Krông Nô chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng để chống hạn

Lê Phước| 13/12/2016 11:03

Những năm gần đây, trước tình hình khí hậu diễn biến phức tạp, huyện Krông Nô (tỉnh Đắk Nông) vận động người dân thực hiện chuyển đổi nhiều diện tích cây trồng trên những thân đất không bảo đảm về nước tưới sang trồng các loại cây phù hợp, phát huy hiệu quả kinh tế.

ADQuảng cáo

Những ngày gần đây, không khí chuẩn bị cho vụ đông xuân trên cánh đồng Đắk Rền, xã Nâm N’đir diễn ra sôi nổi. Mỗi ngày, hàng trăm người dân tập trung triển khai làm đất, cải tạo đất, gieo trồng, chăm sóc cây trồng... Công tác nạo vét, xây dựng kênh mương, cải tạo đường giao thông nội đồng cũng diễn ra khá khẩn trương để phục vụ kịp thời cho vụ gieo trồng mới. Tại nhiều diện tích cây ngắn ngày mới gieo trồng, người dân đang tích cực triển khai các biện pháp chăm sóc như bón phân, tưới nước…

Nông dân xuống giống cây khoai lang tại cánh đồng Đắk Rền, xã Nâm N’đir (Krông Nô).

Năm nay, hộ anh Đặng Văn Quảng, ở thôn Quảng Hà, xã Nâm N’đir tiến hành trồng cây khoai lang trên diện tích 0,3 ha đất của gia đình. Trong vụ đông xuân 2014 - 2015, gia đình anh trồng lúa trên diện tích này nhưng bị hạn hán gây khô hạn thiệt hại toàn bộ. Rút kinh nghiệm từ vụ trước, vụ đông xuân 2015 - 2016, anh đã chuyển đổi toàn bộ diện tích trên sang trồng khoai lang. Anh Quảng chia sẻ: Cây khoai lang có nhu cầu nước tưới ít hơn và dễ chăm sóc nên không bị ảnh hưởng bởi hạn hán, cho năng suất đạt gần 4 tấn. Với giá bán trung bình khoảng 10.000 đồng/kg, gia đình tôi thu được gần 40 triệu đồng từ việc trồng khoai. Năm nay, gia đình tôi và nhiều hộ dân khác vẫn lựa chọn cây khoai lang làm cây trồng chủ lực với mong muốn khoai sẽ được mùa, được giá.

ADQuảng cáo

Ông Nguyễn Văn Trang, Phó Chủ tịch UBND xã Nâm N’đir cho biết, trong năm 2016, toàn xã đã chuyển đổi 200 ha từ trồng lúa nước, ngô sang trồng khoai lang. Trong vụ đông xuân này, xã phát triển diện tích trồng khoai lang lên 220 ha. Ngoài ra, nhiều diện tích có nguy cơ thiếu nước vào cuối vụ, xã cũng vận động bà con chuyển đổi cây trồng một cách linh hoạt, phát triển các loại rau, đậu đỗ, bí đỏ…

Trong năm 2016, ngoài xã Nâm N’đir, nhiều xã khác trên địa bàn huyện Krông Nô như Buôn Choáh, Nam Xuân, Đắk Drô, Đắk Sôr… cũng tích cực thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Trong 3 vụ đông xuân, hè thu và thu đông, toàn huyện đã thực hiện chuyển đổi trên diện tích 558 ha. Phần lớn những diện tích này ở các khu vực khó khăn về nước tưới, có nguy cơ thiếu nước tưới vào cuối mùa khô.

Theo ông Doãn Gia Lộc, Trưởng phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Krông Nô thì việc chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng tại địa phương đã giảm thiểu được những ảnh hưởng của tình hình biến đổi khí hậu, nhất là tình trạng khô hạn diễn ra trong vụ đông xuân 2015-2016. Trong vụ này, toàn huyện có hơn 6.000 ha cây trồng bị ảnh hưởng bởi khô hạn, trong đó chủ yếu là cây công nghiệp dài ngày. Một số diện tích cây ngắn ngày bị thiệt hại nên giảm năng suất nhưng không đáng kể, không ảnh hưởng nhiều về tổng sản lượng lương thực năm 2016 của toàn huyện.

Trong vụ đông xuân năm nay, Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Krông Nô đã sớm yêu cầu các địa phương vận động nhân dân chuyển đổi các vườn điều già cỗi, cho năng suất thấp hoặc các diện tích cây công nghiệp dài ngày ở vùng khô hạn sang trồng các loại cây ăn quả, cây hoa màu. “Ngoài mô hình khuyến nông trồng thuần, huyện khuyến khích bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng sâu, vùng xa tiến hành trồng xen canh cây hoa màu, đặc biệt là các loại cây có giá trị kinh tế cao như khoai lang, bí đỏ... Đối với những diện tích có hướng trồng đậu đỗ và rau các loại, huyện cũng tăng cường hướng dẫn, chuyển giao, cung ứng cho người dân những loại giống có khả năng chịu hạn, cho năng suất cao. Thực tế cho thấy, việc chuyển đổi cây trồng không chỉ tiết kiệm nước tưới trong điều kiện xảy ra hạn hán mà còn giúp cho địa phương đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, đáp ứng như cầu thực phẩm cho nhân dân trên địa bàn, nâng cao thu nhập cho người dân” - ông Lộc cho hay.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Krông Nô chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng để chống hạn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO