Khuyến nông viên tích cực ở thôn Nam Ninh

Phạm Khánh| 25/10/2017 09:43

Ông Đặng Phương Năm, khuyến nông viên xã Nâm N'đir (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) là người rất tích cực truyền đạt, phổ biến các kiến thức chăm sóc cây trồng, vật nuôi cho bà con trong thôn Nam Ninh.

ADQuảng cáo

Thông thường cứ vào cuối tuần, ông Năm lại chạy xe máy đi đến đồng ruộng, vườn rẫy của người dân trong thôn Nam Ninh để nói chuyện về trồng trọt, chăn nuôi với họ. Hình ảnh này đã trở nên rất quen thuộc. Ngay tại ruộng, vườn, ông trao đổi về kỹ thuật chăm sóc, ghép cành, phòng trừ sâu bệnh một cách tỉ mỉ, chi tiết. Ví dụ như cây lúa, khi làm đất phải cày ải, khử phèn bằng vôi, sau đó bón phân chuồng đã được ủ trước rồi mới được gieo sạ. Nếu bón phân, gieo sạ cùng một lúc sẽ làm cho hạt nảy mầm không đều, vì trong phân còn nhiều vi khuẩn bất lợi, mang mầm bệnh, dễ dẫn đến thối mầm. Sau khi gieo khoảng 1 tháng mới tiến hành làm cỏ, khi ấy rễ đã phát triển, khó bị đứt, ít bị ảnh hưởng đến quá trình sinh trưởng của lúa. Bón phân đúng thời điểm, nhất là lúc lúa trổ bông, giúp cây có thêm nguồn dinh dưỡng để bông chắc hạt. Ông cũng hướng dẫn người dân thường xuyên thăm đồng ruộng nhằm phát hiện các biểu hiện bất thường của cây lúa...

Ông Năm (bên phải) tận tình hướng dẫn người dân kỹ thuật ghép cà phê.

Từ những kiến thức ông Năm truyền thụ, bà con trong thôn đã áp dụng vào thực tiễn. Hiệu quả từ cây lúa và các loại cây trồng khác như bắp, đậu, bầu, bí đạt cao hơn so với trước đây. Sản lượng lúa của thôn trước đây chỉ đạt 200 tấn thì hiện nay đã đạt gần 280 tấn. Anh Lý Văn Thắng, người dân trong thôn cho hay: “Hơn 10 năm về trước, bà con trồng cây lương thực, hoa màu đều kém hiệu quả, năng suất thấp, vì không biết cách xử lý đất, chọn giống, không phát hiện được sâu bệnh kịp thời, dẫn đến bị mất mùa. Khi đó, một sào lúa chỉ đạt từ 3- 4 tạ thóc. Sau này được anh Năm tận tình giúp đỡ về kỹ thuật, bà con làm hiệu quả hơn hẳn, năng suất bây giờ đạt từ 5-6 tạ/sào. Nhờ đó, nhiều gia đình trong thôn đã tự túc được lương thực, thậm chí có trường hợp còn bán ra thị trường, không lo thiếu cái ăn nữa”.

ADQuảng cáo

Ông Năm cũng là người rất “đa năng” trong việc hướng dẫn bà con về kỹ thuật chăm sóc, ghép cành, cải tạo vườn cà phê. Theo ông, ngoài phân chuồng, bà con nên dùng phân hóa học để bón cho cây trồng này. Vì phân chuồng giúp cho đất tươi xốp, màu mỡ bền lâu, còn phân hóa học giúp cây ra hoa, đậu quả, hạt chắc với tỷ lệ cao. Ngoài việc phát hiện kịp thời các loại nấm, các loại sâu bệnh, người dân cũng cần chủ động phun thuốc, cắt dọn cành để phòng tránh lây lan các loại bệnh. Khi tiến hành ghép cành, bà con cần chọn những cành khỏe, cành không quá già và cũng không non, không bị nhiễm bệnh mới đạt hiệu quả cao. Với cách hướng dẫn tỉ mỉ, cầm tay chỉ việc như vậy của ông Năm, nhiều người đã yên tâm làm theo. Anh Hoàng Đức Tiến, trú cùng thôn, cho biết: “Vườn cà phê của gia đình tôi trước đây già cỗi. Được anh Năm hướng dẫn kỹ thuật, tôi đã mạnh dạn nghép 500 cây. Thấy cây đâm cành tốt đẹp, năm sau tôi sẽ tiếp tục ghép thêm 1.000 cây nữa”.

Người dân trong thôn còn học tập từ ông Năm những kiến thức về chăn nuôi gia súc, gia cầm. Nhờ có kiến thức nên mọi người chú ý hơn đến phòng trừ bệnh tật trên đàn gà, vịt, lợn, trâu, bò. Ông thường đến từng hộ chăn nuôi nhắc nhở vệ sinh chuồng trại bằng vôi bột, khử trùng bằng hóa chất và tiêm phòng virut H5N1, H7N9, H10N8, lở mồm long móng, tai xanh. Tổng đàn gia súc, gia cầm của thôn hiện nay đã phát triển hơn 2.500 con và nhiều năm qua hầu như không mắc phải các loại dịch bệnh nào. Kết quả này, có sự đóng góp từ những buổi trao đổi kinh nghiệm, kiến thức của ông Năm.

Chia sẻ về công việc của mình, ông Năm cho biết: “Hơn 10 năm nay, tôi tham gia 20 lớp tập huấn về kỹ thuận chăn nuôi, trồng trọt do Trung tâm Khuyến nông huyện tổ chức. Đồng thời, tôi cũng theo dõi thông tin trên báo, đài truyền hình, tìm hiểu qua mạng internet về kiến thức chăn nuôi, trồng trọt trên các chuyên mục nhà nông. Tôi ghi chép cẩn thận các kiến thức đó để truyền lại cho bà con. Tuy như là "người vác tù và hàng tổng" nhưng tôi thấy đó ý thức, trách nhiệm khi được bà con tín nhiệm, giao phó”.

Ông Lê Đức Cường, Chủ tịch UBND xã Nâm N'đir cho biết: “Ông Năm là một khuyến nông viên của thôn rất nhiệt tình, sẵn sàng giúp bà con tiếp cận khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất. Chính nhờ sự nhiệt tình của ông Năm, bà con ở thôn Nam Ninh làm nông nghiệp tốt hơn. Đây là thôn luôn đứng nhất nhì trong 8 thôn, bon của xã”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khuyến nông viên tích cực ở thôn Nam Ninh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO