Khoa học, công nghệ từng bước được chú trọng trong phát triển nông nghiệp bền vững

Trường Thịnh (th)| 17/04/2019 10:19

Việt Nam có hơn 70% dân số làm nông nghiệp, nhưng chỉ đóng góp khoảng 20% GDP, trong khi ở những quốc gia phát triển, tỷ lệ lao động trong ngành nông nghiệp chỉ dưới 10% dân số và đóng góp 30%-40% GDP. Để thúc đẩy ngành nông nghiệp có bước phát triển mới, cùng với việc tận dụng được những lợi thế trong tiến trình hội nhập, cần ứng dụng rộng rãi hơn nữa những thành tựu của khoa học - công nghệ (KH-CN), kỹ thuật mới.

ADQuảng cáo

Năm 2018, giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp tăng 3,86% so với năm 2017; kim ngạch xuất khẩu ước đạt 40,02 tỷ USD, tăng 9,6% so với năm 2017. Ngành nông nghiệp tiếp tục duy trì 10 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 17 tỷ USD, trong đó có 5 mặt hàng có kim ngạch trên 3 tỷ USD. Theo Bộ Nông nghiệp-PTNT (NN-PTNT), các kết quả nêu trên của ngành nông nghiệp đều có sự đóng góp của KH-CN thông qua việc khuyến khích phát triển sản xuất quy mô lớn, hợp tác liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị; ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ vào sản xuất; năng lực nghiên cứu, dự báo và thông tin thị trường được nâng cao để kịp thời định hướng tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản; cơ cấu ngành hàng, sản phẩm có sự thay đổi rõ nét, tăng tỷ trọng các ngành, sản phẩm có lợi thế và thị trường…

Hợp tác xã Đắk Tân ở xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) sử dụng màng phủ nông nghiệp và các công nghệ mới vào trồng chanh dây. Ảnh: Thanh Nga

ADQuảng cáo

Thứ trưởng Bộ KH-CN Phạm Công Tạc cho biết, nhờ ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, trong những năm vừa qua, mức độ tổn thất của nông sản đã giảm đáng kể (lúa gạo đã giảm xuống dưới 10%...). Cùng với đó, mức độ cơ giới hóa ở khâu làm đất đối với các loại cây hàng năm đạt khoảng 94% (tăng 1% so với năm 2017; Đồng bằng Sông Cửu Long đạt 98%); khâu gieo, cấy lúa bằng công cụ sạ hàng và cấy đạt 42%; khâu chăm sóc, phun thuốc bảo vệ thực vật (lúa, mía, chè) đạt 77%; khâu thu hoạch lúa đạt 50% (các tỉnh đồng bằng đạt 90%). Mức độ tăng trưởng số lượng máy móc, thiết bị trong sản xuất nông nghiệp là 2% so với năm 2017. Một số tập đoàn kinh tế lớn đã chú trọng đầu tư vào chế biến sản phẩm nông nghiệp, giúp nâng cao chất lượng, mẫu mã và đa dạng các mặt hàng nông, lâm, thủy sản. Riêng trong năm 2018, cả nước có 16 nhà máy chế biến rau quả, thịt heo, gia cầm hiện đại với tổng mức đầu tư khoảng 8.700 tỷ đồng được khởi công và khánh thành. Sự tham gia vào sản xuất nông nghiệp của một loạt doanh nghiệp lớn thời gian vừa qua, hay sự canh tác, nuôi trồng một số giống cây con đặc chủng để xuất khẩu những thị trường đặc thù là cơ hội để ngành nông nghiệp Việt Nam có những thay đổi thực sự về chất.

Đánh giá về những kết quả, đóng góp của KH-CN đối với sự phát triển của ngành nông nghiệp thời gian qua, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, kết quả tăng trưởng này chính là từ những sự tích lũy, nỗ lực trong khoảng thời gian dài chúng ta quyết tâm đưa những thành tựu KH-CN vào quá trình sản xuất. Thời gian tới, Bộ NN-PTNT mong Bộ KH-CN tiếp tục có các phương án hoàn thiện thể chế KH-CN; trong đó, tập trung đặc biệt vào xây dựng, hoàn thiện phát triển các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật đặc biệt cho ngành nông nghiệp, yếu tố để hàng hóa của Việt Nam có thể cạnh tranh với nước ngoài...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khoa học, công nghệ từng bước được chú trọng trong phát triển nông nghiệp bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO