Krông Nô hướng đến sản xuất lúa, ngô theo chuỗi giá trị

Văn Tâm| 12/01/2017 13:58

Trong những năm qua, huyện Krông Nô (Đắk Nông) đã tập trung đầu tư, phát triển sản xuất, nâng cao sản lượng, chất lượng hàng hóa, tổ chức liên kết từ đầu vào đến bao tiêu sản phẩm đầu ra… tạo lợi thế cho sản phẩm nông sản của địa phương đủ sức cạnh tranh với nông sản cùng loại trên thị trường.

ADQuảng cáo

Sản xuất ngô giống F1, giúp nông dân đa dạng hóa sản phẩm và nâng cao thu nhập

Theo ông Doãn Gia Lộc, Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Krông Nô thì tổng diện tích gieo trồng cây lương thực (lúa, ngô) toàn huyện khoảng trên 17.600. Nhìn chung, diện tích, năng suất, sản lượng, chất lượng cây lương thực của huyện có nhiều chuyển biến tích cực, mang lại hiệu quả cao cho người nông dân.

Chẳng hạn năm 2010, diện tích lúa của huyện là 4.110 ha thì đến năm 2015 tăng lên 4.628 ha, năng suất trung bình đạt trên 6,7 tấn/ha, tăng hơn 2,5 tấn; sản lượng đạt trên 30.000 tấn, tăng trên 5.000 tấn so với 5 năm trước. Cơ cấu giống lúa cũng khá đa dạng, ngày càng đáp ứng tốt nhu cầu sản xuất và yêu cầu của thị trường tiêu thụ.

Hầu hết cơ cấu giống theo hướng có thời hạn sinh trưởng ngắn hơn 120 ngày nhằm hạn chế được ngập lụt, thiếu nước cuối vụ. Giống lúa xác nhận, lúa lai năng suất cao, ổn định và phù hợp với điều kiện sinh thái tiếp tục giữ vai trò chủ đạo như: VRT, BTE – 1, VS1, Bi0404, Nhị ưu 838, VT404, OM 4900…

Nhưng, vấn đề đặt ra đó là công đoạn sau thu hoạch, tiêu thụ sản phẩm lúa gạo đến nay vẫn chưa ổn định. Sản phẩm chủ yếu được các thương lái, doanh nghiệp thu mua của người dân sau đó về chế biến hoặc bán trực tiếp ra thị trường.

Về tình hình sản xuất ngô, năm 2015, tổng diện tích hàng năm là 13.144 ha, năng suất bình quân 7,3 tấn/ha, cao hơn năng suất trung bình của tỉnh gần 1 tấn/ha, với sản lượng hằng năm trên 95.000 tấn. Các địa phương có diện tích ngô lớn là các xã như: Quảng Phú, Đức Xuyên, Nâm N’đir, Buôn Choáh…

ADQuảng cáo

Cây ngô trên địa bàn Krông Nô phát triển trên các chân đất bãi bồi ven sông Krông Nô. Đây là vùng đất thích hợp để phát triển cây ngô trong 2 vụ đông xuân và hè thu. Với diện tích có chuyên canh khoảng từ 1.700 – 1.800 ha, năng suất thực tế đạt từ 8 - 8,5 tấn trên ha. Có ruộng ngô được chăm sóc tốt năng suất có thể đạt đến 13 tấn/ha.

Tuy nhiên, sản xuất ngô trên địa bàn vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ. Số hộ có quy mô diện tích dưới 0,5 ha/hộ chiếm trên 80% số hộ trồng ngô. Hơn nữa, hiện nay, nông dân trong huyện vẫn còn giữ thói quen sản xuất cây lương thực thiên về chỉ tiêu số lượng là sử dụng giống năng suất cao, tăng số vụ mỗi năm… mà chưa chú trọng nhiều đến tiêu chí chất lượng. Mặt khác, trên địa bàn huyện, cơ sở hạ tầng còn thiếu đồng bộ như: kênh mương thủy lợi, giao thông… nên còn gặp nhiều khó khăn trong sản xuất, chi phí lớn, đẩy giá thành tăng cao.

Trước thực tế đó, để giải “bài toán” về phát triển sản xuất lúa, ngô bền vững tại địa phương, thời gian qua, huyện Krông Nô đã triển khai nhiều cơ chế, chính sách để thúc đẩy ngành nông nghiệp phát triển. Trong đó, địa phương luôn chú trọng đến công tác quy hoạch nhằm xây dựng những vùng sản xuất lúa, ngô tập trung, chất lượng cao; tạo điều kiện thuận lợi trong đầu tư thâm canh, ứng dụng khoa học về giống, phân bón, tưới nước, quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), cơ giới hóa; đồng thời, khuyến khích các hộ nông dân, doanh nghiệp xây dựng mối liên kết tiêu thụ tạo nên chuỗi sản xuất để gia tăng giá trị trên một đơn vị diện tích.

Đến nay, bước đầu, huyện đã xây dựng thành công cánh đồng sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGap tại xã Buôn Choáh với diện tích trên 40,05 ha. Mô hình đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho các hộ tham gia. Vì vậy, khi mô hình kết thúc thì người dân vẫn tiếp tục duy trì và đã được công nhận lại.

Bởi, sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGap mang lại hiệu quả cao hơn từ 4 – 6 triệu đồng so với giống cùng loại ngoài mô hình. Trong vụ đông xuân này, huyện sẽ tiếp tục nhân rộng diện tích sản xuất lúa VietGap thêm 22,4 ha nữa, nâng tổng diện tích sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGap được công nhận lên 62,45 ha.

Đối với cây ngô, ngoài sản xuất ngô thương phẩm, từ năm 2012 đến nay, ngành Nông nghiệp huyện đã phối hợp với Công ty Cổ phần Hạt giống CP Việt Nam triển khai mô hình trồng ngô lai F1, với diện tích 150 ha, được cơ cấu trồng 2 vụ tại các xã Đức Xuyên, Đắk Nang và Buôn Choáh. Các giống ngô lai F1 đều phát triển tốt, không sâu bệnh, cho năng suất trên 9 tấn/ha, lợi nhuận từ 40.000 – 70.000 đồng/ha/vụ.

Qua tiếp cận, nghiên cứu tình hình sản xuất nông nghiệp tại huyện Krông Nô, Tiến sĩ Nguyễn Thắng, nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý nông nghiệp và Phát triển nông thôn II, nhận định: “Xét về khả năng áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, giống, năng suất, điều kiện tự nhiên… thì Krông Nô có nhiều triển vọng để mở rộng diện tích phát triển sản xuất cây lương thực bền vững theo chuỗi giá trị. Đây là cơ hội để sản phẩm lúa, ngô của địa phương nâng cao sức cạnh trong trong bối cảnh hội nhập”.
ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Krông Nô hướng đến sản xuất lúa, ngô theo chuỗi giá trị
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO