Kinh tế trong văn hóa

Vũ Hà| 21/12/2017 09:29

Tư duy về văn hóa trong bối cảnh kinh tế thị trường những năm gần đây đã có sự đổi mới: Từ xem văn hóa phi lợi nhuận đến nhìn nhận văn hóa như những hoạt động có thể sinh lợi, góp phần phát triển kinh tế; từ không thừa nhận tính thương mại đến công nhận thị trường văn hóa tồn tại cùng với thị trường hàng hóa thuần tuý. Theo đó, chính sách kinh tế trong văn hóa được nhà nước từng bước bổ sung, hoàn thiện và có tác động thúc đẩy đời sống văn hóa phát triển.

ADQuảng cáo

Các lễ hội truyền thống của người M'nông luôn thu hút khá đông du khách đến xem và thưởng thức. Ảnh: H'Mai

Kinh tế phát triển tạo cơ sở vật chất, nguồn vốn, kỹ thuật làm tiền đề cho sự phát triển văn hóa. Muốn được như vậy phải huy động các nguồn lực đầu tư cho phát triển các thiết chế văn hóa; trong đó, đầu tư của Nhà nước cho văn hóa phải tương ứng với mức tăng trưởng kinh tế. Để nhân tố văn hóa trở thành ngành kinh tế trong nền kinh tế thị trường phải gắn sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm văn hóa với cơ chế thị trường, hình thành thị trường văn hóa và nền công nghiệp văn hóa. Khai thác hữu hiệu nguồn lực văn hóa sẽ đóng góp rất quan trọng về mặt kinh tế và qua đó tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Thực tế hiện nay, dịch vụ văn hóa và sản phẩm văn hóa nằm trong sự vận hành của cơ chế thị trường, bên cạnh tính chất sự nghiệp còn mang tính “kinh doanh”. Chủ trương, chính sách kinh tế trong văn hóa đã được thể chế hóa trong các luật Doanh nghiệp, Dân sự, Báo chí, Xuất bản, Quảng cáo, Di sản văn hóa, Điện ảnh… Theo đó, các văn bản dưới luật quy định cụ thể đối với các loại hình hoạt động như: sân khấu; biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; triển lãm văn hóa, nghệ thuật; tổ chức lễ hội, du lịch; lưu hành, kinh doanh phim và ca nhạc…

Sản phẩm văn hóa được coi là hàng hóa đặc biệt. Khi tham gia lưu thông, sản phẩm hàng hóa cũng tạo ra một thị trường đặc biệt. Hàng hóa lưu thông trên thị trường bị chi phối mạnh mẽ bởi quy luật cung cầu, trong đó có sản phẩm văn hóa và thị trường văn hóa. Sự phong phú của thị trường văn hóa với nhiều loại khác nhau như thị trường điện ảnh, báo chí, xuất bản, băng đĩa, băng hình; thị trường nghệ thuật biểu diễn, thổ cẩm, điêu khắc, mỹ thuật,...Và đó chính là một loại hàng hóa đặc biệt xét về khía cạnh kinh tế, hay kinh tế trong văn hóa.

ADQuảng cáo

Trước đây, Nhà nước độc quyền xuất nhập khẩu văn hóa phẩm nhưng hiện nay, thành phần kinh tế tư nhân đã được phép xuất khẩu sản phẩm văn hóa và được  lưu hành trong nước. Chính sách này tạo ra môi trường kinh doanh thông thoáng, giúp doanh nghiệp chủ động hơn trong sản xuất và làm dịch vụ, kinh doanh. Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách trong lĩnh vực văn hóa, như: trao quyền tự chủ cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh dịch vụ văn hóa; tách doanh nghiệp ra khỏi cơ quan chủ quản, cổ phần hóa doanh nghiệp văn hóa; thực hiện mô hình liên doanh, liên kết...

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình xây dựng và thực hiện chính sách kinh tế trong văn hóa thời gian qua cũng bộc lộ một số hạn chế, bất cập: Công tác xây dựng chính sách kinh tế trong văn hóa còn chậm, chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ trong quá trình hình thành một thị trường văn hóa thực sự. Một số vấn đề liên quan đến kinh tế trong văn hóa không được cơ quan quản lý văn hóa hướng dẫn kịp thời, làm giảm nguồn lực cho hoạt động văn hóa.

Cạnh đó, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư vào các dịch vụ văn hóa, công nghiệp văn hóa, thiết chế văn hóa có hoạt động kinh tế chưa đồng bộ, chế độ ưu đãi chưa rõ ràng, chưa đủ sức thu hút doanh nghiệp quan tâm đầu tư. Việc chưa làm rõ cơ chế phối hợp văn hóa, du lịch và kinh tế trong phát triển văn hóa nhằm giữ gìn và phát huy di sản văn hóa dân tộc, dẫn tới nhiều vụ việc xâm phạm di sản văn hóa. Tâm lý bao cấp, trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước cũng đang cản trở quá trình đổi mới hoạt động và thực hiện chính sách kinh tế trong văn hóa.

Ở tỉnh ta thị trường văn hóa phẩm còn rất yếu ớt; sản phẩm văn hóa còn rất ít ỏi, đơn điệu, chưa đủ sức cạnh tranh trên thị trường văn hóa phẩm. Ngay trung tâm của tỉnh là thị xã Gia Nghĩa, thị trường văn hóa phẩm rất còn rất mờ nhạt. Nghề dệt thổ tỉnh ta được xem là thế mạnh tiềm năng thì hầu như sản phẩm này vẫn còn vắng bóng trên thị trường… Hiện nay, ngành văn hóa vẫn còn hiện hữu tính bao cấp, các hoạt động và sản phẩm văn hóa chủ yếu vẫn được làm theo kế hoạch và kinh phí của nhà nước; việc xã hội hóa các hoạt động văn hóa rất yếu ớt, thiếu hiệu quả.

Qua đó, chúng ta thấy rằng, phải năng động hơn nữa và bằng nhiều giải pháp để kích thích phát triển sản phẩm văn hóa và hình thành thị trường văn hóa phẩm. Đồng thời, phải đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hóa thì mới hình thành thị trường văn hóa phẩm, qua đó để giảm gánh nặng cho ngân sách của nhà nước đang “bao cấp” cho lĩnh vực này.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế trong văn hóa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO