Huy động vốn vay thông qua Tổ Tiết kiệm và Vay vốn ở Chư Jút: Giúp người nghèo tạo ý thức tiết kiệm

Nguyễn Lương| 11/01/2017 11:25

Đã thành thông lệ, cứ đến ngày 20 hằng tháng, sau khi chuẩn bị xong hơn 320 ngàn đồng tiền lãi, bà Nguyễn Thị Nga, ở thôn 3, xã Trúc Sơn lại “gói” thêm 50 ngàn đồng để gửi tiết kiệm. Và chỉ hơn 2 năm thực hiện, đến nay, bà Nga đã có số tiền kha khá để phòng bị những lúc khó khăn.

ADQuảng cáo

Bà Nga chia sẻ: “Ðối với số tiền tiết kiệm này, tôi dự định khi nào đến hạn trả nợ gốc cho ngân hàng thì sẽ rút ra để trả, bớt đi áp lực hơn”. Không chỉ có gia đình bà Nga, trong Tổ Tiết kiệm và Vay vốn (TK&VV) thôn 3, hiện nay có hơn 40 thành viên thực hiện gửi tiết kiệm hằng tháng, với tổng số tiền huy động là hơn 200 triệu đồng.

Ngoài trả nợ lãi, gốc, số tiền tiết kiệm hằng tháng cũng được các tổ trưởng tổ TK&VV xã Chư K'nia (Chư Jút) nộp vào cho NHCSXH tại các buổi giao dịch xã

Ông Đậu Kinh Nghiệm, Tổ trưởng Tổ TK&VV thôn 3, xã Trúc Sơn (Chư Jút) cho biết: “Để tạo được ý thức tiết kiệm cho người nghèo, trong những lần sinh hoạt, Ban Quản lý Tổ tích cực tuyên truyền, vận động bà con tham gia. Mức tiền gửi tiết kiệm hằng tháng cũng được bà con thống nhất cao, với mức 50 ngàn đồng/hộ/tháng. Mặc dù số tiền tiết kiệm không nhiều, nhưng thông qua hoạt động này, Tổ TK&VV đã từng bước tạo thói quen thực hành tiết kiệm để tạo lập nguồn vốn tự có, nhằm giúp các thành viên có thể chủ động hơn trong cuộc sống”.

ADQuảng cáo

Tương tự, tại Tổ TK&VV thôn Đồi Mây, xã Đắk Wil đã vận động được rất nhiều thành viên tham gia vào hình thức tiết kiệm này. Đến nay, số tiền huy động tiết kiệm tại tổ là hơn 120 triệu đồng. Nguồn vốn tiết kiệm được đã giúp nhiều hộ nghèo, cận nghèo giảm áp lực khi đến kỳ trả lãi, gốc.

Bà Vương Thị Hằng, Tổ trưởng Tổ TK&VV thôn Đồi Mây chia sẻ: “Khi có chủ trương huy động tiết kiệm thông qua các tổ TK&VV, Ban Quản lý Tổ đã tổ chức phổ biến sâu rộng đến tất cả các thành viên. Nhờ tích cực vận động, các thành viên trong tổ đều nhận thấy, chương trình huy động tiết kiệm của NHCSXH rất có ý nghĩa, từ đó, tham gia đông đủ. Những hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn gửi mỗi tháng 20.000 đồng, hộ bớt khó khăn hơn gửi 50.000 đồng đến 100.000 đồng. Cũng nhờ thực hành tiết kiệm, vừa rồi, nhiều hộ đến hạn trả nợ gốc đã bớt đi được nhiều áp lực”.

Ông Mai Văn Nam, Giám đốc Phòng Giao dịch NHCSXH huyện Chư Jút cho biết: “Tính đến hết năm 2016, đơn vị đã thực hiện huy động gửi tiết kiệm được 8,9 tỷ đồng, đạt 107% kế hoạch. Trong đó, riêng huy động tiết kiệm thông qua hệ thống các tổ TK&VV là hơn 5,2 tỷ đồng. Điều đáng mừng, mặc dù ngân hàng không quy định số tiền huy động hằng tháng nhưng nhiều địa phương, nhiều tổ TK&VV đã tổ chức họp, thống nhất mức góp chung khá cao”.

Cũng theo ông Nam, để có được kết quả này, hằng năm, đơn vị tổ chức nhiều lớp tập huấn, cấp phát tài liệu hướng dẫn làm mẫu các thủ tục theo kiểu “cầm tay chỉ việc” đối với các tổ trưởng tổ TK&VV. Việc triển khai huy động tiền gửi tiết kiệm qua tổ được đơn vị tiến hành cùng với công tác củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ TK&VV. Cán bộ ngân hàng trở thành tuyên truyền viên cho hoạt động này ngay tại những buổi giao dịch tại các xã, phường, thị trấn, nhất là tại các địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể chính trị, xã hội giúp các hộ gia đình vay vốn hiểu lợi ích của việc gửi tiết kiệm, từ đó, tự nguyện tham gia.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Huy động vốn vay thông qua Tổ Tiết kiệm và Vay vốn ở Chư Jút: Giúp người nghèo tạo ý thức tiết kiệm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO