Kinh tế, xã hội khu vực Tây Nguyên có nhiều chuyển biến tích cực

Bình Minh| 18/07/2017 08:44

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Tây Nguyên trong 6 tháng đầu năm 2017, tình hình phát triển kinh tế khu vực Tây Nguyên có sự tăng trưởng khá. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội đạt nhiều kết quả, đời sống của nhân dân tiếp tục được nâng cao.

ADQuảng cáo

Gia đình bà Bùi Thị Miền ở bon Bu N’Jang, xã Trường Xuân (Đắk Song) tận dụng đất trồng cây bơ chưa khép tán để trồng xen gừng, nghệ… tăng thu nhập. Ảnh: A Trư

Tăng trưởng kinh tế đạt mức cao

Dù phải đối mặt với nhiều khó khăn như nguồn lực đầu tư hạn chế, giá cả một số mặt hàng nông sản giảm sâu, nhưng nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của các cấp, các ngành, địa phương nên kinh tế trong vùng tiếp tục có những chuyển biến tích cực. Trong 6 tháng đầu năm 2017, giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn đạt trên 61.928 tỷ đồng, tăng 7,83% so với kế hoạch, cao hơn mức tăng trưởng cùng kỳ 5,84%.

Cơ cấu kinh tế vùng Tây Nguyên chuyển dịch theo hướng tích cực, tăng tỷ trọng khu công nghiệp, xây dựng, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng khu vực nông, lâm, thủy sản. Sản xuất nông nghiệp ổn định, phát triển theo hướng công nghệ cao, gắn sản xuất với chế biến và tiêu thụ.

Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng gần 32% so với cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt gần 89 nghìn tỷ đồng, tăng 11,44% so với cùng kỳ. Tổng vốn đầu tư phát triển xã hội ước đạt trên 34 nghìn tỷ đồng, tăng 6,95% so với cùng kỳ.

6 tháng đầu năm nay, tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội của Tây Nguyên đạt 34.089 tỷ đồng, tăng 6,95% so với cùng kỳ, trong đó, nguồn vốn đầu Trung ương phát triển thuộc nguồn vốn nhà nước do địa phương quản lý tăng 13,4%.

Đời sống nhân dân được quan tâm

ADQuảng cáo

Cùng với phát triển kinh tế, công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng được nâng cao. Mạng lưới y tế tiếp tục được đầu tư, công tác khám chữa bệnh đã đạt bộ tiêu chí quốc gia về y tế đạt 61%. Kết quả giảm nghèo toàn vùng Tây Nguyên đạt nhiều kết quả, góp phần đưa tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 15%. Tỷ lệ hộ nghèo vùng dân tộc thiểu số đã giảm từ 47,8% (năm 2006) xuống còn 19,9%.

Đối với các huyện nghèo 30a của vùng Tây Nguyên, tình hình kinh tế, xã hội và giảm nghèo đã có chuyển biến tích cực, đời sống người dân được cải thiện đáng kể, hầu hết các chính sách hỗ trợ giảm nghèo được triển khai thực hiện và chuyển biến đáng kể. Tỷ lệ hộ nghèo (áp dụng theo chuẩn mới) còn 46,64%.

Hiện nay, Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên đang được các địa phương tích cực triển khai để hỗ trợ giảm nghèo cho 130 xã, 26 huyện nghèo và khó khăn nhất tại 4 tỉnh: Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai, Kon Tum và các huyện giáp Tây Nguyên thuộc các tỉnh Quảng Nam và Quảng Ngãi giai đoạn 2014-2019 với tổng mức vốn đầu tư là 150 triệu USD.

Dự án kỳ vọng sẽ đem đến cơ hội thoát nghèo cho các nhóm đối tượng yếu thế, đặc biệt là các nhóm thuộc dân tộc thiểu số tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Mục tiêu dự án nhằm khuyến khích các đối tượng này tham gia vào các hoạt động phát triển kinh tế, xã hội tại địa phương để có cuộc sống tốt đẹp hơn.

Hoạt động hỗ trợ sản xuất, hỗ trợ học nghề, tìm việc làm và xuất khẩu lao động… để tiếp tục nâng cao đời sống, góp phần giảm nghèo bền vững cho nhân dân trong vùng được quan tâm thực hiện. Cơ bản giải quyết được tình trạng thiếu đói trong vùng.

Giáo dục, y tế, văn hóa tiếp tục được đầu tư, phát triển. Việc thực hiện phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Trên toàn vùng, phong trào này đã đi vào chiều sâu, với nhiều nội dung thiết thực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định an ninh, chính trị trên địa bàn. Đến nay, toàn vùng đã có 75,46% hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa. Khu vực Tây Nguyên hiện có huyện Đơn Dương (Lâm Đồng) đã đạt chuẩn huyện nông thôn mới.

Những kết quả tích cực đạt được trong phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội 6 tháng đầu năm sẽ tạo động lực quan trọng cho các tỉnh trong khu vực nỗ lực đạt được mục tiêu đã đề ra theo kế hoạch trong năm 2017.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế, xã hội khu vực Tây Nguyên có nhiều chuyển biến tích cực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO