Krông Nô khuyến khích người dân tăng diện tích lúa ST24 vụ đông xuân

Văn Tâm| 24/12/2019 08:51

Để thay dần giống lúa RVT bị thoái hóa, giảm năng suất, thời gian qua huyện Krông Nô đã khuyến khích người dân chuyển sang giống lúa mới ST24. Giống lúa này đã được trồng khảo nghiệm tại Krông Nô và được đánh giá có hiệu quả kinh tế cao, cho sản phẩm gạo rất ngon.

ADQuảng cáo

Vụ đông xuân năm nay, huyện Krông Nô triển khai kế hoạch gieo trồng 1.895 ha lúa, ước sản lượng khoảng 13.700 tấn. Những năm qua, trên địa bàn huyện, giống lúa RVT chiếm trên 70% diện tích, nhưng giống lúa này đã có dấu hiệu thoái hóa, nhiễm sâu bệnh, năng suất có xu hướng giảm. Do vậy, sau khi xây dựng mô hình khảo nghiện thành công giống lúa ST24, vụ đông xuân năm nay, huyện đã khuyến khích người dân chuyển sang sử dụng lúa mới này để nâng cao hiệu quả sản xuất.

Ông Nông Văn Vương ở thôn Ninh Giang, xã Buôn Choáh gieo cấy trên 2 ha lúa ST24

Theo ông Nguyễn Văn Quang, Phó Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện thì việc các giống cây trồng đưa vào sản xuất một thời gian sẽ bị thoái hóa, mức độ kháng bệnh thấp, năng suất giảm là chuyện bình thường chứ không riêng gì giống lúa RVT. Tuy nhiên, điều quan trọng là ngành Nông nghiệp và người dân phát hiện sớm dấu hiệu thoái hóa giống để có cách khắc phục, thay thế bằng bộ giống mới có hiệu quả hơn. Hiện giống lúa RVT đang được nông dân trên địa bàn huyện triển khai sản xuất theo hướng VietGAP để xây dựng thương hiệu "Lúa gạo Krông Nô" và đã được cấp nhãn hàng hóa. Do đó, nếu giống lúa RVT sản xuất kém hiệu quả, mức độ nhiễm bệnh cao sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sản xuất cũng như mục tiêu nâng cao giá trị hạt gạo của địa phương. Chính vì thế, việc chọn giống lúa ST24 là một giải pháp tốt của ngành Nông nghiệp huyện. Bởi khi đưa vào khảo nghiệm và nhân rộng trong vụ đông xuân 2018, giống lúa này có sức sinh trưởng mạnh, đẻ nhánh tốt, cứng cây, bông dài, chịu thâm canh và cho năng suất cao hơn lúa RVT hiện nay.

Lúa ST24 có thời gian sinh trưởng ở vụ đông xuân là 110 - 120 ngày, tương đương với giống RVT, phù hợp với điều kiện sản xuất vụ đông xuân ở huyện Krông Nô. Mặc khác, ST24 không nhiễm bệnh đốm sọc vi khuẩn, bệnh đạo ôn và đạo ôn cổ bông, thích ứng tốt với điều kiện thời tiết biến đổi, năng suất ổn định.

ADQuảng cáo

Ông Nông Văn Vương, ở thôn Ninh Giang, xã Buôn Choáh cho biết: “Mặc dù giá lúa giống ST24 cao hơn RVT khoảng 7.000 đồng/kg, nhưng lượng phân bón cho lúa ST24 giảm được 50 kg/ha. Khi thu hoạch năng suất lúa ST24 đạt được lại cao hơn RVT khá nhiều, nên người dân vẫn có lãi cao hơn”.

Theo tính toán của bà con thì với năng suất lúa ST24 đạt 8,4 tấn/ha/vụ, thâm canh tốt năng suất có thể đạt từ 9 – 9,5 tấn/ha/vụ. So với năng suất giống lúa RVT (hiện đạt dưới 7 tấn/ha/vụ) thì việc trồng ST24 sẽ đem lại lợi nhuận cao hơn khoảng 3 triệu đồng/ha/vụ. Còn công lao động, giá bán lúa thương phẩm thì 2 giống lúa này là tương đương nhau.

Để giúp người dân thực hiện việc chuyển đổi giống lúa hiệu quả, ngay từ đầu vụ, huyện Krông Nô đã phê duyệt Dự án Liên kết sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Buôn Choáh. Theo đó, vụ đông xuân 2019 – 2020, ngoài 150 ha lúa đã được công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP, huyện tiếp tục mở rộng thêm 50 ha, nâng tổng số lên 200 ha lúa chất lượng cao trong vụ này.

Đến nay, huyện Krông Nô đã cấp hỗ trợ cho người dân được 5.920 kg giống lúa ST24, với tổng kinh phí 148 triệu đồng. Bên cạnh cấp giống lúa, huyện còn hỗ trợ cho bà con một phần chi phí vật tư, các điều kiện sản xuất khác. Ngành Nông nghiệp huyện đang tập trung hướng dẫn người dân áp dụng rộng rãi quy trình sản xuất lúa theo kỹ thuật tiên tiến để tăng hiệu quả, giảm giá thành sản xuất.

Huyện cũng áp dụng quản lý dịch hại tổng hợp (IPM), kiểm soát chặt chẽ tình hình phát sinh dịch hại trên lúa, cũng như thực hiện triệt để quy trình kỹ thuật phòng, chống chuột gây hại cây trồng… nhằm hướng đến nền sản xuất bền vững, gia tăng chất lượng sản phẩm.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Krông Nô khuyến khích người dân tăng diện tích lúa ST24 vụ đông xuân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO