Khuyến cáo về chăm sóc cây trồng trong mùa mưa

Bài, ảnh: Hồng Thoan| 07/06/2022 09:09

Đắk Nông đang ở cao điểm mùa mưa, với lượng mưa lớn, độ ẩm cao. Điều này dễ phát sinh sâu bệnh, dịch hại trên các loại cây trồng. Do đó, nông dân các địa phương đang tập trung chăm sóc, phòng bệnh cho vườn cây theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp.

ADQuảng cáo

Toàn tỉnh Đắk Nông hiện có trên 34.600 ha hồ tiêu. Việc chăm sóc hồ tiêu vào mùa mưa đều được các nông hộ chú ý. Ông Trần Văn Giảng, thôn 7, xã Đắk Ha (Đắk Glong), hiện có 3 ha hồ tiêu đang cho thu nhập.

Thời gian này, gia đình ông tích cực thăm vườn, rong tỉa bớt cây che bóng và cắt cỏ. Theo ông Giảng, nhiều năm nay, gia đình ông đã không cuốc cỏ, hay dùng hóa chất diệt cỏ.

Thay vào đó, cỏ được ông cắt khoảng 3-5 lần/năm, tạo độ tơi xốp cho đất. Việc cắt cỏ cũng giúp hạn chế tác động đến bộ rễ của hồ tiêu. "Phòng bệnh tốt, bón phân cân đối, nên vườn cây của gia đình ít khi bị bệnh, cho năng suất ổn định khoảng 2-3 tấn/ha", ông Giảng cho biết.

Hiện nay, người trồng cà phê cũng chú ý chăm sóc, phòng bệnh cho vườn cây. Ông Đinh Quốc Cử, thôn Tân Thành, xã Đắk Ru (Đắk R’lấp), cho biết, giai đoạn này ông đang bón phân đợt 3 cho vườn cà phê.

Gia đình vừa bón phân hóa học, vừa bón phân hữu cơ. Riêng đối với phân hóa học, gia đình cân đối 3 thành phần đạm ure, lân, kali nhằm hạn chế bớt tình trạng rụng quả non.

Nông dân chú ý rong tỉa cây che bóng cho hồ tiêu vào mùa mưa

Phân hữu cơ vi sinh thường được gia đình ủ hoai mục từ vỏ cà phê, phân bò, chế phẩm vi sinh giúp cây tăng trưởng tốt. Mỗi tháng, gia đình bẻ chồi cho vườn cà phê một lần, chỉ để lại những chồi có kế hoạch tạo tán bổ sung.

Khi bẻ chồi, ông chú ý bỏ các cành tăm, cành nhớt. Ở mỗi vị trí đốt cành, ông chỉ để lại không quá 3 cành dự trữ được phát sinh. Ông bẻ các cành thứ cấp mọc dày trên đỉnh tán, tạo điều kiện để ánh sáng lọt vào bộ tán cà phê.

ADQuảng cáo

Theo Sở NN - PTNT, qua theo dõi của lực lượng chức năng, các loại sâu bệnh xuất hiện trên các loại cây công nghiệp dài ngày hiện ở mức thấp.

Ngành Nông nghiệp, các huyện, thành phố đang tăng cường cử cán bộ theo dõi, bám sát địa bàn để nắm bắt tình hình sinh trưởng, phát triển của các loại cây trồng.

Ngành Nông nghiệp cũng đã hướng dẫn, dự báo về sâu bệnh, dịch hại để giúp nông dân phòng, chống có hiệu quả, hạn chế khả năng phát sinh và lây lan ra diện rộng.

Ông Đinh Quốc Cử, xã Đắk Ru (Đắk R'lấp) vặt bỏ chồi vượt cho vườn cà phê

Đắk Nông hiện có trên 131.500 ha cà phê. Đối với diện tích cà phê đang ở giai đoạn quả non rất dễ phát sinh sâu bệnh. Nhà nông cần chú ý phòng, chống các bệnh như rỉ sắt, đốm mắt cua, khô cành, rầy rệp, mọt đục cành, tuyến trùng rễ...

Đối với hồ tiêu hiện đang giai đoạn phân hóa mầm hoa, đậu quả non, nếu chăm sóc không tốt dễ mất mùa. Bà con cần chú ý thực hiện các biện pháp tỉa cành che bóng, cắt bỏ cành chạm đất, đào rãnh thoát nước.

Các đối tượng gây hại hồ tiêu nhiều trong những tháng mùa mưa đều nguy hiểm như: tuyến trùng, chết nhanh, chết chậm... Do đó, bà con cần tập trung phòng, ngừa có hiệu quả các loại dịch bệnh này.

Cây cao su đang giai đoạn chăm sóc, thu hoạch mủ. Nhà nông chú ý phòng bệnh phấn trắng, nấm hồng. Đối với cây điều, hiện đang giai đoạn chăm sóc sau thu hoạch. Bà con chú ý phòng, chống các bệnh bọ xít muỗi, sâu đục thân, sâu đục cành, bọ vòi voi, xì mủ...

Để bảo đảm năng suất, nông dân cần triển khai tổng hợp các biện pháp canh tác, trong đó việc bón phân cân đối hóa học và hữu cơ, sinh học. Nhà nông nên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng lúc, đúng cách, đúng liều lượng để đem lại hiệu quả cao...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khuyến cáo về chăm sóc cây trồng trong mùa mưa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO