Khoa học công nghệ cấp cơ sở cần được “trợ lực”

Lê Dung| 17/05/2021 09:12

Thời gian qua, hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) cấp cơ sở đã đạt nhiều kết quả nổi bật. Các tiến bộ khoa học kỹ thuật ngày càng được ứng dụng và chuyển giao vào sản xuất. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn lực đầu tư cho KH&CN cấp cơ sở vẫn còn quá thấp so với nhu cầu thực tế.

ADQuảng cáo

Nguồn lực đầu tư thấp

Theo Sở KH&CN, hiện nay, khó khăn lớn nhất đối với hoạt động KH&CN ở cơ sở đó chính là nguồn nhân lực và kinh phí triển khai các nhiệm vụ.

Thời gian qua, các nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở thường tập trung chủ yếu vào việc phát triển các sản phẩm nông nghiệp

Trong đó, nguồn nhân lực KH&CN cấp cơ sở của tỉnh hiện đang thiếu về số lượng và yếu về chất lượng. Mặc dù, mỗi huyện, thành phố đều được bố trí một cán bộ phụ trách lĩnh vực KH&CN, nhưng hầu hết lại đang kiêm nhiệm nhiều công việc khác nhau.

Do vậy, không chỉ chuyên môn, nghiệp vụ, mà ngay cả kinh nghiệm quản lý của họ bị hạn chế. Trong khi đó, đội ngũ cán bộ này lại thường xuyên luân chuyển công tác đã gây nhiều khó khăn trong quá trình triển khai các hoạt động của ngành.

Theo ông Trần Đức Văn, Phó Trưởng Phòng Kinh tế- Hạ tầng huyện Đắk Mil, do chuyên viên làm công tác KH&CN ở địa phương thường xuyên thay đổi, nên công việc triển khai luôn bị gián đoạn, kém hiệu quả. Do vậy, địa phương đề xuất với ngành KH&CN hàng năm cần tổ chức các lớp tập huấn bồi dưỡng kiến thức cho đội ngũ cán bộ này, để nếu có sự thay đổi sẽ không bị ảnh hưởng.

Nguồn kinh phí đầu tư cho KH&CN cấp cơ sở trên địa bàn tỉnh hiện còn quá thấp, chủ yếu là dựa vào nguồn ngân sách Nhà nước. Hàng năm, định mức kinh phí phân bổ theo từng huyện, thành phố là 200 triệu đồng và 15 triệu đồng/xã, phường. Với nguồn vốn này các địa phương rất khó để phát huy hiệu quả. Trong khi đó, việc huy động vốn từ các doanh nghiệp KH&CN trong và ngoài tỉnh tham gia gặp nhiều khó khăn.

Theo ông Thạch Cảnh Tịnh, Phó Chủ tịch UBND TP.Gia Nghĩa, hiện nay, KH&CN cơ sở chưa được quan tâm do kinh phí đầu tư ít. Nguồn ngân sách đầu tư mới chỉ dừng lại ở việc phân bổ đồng đều, chứ thực tế chưa bám theo một kế hoạch cụ thể nào.

Đặc biệt là nguồn vốn sự nghiệp KH&CN cấp xã, phường gần như không thể sử dụng do quá thấp, dẫn đến khó triển khai trọn một đề tài. Cũng chính vì thế, sức lan toả của các nhiệm vụ KH&CN sau khi triển khai chưa được phát huy hiệu quả.

ADQuảng cáo

Ưu tiên những nhiệm vụ trọng tâm

Theo Sở KH&CN, trong năm qua, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã phê duyệt và triển khai 30 nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở.

Trong đó, các nhiệm vụ tập trung chủ yếu vào lĩnh vực phát triển nông nghiệp. Một số nhiệm vụ sau khi kết thúc được tiếp tục duy trì, nhân rộng hiệu quả như: Mô hình “Nuôi cấy mô nấm đông trùng hạ thảo”; “Mô hình trồng hoa cúc trong nhà lồng”…

Một số địa phương đã vận dụng nguồn kinh phí khác ngoài ngân sách để xây dựng mô hình ứng dụng KH&CN, nhưng không nhiều. Công tác tham mưu của cơ quan chuyên môn quản lý về KH&CN cơ sở chưa cao…

Theo ông Trần Đình Ninh, Giám đốc Sở KH&CN, để hoạt động KH&CN cấp cơ sở ngày càng phát triển, tạo sức lan toả mạnh mẽ trong sản xuất và đời sống, trong thời gian tới, các huyện, thành phố cần tiếp tục lựa chọn các nhiệm vụ phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của địa phương.

Trên cơ sở đó, ngành KH&CN sẵn sàng đề xuất và xây dựng kế hoạch hỗ trợ cho địa phương thực hiện. Trong đó, các địa phương nên ưu tiên các nhiệm vụ KH&CN mang tính tập trung, có thế mạnh và nhất là về chế biến sâu nông sản. Từ đó góp phần thương mại hoá các sản phẩm lợi thế của địa phương ngày một tốt hơn.

Về nguồn kinh phí KH&CN phân bổ cho các địa phương hàng năm, ông Bùi Văn Đồng, Trưởng Phòng Quản lý ngân sách (Sở Tài chính) cho rằng: Nguồn ngân sách Nhà nước cho KH&CN cơ sở không khống chế mức chi cụ thể, mà chỉ khác ở cách làm của từng địa phương. Tức là trong tổng nguồn kinh phí được đưa về, các huyện, thành phố sẽ tự cân đối, phân bổ thực hiện sao cho hiệu quả nhất.

Vì vậy, định kỳ, cứ vào tháng 10 hàng năm, các địa phương phải xây dựng kế hoạch triển khai cho các nhiệm vụ KH&CN và giao trách nhiệm cụ thể. Căn cứ vào đó, nguồn ngân sách sẽ phân bổ kinh phí. Còn nếu giao tiền rồi mới bắt đầu xây dựng đề tài thì trong quá trình triển khai thực hiện sẽ rất lúng túng như bây giờ.
Ngoài ra, để các nhiệm vụ KH&CN cấp cơ sở được triển khai hiệu quả thì giữa các sở, ngành phải có sự kết nối, trao đổi thường xuyên, tránh trùng lắp, chồng chéo, dàn trải về nội dung hỗ trợ.  

Theo Sở KH&CN, đơn vị sẽ tăng cường công tác đào tạo, tập huấn chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ quản lý KH&CN cấp cơ sở theo các chương trình của ngành. Đồng thời, tích cực phối hợp với các đơn vị chuyên môn triển khai tốt các hoạt động quản lý Nhà nước về KH&CN trên địa bàn, nhất là tổ chức tốt ứng dụng các kết quả nghiên cứu vào sản xuất và đời sống để tạo ra sản phẩm mới, ngành nghề mới.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khoa học công nghệ cấp cơ sở cần được “trợ lực”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO