Khơi thông nguồn lực cho kinh tế hộ

Nguyễn Lương| 14/12/2016 10:28

Hơn 11.000 tỷ đồng là số dư nợ tại các tổ chức tín dụng trên địa bàn tỉnh đối với khách hàng vay là hộ nông dân. Đây được xem là nguồn lực thiết thực giúp người dân có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế hộ, thoát nghèo.

ADQuảng cáo

Vốn vay đã đến gần với người dân

Đầu năm 2016 vừa qua, gia đình ông Trần Mốt ở tổ dân phố 5, phường Nghĩa Tân (TX. Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông) được tiếp cận vốn vay theo chương trình phát triển cây cà phê, với lãi suất 7%/năm, tại Chi nhánh Ngân hàng TMCP Phát triển và Đầu tư tỉnh. Chỉ 3 ngày sau khi làm hồ sơ, cán bộ tín dụng của ngân hàng đã tiến hành thẩm định và giải ngân vốn vay cho gia đình ông.

Có vốn, ông tiến hành đào giếng nước, mua ống tưới, phân bón chất lượng cao chăm sóc vườn cây. Với quá trình chăm sóc đúng kỹ thuật, vườn cà phê, hồ tiêu phát triển tốt, năng suất đạt cao.

Ông Mốt cho biết: Kết thúc vụ thu hoạch này, trả xong nợ ngân hàng, tôi dự kiến tiếp tục làm hồ sơ vay lại để trồng hơn 1.000 trụ hồ tiêu nữa. Theo tôi, khi người dân có dự án và được “tiếp sức” vốn vay ngân hàng, với lãi suất ưu đãi thì hiệu quả kinh tế mang lại sẽ rất cao.

Được vay vốn ngân hàng kịp thời, ông Trần Mốt ở tổ dân phố 5, phường Nghĩa Tân (Gia Nghĩa) đã đầu tư vào vườn cà phê để đạt năng suất cao.

Tương tự, với ông Phùng Văn Viễn, ở xã Đắk R’moan (Gia Nghĩa), sau khi được tiếp cận 300 triệu đồng từ ngân hàng thương mại, ông tiến hành đầu tư mở rộng diện tích hồ tiêu đối với những diện tích cà phê đã già cỗi. Hiện nay, gia đình ông có hơn 2 ha cà phê đang cho thu hoạch và hơn 2 ha hồ tiêu trồng mới. Ngoài ra, gia đình còn đầu tư vào chăn nuôi heo, mỗi lứa xuất bán từ 20 đến 30 con heo, thu về hàng chục triệu đồng mỗi năm.

Theo ông Viễn, so với những năm trước, hiện nay, quá trình tiếp cận vốn tại ngân hàng thương mại thuận lợi hơn nhiều. Không chỉ rút ngắn về thời gian, thủ tục xét duyệt hồ sơ nhanh mà điều kiện vay vốn đối với khách hàng là nông dân cũng từng bước được “cởi trói”. Đây là điều kiện để người dân mạnh dạn đầu tư, mở rộng những mô hình về nông nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao hơn”.

ADQuảng cáo

Ưu tiên phát triển nông nghiệp

Thực tế, lĩnh vực nông nghiệp, nông dân là một trong những thế mạnh của tỉnh. Những năm gần đây, khi nhiều doanh nghiệp trên địa bàn gặp khó khăn, hoạt động ít hiệu quả, nhiều ngân hàng đã “khơi thông” nguồn vốn đến đối tượng khách hàng là hộ nông dân. Đối với nhiều tổ chức tín dụng, đây được xem là lĩnh vực rất tiềm năng để mở rộng mạng lưới.

Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp - PTNT tỉnh là một trong những đơn vị có mạng lưới cho vay trải khắp các huyện, thị xã trong tỉnh. Đến nay, dư nợ đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn tại Chi nhánh là hơn 4.600 tỷ đồng. Trong đó, số hộ nông dân được vay vốn là hơn 25.000 khách hàng. Ông Phan Công Quế, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp - PTNT tỉnh cho biết: “Vốn ngân hàng không thiếu nhưng quan trọng nhất là dự án, mô hình đầu tư vốn của người dân. Đối với lĩnh vực này, lãi suất cho vay thấp (7%/năm), nhu cầu vay nhiều nên nguồn vốn cho vay tại đơn vị luôn tăng cao”.

Còn tại Chi nhánh Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển tỉnh, đến nay, nguồn vốn cho vay đối với kinh tế hộ là hơn 2.900 tỷ đồng, với hơn 20.000 hộ gia đình được tiếp cận vốn. Theo ông Phạm Văn Hưng, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển tỉnh, mặc dù số vốn vay nhỏ lẻ nhưng mức độ rủi ro không nhiều nên đơn vị xem đây là lĩnh vực tiềm năng để đẩy mạnh cho vay. Hằng năm, ngoài nguồn vốn huy động tại đơn vị, Chi nhánh còn đề xuất Hội sở chính phân bổ thêm vốn nhằm bảo đảm nhu cầu vốn cho nông dân.

Nhiều hộ nông dân đến làm hồ sơ vay vốn tại Chi nhánh Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển tỉnh.

Ông Nguyễn Hồ Hữu, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết: “Việc thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn góp phần tạo điều kiện cho khách hàng khai thác có hiệu quả tiềm năng, thế mạnh của địa phương. Vấn đề cốt lõi trong thực hiện chính sách này là giúp nông dân nâng cao giá trị sản phẩm trên một đơn vị diện tích, từ đó, cải thiện và nâng cao đời sống”. Cũng theo ông Hữu thì thời gian qua, đơn vị đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng khảo sát để nắm bắt tình hình thực tế tại địa phương. Cán bộ ngân hàng nắm bắt, tập hợp nhu cầu về vốn trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, từ đó, thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng đối với lĩnh vực này.

Có thể nói, dư địa cho vay nông nghiệp là rất lớn nhưng không phải ngân hàng nào cũng mạnh dạn cho vay, vì hầu hết các món vay lĩnh vực này đều nhỏ lẻ, lãi suất chủ yếu là ưu đãi. Tuy nhiên, để “khơi thông” tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, các ngành, các cấp cần quan tâm gỡ các "nút thắt" kéo dài nhiều năm qua. Đó là tính liên kết trong sản xuất nông nghiệp còn thiếu chặt chẽ; tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận trang trại và xác nhận giấy tờ vay vốn ở các địa phương còn chậm, ảnh hưởng tới tiến độ thẩm định, quyết định cho vay vốn của tổ chức tín dụng...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khơi thông nguồn lực cho kinh tế hộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO