Kết quả bước đầu từ Đề án sản xuất chanh dây theo chuỗi

Hồng Thoan| 06/03/2018 09:29

Năm 2016, ngành Nông nghiệp triển khai thực hiện Đề án thí điểm xây dựng mô hình kiểm soát chất lượng an toàn thực phẩm (ATTP) theo chuỗi sản xuất, kinh doanh sản phẩm chanh dây trên địa bàn tỉnh Đắk Nông (Đề án).

ADQuảng cáo

Đề án được triển khai thí điểm trên các địa bàn có diện tích chanh dây lớn của tỉnh là 2 huyện Đắk Glong, Đắk R’lấp và thị xã Gia Nghĩa. Đối tượng tham gia đề án sẽ được hỗ trợ quy trình sản xuất an toàn từ sản xuất, thu mua đến chế biến sản phẩm chanh dây.

Sơ chế chanh dây tại HTX  Nông Lâm nghiệp - Thương mại Tia Sáng (Gia Nghĩa)

Đến nay đã có 6 cơ sở sản xuất, kinh doanh và 90 hộ dân sản xuất chanh dây tham gia vào chuỗi, đạt 100% kế hoạch đề ra. Cùng với việc đạt chỉ tiêu về con số thì các nội dung về tập huấn, hướng dẫn các hộ, cơ sở sản xuất, kinh doanh triển khai các điều kiện ATTP cũng đạt kết quả cao.

Cụ thể, cơ quan chuyên môn đã tổ chức được 4 lớp tập huấn cho khoảng 150 lượt người tham gia; xây dựng biên soạn tài liệu hệ thống quản lý chất lượng áp dụng cho hộ sản xuất, kinh doanh. Đề án đã hỗ trợ cho một số cơ sở sản xuất, kinh doanh áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo các tiêu chuẩn tiên tiến.

Theo đó, Công ty TNHH công nghệ thực phẩm Giai Mỹ  (Đắk R’lấp) đã được Trung tâm chất lượng  Nông, Lâm, Thủy sản vùng 3 đánh giá chứng nhận phù hợp QCVN 01-09:2009/ BNNPTNT (quy chuẩn về ATTP). Trung tâm này cũng đã chứng nhận đạt tiêu chuẩn sản xuất nông nghiệp tốt (Viet GAP) cho một số hộ dân trồng chanh dây với tổng diện tích 9,5 ha.

ADQuảng cáo

Công ty TNHH MTV Thương mại Nghĩa Đức (Gia Nghĩa) đã tham gia vào chuỗi mấy năm nay.  Ông Nguyễn Văn Xuyên, Giám đốc Công ty này cho biết công ty ông đã hoạt động thu mua, sơ chế chanh dây từ 7 năm nay với sản lượng hàng năm khoảng 1.000 tấn/năm. Tham gia vào chuỗi, công ty đã đầu tư, cải tạo lại nhà xưởng theo hướng bảo đảm ATTP, đầu tư kho lạnh bảo quản sản phẩm.

Ông Xuyên cho biết: “Nhà xưởng được cải tạo, nâng cấp theo quy tắc một chiều nhằm bảo đảm vệ sinh thực phẩm, tránh các nguy cơ mất an toàn; đồng thời tôi cũng quan tâm nhiều hơn đến nguồn gốc hàng hóa, có sự liên kết, hợp tác chặt chẽ hơn với các hộ trồng, từng bước hình thành nguồn nguyên liệu ổn định hơn”.

Theo bà Võ Thị Kim Chi, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng Nông, Lâm, Thủy sản (Sở Nông nghiệp- PTNT) thì sau 2 năm triển khai đề án, hiệu quả về bảo đảm ATTP trong lĩnh vực chanh dây đã có sự chuyển biến hết sức rõ ràng. Nếu như trước đây, đa phần hộ sản xuất vẫn còn “bỏ lơ” vấn đề bảo đảm ATTP khi sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật quá nhiều, không đủ thời gian cách ly, bao bì vận chuyển không vệ sinh thì nay 100% số hộ tham gia đề án đã sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách, tuân thủ các quy trình về an toàn.

Đối với các cơ sở thu mua, sơ chế, chế biến thì chú trọng đúng mức đến các vấn đề về đầu tư cải tạo nhà xưởng, bảo hộ lao động, kiểm tra sức khỏe cho công nhân… Nếu như những năm trước khi lấy mẫu dịch, quả chanh dây trong vùng thực hiện đề án phân tích phát hiện các yếu tố về mất ATTP thì hiện nay đều đạt mức an toàn. Cụ thể, qua hai đợt lấy 25 mẫu quả tại vườn, dịch múc tại các xưởng chế biến vào tháng 3 và tháng 8/2017 thì 100% số mẫu đều đạt và vượt chuẩn đối với các chỉ tiêu về kim loại nặng, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, vi sinh vật.

“Quan trọng hơn, đề án đã giúp kết nối chặt chẽ hơn giữa người sản xuất, thu mua, sơ chế, chế biến cùng hướng đến một mục tiêu chung là đưa đến tay người tiêu dùng sản phẩm đạt chất lượng cao nhất, tốt hơn cho sức khỏe. Từ kết quả này, Chi cục sẽ nhân rộng ra các sản phẩm khác như rau, quả, thịt heo trong những năm tiếp theo”, bà Chi cho biết thêm.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kết quả bước đầu từ Đề án sản xuất chanh dây theo chuỗi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO