Kinh tế những tháng cuối năm đối diện nhiều thách thức

Công Tính| 13/11/2020 09:14

Phát biểu chỉ đạo tại Phiên họp thành viên UBND tỉnh đầu tháng 11/2020, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Bốn chỉ ra, thu ngân sách và giải ngân vốn đầu tư đạt thấp; chỉ số sản xuất công nghiệp giảm; phá rừng chưa được kiềm chế… Đây là những thức thách cần được nỗ lực giải quyết trong hai tháng cuối năm.

ADQuảng cáo

Hụt hơi thu ngân sách

Nhận định về tình hình thu ngân sách 10 tháng qua, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Bốn nhấn mạnh: “Theo số liệu của Sở Tài chính, khả năng trong năm nay hụt thu khoảng 300 tỷ đồng. Nếu không có giải pháp bù đắp hụt thu bằng những khoản thu khác như thu sử dụng đất thì sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến các địa phương có chương trình, dự án sử dụng vốn ngân sách”.

Dự án mở rộng đường Chu Văn An (thành phố Gia Nghĩa) có chiều dài vài trăm mét nhưng thi công rất chậm

Báo cáo tại phiên họp, ông Trần Văn Long, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh cho biết: “Ngành Thuế tỉnh đang tập trung khai thác nguồn thu từ các dự án điện mặt trời, tăng cường công tác thu nợ. Cán bộ Thuế cũng tập trung triển khai thanh tra, kiểm tra, chống thất thu trên các lĩnh vực khai thác tài nguyên khoáng sản… Toàn ngành đã cố gắng rất nhiều, nhưng đến nay vẫn không thể bù đắp được nguồn hụt thu quá lớn”.

Trước tình trạng hụt thu lớn, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Bốn băn khoăn, nếu trừ hết các khoản miễn giảm, liệu trong hai tháng cuối năm (tháng 11 và tháng 12/2020-PV), ngành Thuế xác định thu được bao nhiêu. “Trong tháng 10, chúng tôi đã quyết tâm thu được 204 tỷ rồi. Trong tháng 11 và 12, chúng tôi quyết tâm thu thêm mỗi tháng khoảng 200 tỷ”, ông Long giải trình.

“Những tháng cuối năm phải thu được nhiều hơn. Ngành Thuế và các địa phương phải quyết tâm thu tổng hai tháng cuối năm đạt được từ 450-500 tỷ đồng. Bởi vì, nếu để hụt thu lớn quá thì không ổn!”, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Bốn yêu cầu. Tuy nhiên, giải trình về số thu mà Chủ tịch UBND tỉnh giao, ông Trần Văn Long, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh khẳng định là không thể đạt được.

Theo chỉ tiêu của tỉnh, trong năm 2020 thu ngân sách Đắk Nông phấn đấu đạt 2.700 tỷ đồng. 9 tháng đầu năm, toàn tỉnh thu được 1.750 tỷ đồng, đạt 65% dự toán địa phương, giảm 8% (khoảng 150 tỷ đồng) so với cùng kỳ năm 2019. Theo lãnh đạo ngành Thuế tỉnh, trong tháng 10, ngành Thuế đã nỗ lực thu hơn 200 tỷ đồng.

Như vậy, để đạt kế hoạch đề ra thì cần có quyết tâm rất cao của ngành Thuế, cũng như các ngành, địa phương có liên quan.

ADQuảng cáo

“Ì ạch” giải ngân vốn  đầu tư

Ngay từ quý I/2020, UBND tỉnh đã có những chỉ đạo đối với các ngành, địa phương nỗ lực cao để đưa gần 2.100 tỷ đồng vốn đầu tư công được giao năm 2020 vào nền kinh tế, nhằm thúc đẩy sản xuất. Thế nhưng, theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến đầu tháng 11/2020, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công toàn tỉnh mới đạt 52,7% và chỉ tăng 3,5% so với cùng kỳ năm 2019.

Mưa lớn thời gian qua đã khiến nhiều diện tích cây trồng ở xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp) bị ngập nước

Liên quan đến vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Bốn nhấn mạnh, mặc dù tỉnh đã có nhiều chỉ đạo, nhưng tiến độ giải ngân vốn đầu tư vẫn chậm. So với trung bình cả nước thì chậm rất nhiều. “Bây giờ là tháng 11 rồi, vì vậy, các ngành, địa phương phải rà soát tất cả những dự án đầu tư không hoàn thành, giải ngân chậm để điều chuyển sang công trình, dự án khác. Nếu không làm được vấn đề này sẽ không đạt được cam kết với Thủ tướng Chính phủ (giải ngân 100% vốn đầu tư trong năm 2020-PV)”, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Bốn nêu rõ.

Trước thực trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm, ông Nguyễn Dưỡng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Sở đã tham mưu UBND tỉnh điều chuyển vốn từ một số dự án như Dự án bờ kè hồ Gia Nghĩa, Dự án Chuyển đổi Nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (VnSAT) tỉnh Đắk Nông… sang các dự án khác.

Mặc dù tỉnh đã có rất nhiều chỉ đạo thúc đẩy giải ngân đầu tư công, nhưng với tiến độ đạt thấp như hiện nay, khả năng đến cuối năm sẽ rất khó đạt 100% kế hoạch. Bởi vì, thời gian đến cuối năm không còn nhiều, nhưng khối lượng vốn chưa giải ngân vẫn hơn 47%.

Ngoài thách thức trong thu ngân sách, giải ngân vốn đầu tư công, trong tháng 10, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) toàn tỉnh giảm 0,06% so với tháng 9/2020. Tính trong 10 tháng, chỉ số này cũng chỉ tăng 4,14% so với cùng kỳ năm 2019. Trong sản xuất nông nghiệp, hàng nghìn ha cây trồng bị ảnh hưởng bởi hạn hán, lũ lụt và gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng…

Những khó khăn, thách thức ở các lĩnh vực kinh tế của tỉnh đã được nhìn nhận, đánh giá khá cụ thể. Vấn đề là nhiệm vụ thực thi giải pháp ở từng ngành, địa phương để giảm thiểu những tác động bất lợi.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế những tháng cuối năm đối diện nhiều thách thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO