Krông Nô linh hoạt chuyển đổi cây trồng

Kim Ngân| 14/11/2022 08:54

Huyện Kông Nô đang triển khai Chương trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) và phát triển bền vững đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Đây được xem là giải pháp hiệu quả để ứng phó với BĐKH, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp của địa phương.

ADQuảng cáo

Huyện Krông Nô được xác định là vùng trọng điểm sản xuất lương thực của tỉnh. Tổng diện tích đất sản xuất nông nghiệp của huyện hơn 53.458 ha (chiếm 65,7% diện tích tự nhiên), trong đó diện tích gieo trồng cây lương thực hàng năm trên 62.000 ha.

Thời gian qua, nhiều chương trình, mô hình sản xuất trên địa bàn đạt được những kết quả đáng khích lệ. Trong đó, có một số mô hình đạt hiệu quả kinh tế cao như: sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP; sản xuất rau an toàn; liên kết trồng, tiêu thụ cây đinh lăng; thâm canh lúa chất lượng cao ST24, ST25...

Nông dân Krông Nô linh hoạt chuyển đổi cây trồng để nâng cao hiệu quả sản xuất

Các mô hình điểm đã góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng hiệu quả, nâng cao giá trị canh tác trên đơn vị diện tích. Năm 2021, giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác tại Krông Nô đạt 86,5 triệu đồng.

Gia đình ông Nguyễn Văn Hoàng, buôn K62, xã Đắk D’rô (Krông Nô) có 13 ha đất trồng cà phê, hồ tiêu, sầu riêng và các loại cây ăn quả như quýt, bưởi…

Để nâng cao hiệu quả sử dụng đất, giúp vườn cây sinh trưởng, phát triển tốt, hạn chế rủi ro do tác động của thời tiết, ông Hoàng đã bố trí các loại cây trồng phù hợp trên diện tích canh tác.

Trong quá trình chăm sóc vườn cây, gia đình ông hạn chế các loại phân bón hóa học để tránh thoái hóa đất, chú trọng sử dụng các biện pháp sinh học. Đây là cách ông Hoàng áp dụng nhằm tránh gây ảnh hưởng đến môi trường sinh thái và chất lượng sản phẩm sau thu hoạch.

Huyện Krông Nô thực hiện mục tiêu chuyển đổi cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu

ADQuảng cáo

Niên vụ 2021 – 2022, gia đình ông Hoàng đã thu hoạch trên 35 tấn hồ tiêu, hơn 20 tấn cà phê, trên 10 tấn sầu riêng. Sau khi trừ các khoản chi phí, gia đình ông thu về trên 3 tỷ đồng.

Lãnh đạo UBND xã Đắk D’rô cho biết, những năm gần đây, nhiều người dân trên địa bàn xã đã chú trọng chuyển đổi cây trồng theo hướng dài hạn. Những diện tích có nguy cơ thiếu nước tưới được người dân bố trí trồng cây dài ngày, có nhu cầu nước ít.

Diện tích đất ruộng xa nguồn nước, người dân chuyển sang trồng ngô, khoai lang để tránh hạn. Nhờ linh hoạt trong chuyển đổi cây trồng, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn ngày càng hiệu quả hơn.

Năm 2022, huyện Krông Nô xây dựng kế hoạch chuyển đổi 610 ha đất sản xuất cây trồng các loại. Trong đó, chuyển đổi đất trồng lúa sang các loại cây trồng khác là 110 ha; chuyển đổi 200 ha đất trồng ngô sang trồng khoai lang, bí đỏ; 100 ha trồng cây ngắn ngày sang cây dài ngày…

Những năm qua, nhờ chuyển đổi cây trồng hiệu quả, thu nhập từ các loại cây nông nghiệp trên địa bàn huyện Krông Nô đã tăng từ 10-20% so với trước đây. Riêng vụ đông xuân năm nay, thu nhập bình quân từ lúa đạt 54 triệu đồng/ha; bắp thương phẩm 61 triệu đồng/ha; khoai lang 127 triệu đồng/ha; bí đỏ 120 triệu đồng/ha...

Theo ông Doãn Gia Lộc, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Nô, bên cạnh những kết quả đạt được, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên địa bàn huyện vẫn còn gặp nhiều khó khăn.

Nguyên nhân do người dân vẫn còn tâm lý chạy theo phong trào, ngại tham gia các hình thức tổ chức sản xuất. Điều này gây khó khăn trong việc triển khai liên kết sản xuất.

Do đó, trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục tổ chức cơ cấu lại lĩnh vực trồng trọt, gắn với xây dựng các vùng nông nghiệp công nghệ cao, thích ứng với BĐKH.

Huyện duy trì sản xuất, chế biến theo các quy chuẩn tiêu chuẩn chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong nước cũng như xuất khẩu.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Krông Nô linh hoạt chuyển đổi cây trồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO