Hướng tới sản phẩm cà phê “sạch”

Lê Phước| 09/05/2018 10:12

Những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã chú trọng đến khâu chế biến nhằm nâng cao chất lượng của sản phẩm cà phê. Hướng đi này bước đầu đã đáp ứng được thị hiếu của người tiêu dùng và tạo tiền đề để sản phẩm cà phê Đắk Nông vươn ra thị trường trong và ngoài nước.

ADQuảng cáo

Vào những ngày cuối tuần hoặc ngày nghỉ, không khí tại các quán cà phê trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa trở nên nhộn nhịp hơn. Vừa chọn một phin cà phê “nguyên chất”, anh Hoàng Thanh Tiền, ở phường Nghĩa Trung chia sẻ: Mình thường chọn quán quen và cà phê pha phin vì thích cảm giác nhìn những giọt cà phê tí tách rơi. Theo anh Tiền, cà phê nguyên chất thường có màu cánh dán và nhạt hơn. Loại cà phê đen đặc và quánh ngày trước thường thấy tại các hàng quán, bây giờ anh không dám uống nữa.

Nhiều quán cà phê nguyên chất trên địa bàn thị xã Gia Nghĩa nhộp nhịp, đặc biệt là vào các ngày nghỉ

Cũng xem cà phê là thức uống hàng ngày nhưng anh Trần Văn Quang, ở phường Nghĩa Đức lại chọn những quán cà phê sử dụng công nghệ pha máy. Theo anh Quang, lúc mới uống cà phê pha bằng hình thức này, anh và bạn bè đều có cảm giác nhạt hơn so với cà phê pha phin thông thường. Nhưng khi được chứng kiến tận mắt nhân viên pha chế xay nhỏ từng hạt cà phê rồi dùng máy ép ra từng ly cà phê thơm phức, nhóm của anh “ghiền” luôn với loại nước uống này.

Theo anh Nguyễn Văn Thắng, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư - Xuất nhập khẩu An Phong Đắk Nông (Công ty An Phong) thì lâu nay, trên thị trường xuất hiện nhiều thông tin về sản phẩm cà phê giả, cà phê “bẩn”… Những thông tin này đã ảnh hưởng rất lớn đến các doanh nghiệp sản xuất, chế biến cà phê và tâm lý người tiêu dùng. Tuy nhiên, phần lớn người tiêu dùng đã thay đổi thói quen, tìm hiểu thông tin sản phẩm kỹ càng và đang tìm đến với những sản phẩm cà phê nguyên chất, bảo đảm chất lượng. Đây chính là cơ hội cho những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến cà phê làm ăn chân chính chứng tỏ mình.

Về quy trình sản xuất cà phê, anh Thắng cho biết công ty thường thu mua cà phê ở những vườn chăm sóc theo quy chuẩn 4C, UTZ... Sau khi đưa về nhà máy, công ty áp dụng tiêu chuẩn ISO 22000/2015 vào quá trình rang xay, chế biến, đóng gói sản phẩm trước khi đưa ra thị trường tiêu thụ. Ngoài Đắk Nông, sản phẩm cà phê của Công ty An Phong đã có mặt tại các thành phố lớn như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đà Nẵng... với doanh số tiêu thụ hàng tháng từ 3 - 5 tấn cà phê bột. Ngoài ra, công ty đã xuất khẩu được một số lô hàng sang Nga và đang xúc tiến sang thị trường tiềm năng là Nhật Bản.

ADQuảng cáo

Công ty Cà phê TNHH MTV Bazan Đắk Nông rang xay cà phê bột ngay tại quán

Những năm gần đây, Công ty TNHH MTV Cà phê Bazan Đắk Nông (Công ty Cà phê Bazan) cũng đã áp dụng quy chuẩn vào quá trình sản xuất cà phê bột. Từ ký kết thu mua cà phê của các hộ dân đến quy trình chế biến, đóng gói sản phẩm được thực hiện kỹ lưỡng theo quy trình khép kín. Nhờ vậy, thương hiệu cà phê Enjoy của công ty đã dần khẳng định được “tên tuổi” trên thị trường.

Anh Hồ Dương Quang Minh, Công ty Cà phê Bazan cho biết: Từ khi thành lập tới nay, ngoài việc tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm cà phê bột, công ty luôn nỗ lực đưa những thông tin rõ ràng nhất về nguồn gốc sản phẩm. Trong tương lai, công ty sẽ cố gắng để đưa những thông tin chi tiết nhất về sản phẩm đến người tiêu dùng như: sản phẩm đó được sản xuất từ nông hộ nào, mùa vụ nào, sơ chế như thế nào, sản xuất theo quy trình nào… Đây vừa là cách thức “đi tắt đón đầu”, vừa là lựa chọn mang tính khác biệt của Công ty Cà phê Bazan từ trước tới nay và cả trong tương lai.

Nhân viên quán cà phê Enjoy (Gia Nghĩa) pha chế cà phê nguyên chất để phục vụ người tiêu dùng

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trương Thanh Tùng, toàn tỉnh hiện có khoảng 130.000 ha cà phê, trong đó có trên 70% diện tích đã cho thu hoạch. Thông qua việc thực hiện các dự án như 3M, VnSAT… trong tái canh cà phê, có 29.000 ha cà phê của tỉnh đã được công nhận là cà phê sản xuất sạch. Ngoài ra, trên địa bàn cũng có một số HTX đã sản xuất cà phê theo hình thức liên kết giữa với các hộ nông dân, thông qua tiêu thụ ở các doanh nghiệp để tạo ra những sản phẩm cà phê sạch, bảo đảm tiêu thụ, tiêu dùng trên thị trường.

Vùng nguyên liệu ổn định là cơ sở quan trọng để các doanh nghiệp chế biến cà phê mở rộng quy mô sản xuất, từng bước đưa các sản phẩm phê đạt chất lượng cao ở Đắk Nông vươn ra thị trường. Ông Tùng cho hay: Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có nhiều doanh nghiệp, cơ sở chế biến cà phê đạt chất lượng cao như: Hương Nguyên (Chư Jút), Đức Lập (Đắk Mil), Công ty An Phong (Đắk Song), Công ty Cà phê Bazan (Gia Nghĩa)… Những sản phẩm của các doanh nghiệp này có chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Đây là thành quả của ngành cà phê của tỉnh thời gian qua và cần tiếp tục phát huy, nhân rộng trong thời gian tới.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hướng tới sản phẩm cà phê “sạch”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO