Khuyến công đồng hành cùng doanh nghiệp

Lê Dung| 28/06/2017 11:16

Thực hiện phương châm “Đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển”, năm 2017, các đề án khuyến công đã và đang tập trung đưa ra nhiều giải pháp nhằm hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Đắk Nông một cách thiết thực nhất.

ADQuảng cáo

“Khởi động” vốn cho các cơ sở công nghiệp nông thôn

Mới thành lập, vốn ít, quy mô nhỏ, nhưng thông qua các đề án khuyến công của năm 2017, các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh đã xác định rõ hướng phát triển cho sản phẩm hàng hóa của đơn vị mình và mạnh dạn hơn trong việc bỏ vốn ra đầu tư, kinh doanh.

Tháng 5/2017, cùng với việc đầu tư 255 triệu đồng, Cơ sở Cơ khí Võ Hùng, thị trấn Ea T’ling (Chư Jút) đã được Quỹ Khuyến công địa phương hỗ trợ thêm 200 triệu đồng để thực hiện Đề án “Hỗ trợ ứng dụng cụm máy móc, thiết bị tiên tiến vào trong quá trình gia công và sửa chữa cơ khí”.

Từ nguồn vốn này, cơ sở đã nhanh chóng mua sắm các máy móc mới, hiện đại phục vụ cho sản xuất như: Máy tôi cao tần, máy doa đứng, máy phun kẽm. Cụm máy móc, thiết bị mới đầu tư cũng đã giúp cơ sở sớm khắc phục được những nhược điểm trước đó và tăng gấp đôi số lượng sản phẩm làm ra. Độ bóng, nhẵn mịn, độ chính xác, tuổi thọ của sản phẩm hàng hóa cũng được nâng lên rõ rệt. Với hệ thống máy móc được đầu tư, cơ sở không còn phải gửi từng chi tiết sản phẩm vào Sài Gòn để hoàn thiện như trước. Giá thành đầu ra của sản phẩm nhờ đó đã giảm đi đáng kể.

Sản xuất cơ khí tại cơ sở Cơ khí Võ Hùng (Chư Jút).

Ông Võ Hùng, chủ cơ sở cho biết: “Với tiền đề này, trong năm tới, cơ sở có kế hoạch sẽ nới rộng quy mô nhà xưởng và tăng năng suất. Theo đó, đơn vị sẽ sắm thêm một số máy móc phụ, phục vụ cho cụm máy đã có sẵn như: Máy phay IMC, máy bào… Rất mong chương trình này tiếp tục được nhân rộng hơn nữa, để các cơ sở nhỏ như chúng tôi có nguồn vốn khởi động ban đầu cho những kế hoạch phát triển lâu dài về sau”…

Tương tự, đây là lần thứ 2 Công ty TNHH MTV cà phê Hương Nguyên (Chư Jút) được nguồn quỹ khuyến công “ghé thăm”. Mặc dù còn nhiều khó khăn về vốn, nhưng với nhu cầu ngày càng lớn của thị trường, doanh nghiệp đã mạnh dạn đầu tư mua thêm dàn máy mới cho chế biến cà phê bột.

Ông Lương Trọng Trợ, Phó Giám đốc công ty chia sẻ: “Đề án khuyến công đã hỗ trợ chúng tôi 100 triệu đồng để mua 3 máy mới, gồm: Máy tiếp nguyên liệu, máy rang và máy làm nguội. Những thiết bị mới này xử lý về vấn đề môi trường cho cơ sở rất tốt. Sản phẩm khi ra hàng luôn được sạch sẽ và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm. Việc xử lý khói bụi, xử lý những tạp chất như hạt mẻ, hạt vỡ… đều được máy móc thực hiện tự động hết”.

ADQuảng cáo

Được biết, trước đây, do rang thủ công bằng than nên chất lượng cà phê thành phẩm của công ty rất kém. Lúc già lửa quá thì cà phê có mùi khét, non quá lại bị chua. Bây giờ, điều này cơ sở không còn lo lắng nữa. Hiện tại, mỗi tháng, công ty đang sản xuất trung bình từ 5-6 tấn cà phê bột. Thị trường được mở rộng ra nhiều tỉnh, thành lớn trong cả nước như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Ninh Thuận, Đà Nẵng…

Thông qua việc thực hiện các đề án đã minh chứng rằng, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước đối với sự phát triển của các cơ sở công nghiệp nông thôn là rất quan trọng. Qua đó cũng cho thấy, nhu cầu hỗ trợ để mở rộng, phát triển của các cơ sở trên địa bàn còn rất lớn.

Rang cà phê tại Công ty TNHH MTV Cà phê Hương Nguyên (Chư Jút).

Ưu tiên cho những cơ sở có thế mạnh

Mặc dù nguồn quỹ khuyến công của tỉnh đã hỗ trợ rất tích cực, nhưng thời gian qua, việc phối hợp trong việc thực hiện đề án vẫn còn những khó khăn nhất định.

Ông Trần Hữu Luận, Giám đốc Trung tâm khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công thương) cho biết, hoạt động khuyến công đang được triển khai bởi 2 nguồn vốn, là khuyến công quốc gia và khuyến công địa phương. Trong đó, các nguồn vốn chủ yếu tập trung vào việc hỗ trợ máy móc, thiết bị tiên tiến hiện đại vào trong khâu sản xuất, để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm; đồng thời, hỗ trợ các nội dung liên quan đến nâng cao năng lực quản lý nhà nước… Thực tế, hiện nay, các cơ sở được hỗ trợ thực hiện đề án đã sử dụng, quản lý sử dụng rất tốt các máy móc, thiết bị tiên tiến, hiện đại vào trong quá trình sản xuất. Tuy nhiên, qua quá trình triển khai thực hiện đề án cho thấy, nhiều cơ sở công nghiệp nông thôn vẫn chưa nắm được những quy định liên quan về tài chính, lao động… Mặt khác, nhiều yêu cầu trong nội dung đề án khuyến công, các cơ sở cũng rất khó mà thực hiện như: Thông tin về máy móc, thiết bị, các thông số kỹ thuật, nơi xuất xứ sản xuất… Vì vậy, ngoài việc nắm thông tin nguyện vọng của các cơ sở, ngành chức năng cũng sẽ tập trung tư vấn về việc lựa chọn máy móc, thiết bị hợp lý với số tiền bỏ ra…

Ông Luận cũng cho biết thêm, hiện nay, các cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đã có bước phát triển nhất định. Vì vậy, trong điều kiện khả năng nguồn quỹ, năm 2017, ngành tập trung ưu tiên lựa chọn các cơ sở có khả năng về tài chính, có khả năng phát triển để hỗ trợ. Trên cơ sở đó, các cơ sở cũng có thể phát huy được hiệu quả của các máy móc, thiết bị được đầu tư…

Năm 2017, nguồn quỹ khuyến công đã và đang triển khai 12 đề án, với tổng nguồn vốn hỗ trợ là 2,1 tỷ đồng. Trong đó, 5 đề án khuyến công quốc gia, với kinh phí hỗ trợ 1 tỷ đồng và 7 đề án khuyến công địa phương, với kinh phí 1,1 tỷ đồng. Các đề án cũng tập trung vào việc hỗ trợ ứng dụng máy móc, thiết bị tiên tiến vào trong sản xuất chế biến nông, lâm sản và cơ khí…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khuyến công đồng hành cùng doanh nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO