Khởi động Dự án nông nghiệp công nghệ cao và du lịch sinh thái Phước Sơn

Lê Phước| 18/08/2017 09:16

Những ngày gần đây, khu vực trang trại của Công ty TNHH MTV SX Nông nghiệp công nghệ cao - Thương mại - Dịch vụ - Du lịch Nguyên Thành Phát (gọi tắt là Công ty Nguyên Thành Phát) ở thôn 13, xã Đắk Wer (Đắk R’lấp) không khí lao động hết sức khẩn trương nhằm phục vụ cho một dự án mới: “Dự án nông nghiệp công nghệ cao và du lịch sinh thái Phước Sơn” (gọi tắt là dự án Phước Sơn).

ADQuảng cáo

Dự án Phước Sơn được UBND tỉnh Đắk Nông chấp thuận chủ trương đầu tư từ tháng 7/2017 trên diện tích 10 ha với tổng kinh phí 20 tỷ đồng. Mục tiêu của dự án là sản xuất nông lâm nghiệp kết hợp với dịch vụ lưu trú - ăn uống và du lịch. Dự án nằm cách quốc lộ 14 khoảng 2 km và dự kiến đưa vào hoạt động từ quý I/2018.

Hệ thống đường đã được cứng hóa chạy ngang dọc các hồ

“Bén duyên” với nông nghiệp

Cách đây ít năm, ông Nguyễn Trung Thành (TP. Hồ Chí Minh) đến thôn 6, xã Đắk Wer mua một khu đất rộng 3 ha để “thử nghiệm” trồng chuối Nam Mỹ. Nhờ chịu khó tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm và áp dụng khoa học kỹ thuật vào chăm sóc, vườn chuối của gia đình ông Thành phát triển xanh tốt, đạt năng suất cao. Tháng 9/2016, vườn chuối được Trung tâm chất lượng nông lâm thủy sản vùng 3, Cục Quản lý Chất lượng nông lâm sản và thủy sản chứng nhận sản phẩm được sản xuất, sơ chế phù hợp với quy trình thực hành sản phẩm nông nghiệp tốt (VietGAP) với sản lượng 150 tấn sản phẩm tươi/năm.

Theo ông Thành, trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến chất lượng sản phẩm, việc sản xuất các sản phẩm nông nghiệp theo mô hình VietGAP mang lại lợi thế rất lớn trong vấn đề đầu ra. Sản phẩm chuối Nam Mỹ của gia đình ông luôn dễ bán và bán với giá cao hơn từ 1.000 - 2.000 đồng/kg so với các loại chuối thương phẩm. Với sản lượng trung bình 150 tấn/năm, gia đình ông Thành thu về hơn 900 triệu đồng từ vườn chuối VietGAP này.

Từ thành công ở vườn chuối, ông Thành đã mạnh dạn mở rộng mô hình phát triển nông nghiệp tại xã Đắk Wer. “Ngắm nghía” được một khu vực có sơn thủy hữu tình ở thôn 13, ông Thành quyết định mua, thuê thêm nhiều diện tích đất quanh khu vực này để đầu tư sản xuất trang trại. Hiện tại, Công ty Nguyên Thành Phát của ông Thành đang có gần 20 ha đất trồng các loại cây công nghiệp, cây ăn quả và chăn nuôi (gia súc, gia cầm và nuôi cá). Với nhiều loại cây trồng, vật nuôi đã và đang cho thu hoạch, hiện trang trại của ông Thành cho tổng doanh thu trên 4 tỷ đồng/năm.

Và “giấc mơ” làm du lịch

ADQuảng cáo

Trong quá trình làm nông nghiệp, ông Thành luôn cố gắng xây dựng những mô hình sản xuất nông nghiệp sạch, có những sản phẩm đạt "sạch, ngon và đẹp". Vốn là một người làm dịch vụ và đam mê du lịch, ông Thành cũng luôn “trăn trở” ý tưởng xây dựng một khu vực sản xuất nông nghiệp thật đẹp để làm du lịch sinh thái.

Mặc dù dự án Phước Sơn mới triển khai được hơn 1 tháng nay nhưng tốc độ thi công rất khẩn trương và hiện đã xây dựng được khá nhiều hạng mục. Hiện tại, toàn bộ khu vực trồng cao su, tiêu, cà phê của trang trại đã được bao tường rào kiên cố. Hệ thống đường dẫn vào dự án và các lối đi ngang dọc bên trong dự án đã được cứng hóa. Hai bên đường mọc lên những bức tường gạch, xen lẫn ở giữa là những cây đá cột trông đẹp mắt. Những rặng dừa, cọ, chuối… xanh mướt bao trọn cả chục ao, hồ trong trang trại. Từng dãy nhà, lều kiên cố được đầu tư nhằm phục vụ nhu cầu ăn ở của công nhân và chuồng trại chăn nuôi.

Con đường dẫn vào Dự án nông nghiệp công nghệ cao và du lịch sinh thái Phước Sơn xuyên qua những rẫy cao su, cà phê và tiêu

Theo ông Thành, khu vực dự án không những phong cảnh hữu tình mà có vị trí rất thuận lợi về giao thông (cách quốc lộ 14 khoảng 2 km). Khi đi vào hoạt động, khu du lịch này không chỉ phục vụ nhu cầu của nhân dân trong địa bàn mà còn là điểm dừng chân lý tưởng của du khách theo chặng hành trình từ TP. Hồ Chí Minh lên Tây Nguyên. Tuy nhiên, những lợi thế này chỉ là “điều kiện cần” cho phát triển du lịch. Muốn “giữ chân” được du khách, những khu du lịch như Phước Sơn cần phải phát triển theo hướng đa dịch vụ, đáp ứng sở thích, nhu cầu đa dạng của du khách.

Hiện tại, ông Thành đã thuê hơn 4 ha đất mặt tiền quốc lộ 14, đoạn qua thôn 7, xã Đắk Wer. Theo dự tính, ông Thành sẽ đầu tư xây dựng khu vực này một hệ thống dịch vụ như nhà hàng, khách sạn, bãi đậu xe… để du khách dừng chân. Sau khi nghỉ ngơi tại đây, du khách sẽ được đưa đón vào khu du lịch Phước Sơn bằng các phương tiện của công ty. Trong khu du lịch, ông Thành dự kiến sẽ xây dựng những khu vực để tham quan quy trình sản xuất nông nghiệp và thưởng thức các loại cây ăn trái sạch tại chỗ. Du khách cũng có thể câu cá tại các hồ, thưởng thức các loại sản phẩm được nuôi trồng trong khu du lịch bằng dịch vụ nấu ăn tại chỗ. Ngoài ra, ông còn đầu tư khu vui chơi giải trí, khu vực trồng các loại hoa, hệ thống dịch vụ… để có thể phục vụ mọi lứa tuổi.

Ông Thành chia sẻ: “Dự án Phước Sơn sẽ hoàn thành và đưa vào khai thác du lịch trong thời gian không xa. Tuy nhiên, việc hoàn thiện và đồng bộ hạ tầng, dịch vụ nhằm kết nối với dự án Phước Sơn sẽ cần nhiều thời gian và kinh phí hơn. Với sự hỗ trợ của nông nghiệp cùng những chính sách ưu đãi, hỗ trợ của địa phương, chúng tôi dự tính đến khoảng năm 2020, Phước Sơn sẽ hoàn thiện và trở thành một điểm du lịch đáng đến của du khách”.

Bà Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông:

“Làm du lịch thì phải tìm ra những sản phẩm mới và dựa trên lợi thế vốn có như: địa hình, thổ nhưỡng, khí hậu… của địa phương. Nông nghiệp là chủ lực trong phát triển kinh tế của tỉnh, nếu gắn với du lịch thì chắc chắn sẽ phát huy được hết tiềm năng và hiệu quả. Tuy nhiên, chúng ta cần chú trọng nâng cao chất lượng từng điểm đến chứ không phải ồ ạt mở rộng số lượng. Mô hình nào thật đẹp, thật sạch và chuẩn sinh thái thì chúng ta mới đưa vào khai thác du lịch, tránh tình trạng “con sâu làm rầu nồi canh”. Nếu làm được điều này thì chắc chắn trong tương lai, chúng ta sẽ “giữ chân” và thu hút được khách du lịch đến với Đắk Nông”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khởi động Dự án nông nghiệp công nghệ cao và du lịch sinh thái Phước Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO