Kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế

Nguyễn Văn Thanh| 06/12/2017 09:51

Trong mọi thời kỳ, Đảng luôn nhất quán quan điểm phát triển kinh tế tư nhân trong chính sách phát triển nền kinh tế nhiều thành phần. Quan điểm đó được thể hiện trong các văn kiện Đảng thời kỳ đổi mới.

ADQuảng cáo

Hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân đã tạo việc làm cho trên 85% lao động đang làm việc của nền kinh tế. Tỷ trọng đóng góp GDP của kinh tế tư nhân thời gian qua luôn lớn nhất so với các thành phần kinh tế khác và duy trì ổn định ở mức 39-40%, đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, số lượng doanh nghiệp của tư nhân tăng nhanh với nhiều loại hình đa dạng; phong trào khởi nghiệp được đẩy mạnh.

Quan điểm về phát triển kinh tế tư nhân (KTTN) ở nước ta đã được Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu trong tác phẩm “Thưởng thức chính trị” (9/1953). Người đã đề cập đến sự tồn tại của các loại hình kinh tế khác nhau, trong đó có KTTN, “những nhà tư bản dân tộc và kinh tế cá nhân của nông dân và thủ công nghiệp, đó cũng là lực lượng cần thiết cho cuộc xây dựng kinh tế nước nhà”.

Từ năm 1954 đến trước năm 1986, KTTN vẫn tồn tại nhưng không có một quá trình xuyên suốt. Bắt đầu từ Đại hội VI (1986) của Đảng, nền kinh tế nhiều thành phần được thừa nhận chính thức trong văn kiện Đảng. Theo đó, trong đường lối kinh tế, Đảng đã đề ra chính sách kinh tế nhiều thành phần, “coi nền kinh tế có cơ cấu nhiều thành phần là một đặc trưng của thời kỳ quá độ”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thành viên Chính phủ, các lãnh đạo bộ, ban, ngành tại phiên thảo luận với gần 1.000 doanh nghiệp, chuyên gia về một chuyên đề chung “Hành động của khu vực tư nhân từ Nghị quyết Trung ương 5” ngày 31/7. Ảnh tư liệu

Trong Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị khóa VI (15/7/1988) và Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa VI, Đảng ta đã khẳng định: KTTN được phát triển không hạn chế địa bàn, quy mô, ngành nghề mà pháp luật không cấm. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khóa IX (tháng 3/2002) tiếp tục xác định: KTTN là bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân, phát triển KTTN là vấn đề chiến lược lâu dài trong phát triển kinh tế nhiều thành phần định hướng XHCN, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trọng tâm là phát triển kinh tế, công nghiệp hóa, hiện đại hóa, nâng cao nội lực của đất nước trong hội nhập kinh tế quốc tế.

ADQuảng cáo

Tại Đại hội X (4/2006) của Đảng, KTTN chính thức được xác nhận là một thành phần kinh tế trên cơ sở hợp nhất hai thành phần kinh tế: Cá thể, tiểu chủ và tư bản tư nhân và được xác định rõ: “KTTN có vai trò quan trọng, là một trong những động lực của nền kinh tế”.  Trong Nghị quyết Đại hội XI năm 2011 của Đảng đã chỉ rõ: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách để phát triển mạnh KTTN trở thành một trong những động lực của nền kinh tế”.

Vị thế của KTTN không chỉ được khẳng định trong các văn bản của Đảng mà còn được tiếp tục khẳng định trong Hiến pháp năm 2013: “…Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để doanh nhân, doanh nghiệp và cá nhân, tổ chức khác đầu tư, sản xuất, kinh doanh; phát triển bền vững các ngành kinh tế, góp phần xây dựng đất nước. Tài sản hợp pháp của cá nhân, tổ chức đầu tư, sản xuất, kinh doanh được pháp luật bảo hộ và không bị quốc hữu hóa”.

Ngày 3/6/2017, Ban Chấp hành Trung ương Ðảng ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TW về phát triển KTTN trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN đã đề ra 5 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu phát triển KTTN. Nghị quyết số 10-NQ/TW đặt ra mục tiêu: “Chú trọng nâng cao chất lượng, hiệu quả kinh doanh trong khu vực kinh tế tư nhân. Phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp; đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu doanh nghiệp và đến năm 2030, có ít nhất 2 triệu doanh nghiệp.” “Phấn đấu tăng tỉ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP để đến năm 2020 đạt khoảng 50%, năm 2025 khoảng 55%, đến năm 2030 khoảng 60 - 65%”…

Quan niệm coi KTTN là “một trong những động lực của nền kinh tế” trong hai kỳ Đại hội X và XI phản ánh bước tiến mới trong tư duy của Đảng và Nhà nước về vị trí, vai trò của KTTN trong nền kinh tế nước ta. Đặc biệt, qua tổng kết 30 năm đổi mới và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng ta luôn quan tâm phát triển và coi trọng các thành phần kinh tế, trong đó có kinh tế tư nhân, bộ phận cấu thành quan trọng của nền kinh tế quốc dân. Văn kiện Đại hội XII (2016) của Đảng nhấn mạnh: “Hoàn thiện cơ chế, chính sách khuyến khích, tạo thuận lợi phát triển mạnh KTTN ở hầu hết các ngành và lĩnh vực kinh tế, trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế. Hoàn thiện chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khởi nghiệp. Khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân đa sở hữu và tư nhân góp vốn vào các tập đoàn kinh tế nhà nước”. Cụ thể hóa quan điểm của Đại hội XII của Đảng, Hội nghị Trung ương IV khóa XII (2016) tiếp tục xác định rõ việc phát triển mạnh khu vực KTTN trở thành một động lực quan trọng trong phát triển kinh tế.

Nghị quyết số 11-NQ/TW về “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN”, lần đầu tiên Đảng ta đưa ra khái niệm mới, cụ thể, đầy đủ về nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa mà nước ta xây dựng là:...“Nền kinh tế vận hành đầy đủ, đồng bộ theo các quy luật của kinh tế thị trường, đồng thời bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa phù hợp với từng giai đoạn phát triển của đất nước; là nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế; có sự quản lý của Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhằm mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Có thể nói rằng, nội dung trọng tâm của các nghị quyết về KTTN là những định hướng lớn, mang tính đột phá về thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, góp phần cổ vũ động viên toàn Đảng, toàn dân và toàn quân phát huy sức mạnh toàn dân tộc, phấn đấu sớm đưa nước ta thành nước công nghiệp hiện đại.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế tư nhân trở thành động lực quan trọng của nền kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO