Krông Nô và bài toán về nâng cao giá trị nông sản

Kim Ngân| 28/04/2022 08:59

Nhiều năm qua, các sản phẩm nông nghiệp của huyện Krông Nô chủ yếu được bán thô, giá trị thu về thấp. Do đó, huyện đang triển khai các phương án thu hút, kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản.

ADQuảng cáo

Huyện Krông Nô là vùng trọng điểm lương thực của tỉnh, với diện tích gần 30.000 ha. Trong đó, diện tích lúa gần 5.000 ha, ngô trên 13.000 ha, khoai lang từ 700 - 800 ha...

Đến nay, trên địa bàn huyện chưa có các nhà máy sản xuất, chế biến nông sản. Sản xuất nông nghiệp của huyện chưa có sự liên kết với khâu tiêu thụ. Do đó, hiệu quả kinh tế chưa cao.

Đơn cử, vụ đông xuân này, một số xã như: Buôn Choáh, Nâm N’đir, Đắk D’rô… sản xuất khoảng 1.000 ha lúa chất lượng cao, sản lượng bình quân đạt trên 8.000 tấn. Tuy nhiên, đa số nông dân đều bán lúa tươi, nên lợi nhuận mang về không nhiều.

Trên địa bàn chỉ có 2 HTX và một số cơ sở chế biến gạo, khả năng tiêu thụ nguyên liệu chỉ khoảng 2.000 tấn. Khoảng 6.000 tấn lúa còn lại, bà con nông dân hầu như bán thô.

Năm 2022, Krông Nô xây dựng kế hoạch gieo trồng khoảng 4.800 ha lúa/3 vụ, sản lượng ước đạt trên 33.000 tấn. Riêng 100% diện tích lúa tại xã Buôn Choáh (trên 1.200 ha, sản xuất 2 vụ/năm) đều đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Có khoảng 65% diện tích lúa trên địa bàn huyện đều là lúa thuần chủng chất lượng cao như: RVT, ST24, ST25... "Đến nay, huyện đã cơ bản tạo được vùng nguyên liệu lúa quy mô lớn, có thể đáp ứng nhu cầu sản xuất của các doanh nghiệp tầm cỡ", ông Doãn Gia Lộc, Quyền Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Nô cho biết.

Vụ đông xuân năm 2022, sản lượng lúa của huyện Krông Nô ước đạt 8.000 tấn, nhưng khoảng 6.000 tấn phải bán thô

Hiện nay, diện tích cây ăn quả toàn huyện đạt 1.447 ha, sản lượng 12.000 tấn/năm. Trong đó, bơ 364 ha, sản lượng 5.260 tấn/ha; sầu riêng 351 ha, sản lượng 2.200 tấn/năm; mít 98 ha, sản lượng 1.000 tấn/năm; cam, quýt, chanh, bưởi 95 ha, sản lượng 1.100 tấn/năm....

ADQuảng cáo

Diện tích rau các loại của huyện đạt khoảng 726 ha, sản lượng 8.712 tấn/năm. Năm 2021, trên địa bàn huyện có 2 sản phẩm OCOP đạt hạng 4 sao. Đó là sản phẩm cam sành hữu cơ; quýt ngọt hữu cơ của HTX Sản xuất nông, lâm nghiệp hữu cơ Quảng Phú.

Trước những ưu thế về sản xuất nông nghiệp, huyện Krông Nô đang tập trung kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản. Đến nay, huyện đã có những chính sách ưu tiên về thuế, đất đai, thủ tục hành chính... để kêu gọi đầu tư.

Ngoài ra, huyện cũng kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực chế biến thức ăn chăn nuôi. Vì đây cũng là một thế mạnh của huyện, nhất là về nguồn nguyên liệu.

Cụ thể, huyện có diện tích ngô 16.145 ha, với sản lượng 116.044 tấn/năm; khoai lang 612 ha, sản lượng 9.180 tấn/năm; mì 2.800 ha, sản lượng 56.000 tấn/năm...

Đây là nguồn nguyên liệu rất quan trọng để chế biến thức ăn gia súc, trong điều kiện ngành chăn nuôi của huyện đang phát triển mạnh mẽ. Hiện tại, huyện đã bố trí 1,3 ha đất tại Buôn Choáh để sẵn sàng đón nhà đầu tư vào xây dựng nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi.

Cũng theo ông Doãn Gia Lộc, tiềm năng về nông nghiệp của huyện là rất lớn, giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích đất cũng không ngừng gia tăng. Thế nhưng, việc đầu tư chế biến sản phẩm sau thu hoạch của huyện vẫn chưa nhiều.

Điều này khiến cho giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện còn ở mức khiêm tốn. Phần lớn bà con nông dân chưa thể làm giàu với sản xuất nông nghiệp, kể cả với những loại cây trồng chủ lực.

"Đây là "bài toán" khó mà ngành Nông nghiệp huyện phải tìm cách giải đáp trong giai đoạn tới", ông Lộc chia sẻ

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Krông Nô và bài toán về nâng cao giá trị nông sản
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO