Khắc phục các điểm đọng nước trên tỉnh lộ: Thiếu kinh phí và chậm bàn giao mặt bằng

Lê Phước| 21/08/2019 09:41

Tình trạng đọng nước tại nhiều vị trí trên các tỉnh lộ kéo dài trong nhiều năm qua không chỉ phá vỡ kết cấu giao thông, gây tốn kém kinh phí duy tu, sửa chữa mà còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người tham gia giao thông.

ADQuảng cáo

Cứ sau mỗi cơn mưa, một đoạn dài hàng chục mét trên tỉnh lộ 1, đoạn qua thôn 1, xã Quảng Tâm (Tuy Đức) lập tức trở thành “ao”. Đoạn đường có nhiều “ổ gà”, “ổ voi” dài hàng chục mét bị ngập nước tạo thành “bẫy” đối với người đi đường. Người dân qua lại đoạn đường này thường phải mò mẫm hoặc đi vào phía làn đường đối diện để tránh sụp vào hố sâu.

Xe cộ khó khăn khi đi qua điểm đọng nước trên tỉnh lộ 1, đoạn qua thôn 1, xã Quảng Tâm (Tuy Đức)

Có nhà ở gần đoạn đường này, anh Lê Trần Anh Khoa, ở thôn 1, xã Quảng Tâm, đã nhiều lần chứng kiến cảnh người đi đường bị ngã xuống "ao" nước. “Dạo này mùa mưa nên đoạn đường này lúc nào cũng ngập từ 30 - 50 cm. Nhiều người đi qua lúc trời mưa hoặc trời tối bị sụp xuống hố, ngã tội nghiệp lắm”, anh Khoa chia sẻ.

Cách đó không xa, đoạn tỉnh lộ 1 qua thôn 5, xã Quảng Tâm cũng chịu cảnh ngập nước thường xuyên. Tình trạng đọng nước gây khó khăn và tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn đối với người tham gia giao thông qua đoạn đường này.

ADQuảng cáo

Tình trạng ngập nước kéo dài đã phá vỡ kết cấu tỉnh lộ 1 qua thôn 5, xã Quảng Tâm (Tuy Đức)

Đây chỉ là 2 trong số 16 điểm thường xuyên bị ngập nước trên 6 tuyến tỉnh lộ (1, 2, 3, 4B, 5, 6, với tổng chiều dài 226 km) mà Sở Giao thông - Vận tải đã thống kê trong năm 2018. Theo Giám đốc Sở Giao thông - Vận tải Võ Văn Hùm, tình trạng đọng nước trên các tuyến tỉnh lộ là do hệ thống thoát nước không bảo đảm hoặc bị người dân lấn chiếm, chặn đường thoát nước. Do thường xuyên bị ngập, kết cấu mặt đường các điểm đọng nước bị phá vỡ khiến đường nhanh chóng xuống cấp. Gần như năm nào ngành giao thông cũng bố trí kinh phí để đổ đá, san gạt nhằm đáp ứng tạm thời nhu cầu đi lại của người dân. Tuy nhiên, giải pháp khắc phục này chỉ mang tính tạm thời, gây tốn kém kinh phí và đường vẫn hư hỏng trở lại.

Để khắc phục triệt để tình trạng này, ông Hùm cho rằng phải xây dựng được hệ thống mương thoát tại các điểm đọng nước. Việc thu gom nước sẽ giúp kết cấu đường bộ ổn định, giúp người dân đi lại thuận tiện hơn. Tuy nhiên, công tác khắc phục đang gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại.

"Trong năm 2018, UBND tỉnh đã bố trí cho chúng tôi 2 tỷ đồng để triển khai khắc phục 6 điểm đọng nước trên tỉnh lộ 1 và tỉnh lộ 5. Tuy nhiên, chúng tôi mới chỉ hoàn thành được 1 điểm do các điểm còn lại hiện đang vướng mắc mặt bằng. Bên cạnh việc đề nghị UBND tỉnh sớm bố trí kinh phí để khắc phục 10 điểm còn lại, chúng tôi cũng tha thiết mong các địa phương phối hợp với ngành giao thông, sớm bàn giao mặt bằng để công tác khắc phục được thuận lợi hơn", ông Hùm cho hay.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khắc phục các điểm đọng nước trên tỉnh lộ: Thiếu kinh phí và chậm bàn giao mặt bằng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO