Kiên quyết điều chuyển vốn đối với những dự án giải ngân vốn thấp

Nguyễn Lương thực hiện| 11/10/2019 10:19

Tính đến hết tháng 9/2019, Đắk Nông là một trong 19 địa phương trong cả nước có tiến độ giải ngân vốn đầu tư và phát triển đạt dưới 50%. Xung quanh những giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn trong những tháng cuối năm, phóng viên (P.V) Báo Đắk Nông đã có cuộc trao đổi với ông Lưu Văn Trung, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư.

ADQuảng cáo

Ông Lưu Văn Trung, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư

P.V: Ông cho biết cụ thể tiến độ giải ngân nguồn vốn đầu tư phát triển trong năm 2019 trên địa bàn tỉnh đến thời điểm này?

Ông Lưu Văn Trung: Trong năm 2019, tổng kế hoạch vốn đầu tư phát triển do tỉnh quản lý là hơn 2.311 tỷ đồng. Tính đến hết tháng 9/2019, địa phương đã giải ngân được hơn 1.067 tỷ đồng, đạt 46,2%, cao hơn 10,2% so với năm 2018.

Như vậy, so với tình hình thực tế, tiến độ giải ngân vốn chưa đạt kế hoạch và yêu cầu mà chúng tôi đề ra. Trong đó, nguồn cân đối ngân sách địa phương giải ngân được 432 tỷ đồng, đạt 55,7%; nguồn vốn các chương trình mục tiêu giải ngân 279 tỷ đồng, đạt 50% kế hoạch và thấp hơn 12% so với cùng kỳ 2018; nguồn vốn Chương trình mục tiêu Quốc gia giải ngân 68 tỷ đồng, đạt 22,9%; nguồn vốn ODA giải ngân được 181 tỷ đồng, đạt 35,3%; nguồn vốn trái phiếu Chính phủ giải ngân 108 tỷ đồng, đạt 59,9%. Ngoài ra, đến nay tình hình thực hiện và giải ngân các dự án chuyển tiếp còn thấp, chưa đạt yêu cầu.

P.V: Nguyên nhân của tình trạng giải ngân vốn chậm là gì, thưa ông?

Ông Lưu Văn Trung: Chúng tôi khẳng định rằng, ngay từ đầu năm 2019, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh đã quan tâm chỉ đạo, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn. Địa phương luôn xem đây là công tác trọng tâm của tỉnh và thường xuyên đưa ra thảo luận, chỉ đạo tại các cuộc họp thường kỳ của tỉnh. Tuy nhiên, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn trên địa bàn tỉnh còn thấp, chưa bảo đảm kế hoạch và yêu cầu đề ra.

Theo tôi, có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Trước hết, do đặc thù thời tiết trên địa bàn tỉnh Đắk Nông mưa nhiều, trong đó, thời kỳ mưa cao điểm tập trung vào các tháng 6, 7, 8, 9, gây ảnh hưởng tiến độ các dự án, nhất là đối với các dự án giao thông, thủy lợi. Trong khi đó, kế hoạch vốn thường được giao trong tháng 1. Trong thời gian này, các chủ đầu tư đang tập trung giải ngân kế hoạch vốn năm trước và hoàn thiện thủ tục đầu tư các dự án mở mới. Do đó, đến hết tháng 3, các đơn vị mới tập trung đi vào triển khai thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn năm 2019.

Cùng với đó, các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh hầu hết có quy mô nhỏ, nhưng trình tự thủ tục cũng phải thực hiện đầy đủ như các công trình lớn, dẫn đến mất nhiều thời gian hoàn thiện thủ tục đầu tư. Hằng năm, Trung ương thường chậm giao vốn, chia ra nhiều đợt nên đã ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân của địa phương. Một nguyên nhân nữa mà theo chúng tôi rất quan trọng đó là hiện nay, do năng lực tư vấn, chủ đầu tư còn nhiều yếu kém, dẫn đến tình trạng khi đưa vào triển khai một số dự án bị vướng mắc kỹ thuật, phải điều chỉnh dự án. Một số chủ đầu tư còn chủ quan, chưa quyết liệt đôn đốc nhà thầu.

P.V: Như đã đề cập ở trên, chủ đầu tư một số công trình, dự án chưa làm hết trách nhiệm là nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ giải ngân vốn. Ông nghĩ như thế nào về vấn đề này?

ADQuảng cáo

Ông Lưu Văn Trung: Đúng là như thế. Một thực tế hiện nay mà chúng tôi nhận thấy là năng lực của một số nhà thầu chưa bảo đảm, tiến độ thi công chậm, từ đó, làm giảm tiến độ giải ngân. Trên thực tế, khi triển khai các dự án thường xuyên xảy ra tình trạng điều chỉnh hạng mục, tổng mức đầu tư hoặc điều chỉnh thiết kế bản vẽ thi công và dự toán. Trong khi những vấn đề này lại cần thêm thời gian để đánh giá, thẩm định của nhiều cơ quan chức năng khác nhau. Với nhiều quy định, thủ tục khác nhau nên kéo dài thời gian, ảnh hưởng đến việc thi công công trình, dự án, từ đó kéo theo khối lượng giải ngân vốn đầu tư. Chưa kể, sự linh hoạt trong công tác phối hợp giải quyết quy trình làm việc giữa chủ đầu tư và các đơn vị liên quan chưa thực sự chặt chẽ.

P.V: Để đẩy nhanh vốn đầu tư, trong thời gian cuối năm, tỉnh sẽ có những giải pháp nào, thưa ông?

Ông Lưu Văn Trung: Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn, nhiều giải pháp đang được chúng tôi đồng loạt triển khai. Một trong số đó là kiên quyết điều chuyển vốn đối với những dự án có tỷ lệ giải ngân chưa đạt.

Về phía Sở Kế hoạch và Đầu tư tiến hành rà soát, tham mưu cho UBND tỉnh điều chỉnh kế hoạch vốn năm 2019 đối với các dự án triển khai thực hiện chậm tiến độ, chậm giải ngân. Đối với các công trình khởi công mới sẽ tạo điều kiện thuận lợi trong công tác lựa chọn nhà thầu, đấu thầu để các dự án sớm được đi vào triển khai. Chúng tôi chủ động phối hợp với các sở, ngành kịp thời tháo gỡ vướng mắc cho các dự án.

Riêng Sở Tài chính chúng tôi đề nghị phối hợp với các đơn vị liên quan đôn đốc, đẩy mạnh nguồn thu cho các dự án đầu tư từ nguồn sử dụng đất và xổ số kiến thiết. Đối với Kho bạc Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các chủ đầu tư trong việc thanh toán, giải ngân. Đặc biệt, về phía chủ đầu tư cần tăng cường giám sát, kiểm tra, đôn đốc các nhà thầu tăng ca, đẩy nhanh tiến độ thi công. Về những trường hợp vi phạm hợp đồng sẽ kiên quyết xử lý. Trường hợp gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện dự án phải báo cáo ngay cho UBND tỉnh để kịp thời tháo gỡ.

P.V: Được biết, hiện Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho UBND tỉnh điều chuyển nguồn vốn đối với các dự án có tỷ lệ giải ngân chưa đạt. Ông cho biết cụ thể hơn về vấn đề này?

Ông Lưu Văn Trung: Hiện nay, chúng tôi đã tham mưu cho UBND tỉnh điều chuyển nguồn vốn đối với các dự án có tỷ lệ giải ngân chưa đạt, tránh kết dư ngân sách, gây lãng phí nguồn vốn. Cụ thể, các dự án vốn chuyển tiếp đến 30/9/2019 chưa giải ngân đạt 90%; dự án khởi công mới (được giao vốn từ đầu năm 2019), nhưng đến 31/10/2019 chưa giải ngân đạt 80%. Trên cơ sở này, toàn tỉnh sẽ có 55 công trình, dự án được điều chuyển vốn, với số vốn gần 150 tỷ đồng. Trong đó, có 3 công trình thuộc nguồn vốn ngân sách Trung ương, với số vốn 59,4 tỷ đồng; 52 công trình, dự án thuộc ngân sách địa phương với số vốn hơn 89,6 tỷ đồng.

Ngoài ra, hiện nay, kế hoạch vốn đầu tư công từ nguồn ngân sách Trung ương năm 2019 cho tỉnh Đắk Nông thuộc Chương trình mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội các vùng là hơn 13,7 tỷ đồng chưa được giao kế hoạch chi tiết. Với nguồn này, chúng tôi đã đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao để bố trí thanh toán cho 3 dự án. Trong đó, thanh toán nợ cho 1 dự án là Đường Biên phòng 751 gắn với đường tuần tra biên giới; đẩy nhanh tiến độ cho 2 dự án có khối lượng thực hiện tốt  là Dự án đường vào xã Đắk Ngo (Tuy Đức) và đường Đạo Nghĩa- Quảng Khê (giai đoạn 1). Với sự vào cuộc quyết liệt trong những tháng cuối năm, chúng tôi sẽ phấn đấu cơ bản giải ngân hết số vốn được giao trong kế hoạch 2019.

P.V: Trân trọng cảm ơn ông!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiên quyết điều chuyển vốn đối với những dự án giải ngân vốn thấp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO