát triển mạnh những năm gần đây và từng bước trở thành cây trồng chủ lực trong ngành nông nghiệp Đắk Nông.

ADQuảng cáo

Hiện nay, ở Đắk Nông, chỉ riêng diện tích trồng bơ đã lên tới gần 2.600 ha. Việc mở rộng diện tích cây bơ một cách tự phát đang có nguy cơ phá vỡ quy hoạch các loại cây trồng ở địa phương.

400 cây bơ Trịnh Mười của gia đình ông Nguyễn Văn Thuấn, ở thôn 4, xã Hưng Bình (Đắk R’lấp) trồng xen trong vườn cà phê cho thu nhập 200 triệu đồng mỗi vụ. Ảnh: Đức Hùng

Nhằm phát triển bền vững cây bơ trên địa bàn tỉnh, một yêu cầu đặt ra là cần phải liên kết chuỗi sản xuất. Gần đây và đặc biệt hiện nay, để phát triển cây bơ, tỉnh ta tập trung kêu gọi doanh nghiệp tạo ra chuỗi sản phẩm từ trồng, chế biến, đến tiêu thụ sản phẩm. Đối với doanh nghiệp đầu tư nhà máy chế biến nông sản tại Đắk Nông, tỉnh ta có những chính sách ưu tiên như miễn giảm giá thuê đất 15 năm, miễn thuế thu nhập doanh nghiệp 4 năm và giảm 50% trong 9 năm tiếp theo; giảm 10% thuế suất trong 15 năm, hỗ trợ cơ sở hạ tầng, không quá 3 tỷ đồng/dự án. Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ hỗ trợ đào tạo nguồn lao động không quá 1 tỷ đồng/dự án với điều kiện tuyển lao động địa phương, hỗ trợ chênh lệch lãi suất vay từ 4-5 năm, hỗ trợ tiếp cận thị trường, khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, hoàn thiện thủ tục hành chính miễn phí cho các nhà đầu tư khi triển khai dự án.

ADQuảng cáo

Vừa qua, thông qua Chương trình "Đắk Nông - Mùa bơ chín" năm 2018, tỉnh ta ký kết chương trình hợp tác với cơ quan Hợp tác Chính phủ New Zealand, Viện Nghiên cứu Cây trồng và Thực phẩm và Công ty cổ phần SAM Nông nghiệp công nghệ cao, trong đó sẽ xây dựng một dự án chi tiết để triển khai các ký kết của hợp đồng được triển khai từ tháng 6/2018 và có thể kéo dài đến năm 2020. Dự án sẽ thực hiện một số mô hình thử nghiệm, xây dựng khu quản lý giống, viện nghiên cứu giống bơ để triển khai ở một số khu nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh. Từ đó sẽ tiến hành nhân rộng, tìm ra vị trí địa lý, địa chất phù hợp để phát triển cây bơ có giá trị kinh tế cao tại vùng, tiểu vùng của Đắk Nông.

Thông qua chương trình ký kết này, đối tác sẽ hỗ trợ nguồn kinh phí hàng chục tỷ đồng để nghiên cứu, lựa chọn giống bơ phù hợp để đầu tư phát triển tại Đắk Nông. Trong đó, các đối tác sẽ tiến hành chọn lọc những giống bơ mà hiện nay thị trường thế giới đang ưa chuộng, đặc biệt là giống bơ Hass đã được người dân đưa vào trồng thử nghiệm và thâm canh ở vùng Đắk Mil. Đây thực sự là một trong những cơ hội, lợi thế để chúng ta xác định được một loại cây trồng, ngành hàng chủ lực của tỉnh.

Đối tác cũng cam kết bao tiêu sản phẩm đầu ra cho các sản phẩm bơ, thu mua trái bơ tại Đắk Nông để hướng tới xuất khẩu. Về khâu chế biến, tỉnh sẽ tiếp tục phát triển, chế biến quả bơ đa dạng, tập trung chế biến sâu các sản phẩm từ quả bơ. Tổ chức chuỗi giá trị xây dựng hệ thống sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và truy xuất nguồn gốc cho trái bơ, nhằm xây dựng thương hiệu bơ Đắk Nông...

Tóm lại, song song vấn đề quy hoạch, xây dựng, quảng bá thương hiệu, có 3 vấn đề cần tập trung quan tâm giải quyết đó là quy trình sản xuất về kỹ thuật, thị trường và doanh nghiệp. Đặc biệt, nếu làm tốt công tác thị trường, giải các bài toán về chuỗi sản phẩm thì bơ sẽ nhanh chóng trở thành cây trồng chủ lực của Việt Nam, trong đó Đắk Nông là một địa bàn trọng điểm. Như vậy, hướng đi cho cho “cây trồng tỷ đô” của cây bơ Đắk Nông đã rõ.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hướng đi cho cây bơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO