Làm gì để phát huy nhãn hiệu “Lúa gạo Krông Nô”

Thanh Nga| 20/07/2022 08:28

Nhãn hiệu “Lúa gạo Krông Nô” được Cục Sở hữu trí tuệ cấp từ năm 2017. Hiện nay, còn những tồn tại trong quản lý, khai thác nhãn hiệu này đã ảnh hưởng đến chất lượng, uy tín của sản phẩm lúa gạo Krông Nô.

ADQuảng cáo

Vừa qua, tại Hội nghị chia sẻ kinh nghiệm chỉ đạo, quản lý và hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2022-2025 do UBND tỉnh tổ chức, ông Đinh Đăng Linh, Giám đốc HTX Sản xuất lúa gạo Buôn Choáh có những chia sẻ về phát triển lúa gạo Krông Nô hiện nay.

Theo ông Linh, những năm qua, lúa gạo Krông Nô ngày càng được nhiều người tiêu dùng trên cả nước biết đến, đánh giá cao về chất lượng. Tuy nhiên, nguồn lúa tươi nông dân vẫn chủ yếu bán cho thương lái.

Bà con bán lúa với giá cả bấp bênh, thậm chí thường xuyên bị thương lái ép giá. Điều này làm giảm giá trị sản phẩm, ảnh hưởng trực tiếp thương hiệu "Lúa gạo Krông Nô".

Krông Nô ngày càng chú trọng sản xuất các giống lúa chất lượng cao

Huyện Krông Nô có khoảng 4.600 ha lúa, mỗi năm gieo trồng 2 vụ, năng suất thường đạt từ 7-8 tấn/ha. So với năm 2015, diện tích trồng lúa của huyện tăng khoảng 500 ha, sản lượng tăng 9.300 tấn/vụ.

Mỗi vụ, sản lượng lúa toàn huyện ước đạt khoảng 36.000 tấn. Những năm qua, huyện đưa vào trồng các giống lúa chất lượng, năng suất cao như ST25, ST24, RVT, HT10…

Năm 2020, Krông Nô có 2 sản phẩm gạo được UBND tỉnh chứng nhận đạt OCOP. Trong đó, sản phẩm gạo của HTX Sản xuất lúa gạo Buôn Choáh đạt OCOP hạng 4 sao; sản phẩm gạo của HTX Nông nghiệp Buôn Choáh đạt hạng 3 sao.

Tuy đã có nhãn hiệu “Lúa gạo Krông Nô”, nhưng địa danh “Krông Nô” chưa được bảo hộ độc quyền, nên còn những hạn chế, ảnh hưởng đến việc khai thác thương hiệu một cách tốt nhất.

Krông Nô có vùng trồng lúa khoảng 4.600 ha lúa, sản lượng 36.000 tấn/vụ

ADQuảng cáo

Theo ông Doãn Gia Lộc, Quyền Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Krông Nô, hiệu quả từ nhãn hiệu “Lúa gạo Krông Nô” là rất lớn, nó đã góp phần nâng cao thu nhập của người trồng lúa.

Tuy nhiên, thời gian qua, sau khi thu hoạch, nhiều sản lượng lúa tươi của bà con đã được các thương lái, công ty ở các tỉnh khác đến thu mua, chế biến, cung cấp ra thị trường và không hề gắn tên vùng trồng Krông Nô.

"Điều này là lãng phí nguồn nguyên liệu lúa chất lượng cao. Nó cũng cho thấy, việc quản lý, khai thác nhãn hiệu “Lúa gạo Krông Nô” còn chưa hiệu quả, lãng phí các giá trị thương mại", ông Lộc cho biết.

Để khai thác hiệu quả thương hiệu “Lúa gạo Krông Nô”, theo ông Đinh Đăng Linh, cần 3 giải pháp đối với cơ quan quản lý Nhà nước. Trước hết là tập trung nguồn lực phát triển vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao.

Tỉnh cần hỗ trợ HTX, người dân đầu tư cơ sở vật chất, ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất, thu hoạch, chế biến lúa. Điều này sẽ giúp giảm chi phí, nâng cao chất lượng sản phẩm lúa gạo.

Các cơ quan, đơn vị chức năng tiến hành hỗ trợ pháp lý về bảo hộ thương hiệu “Lúa gạo Krông Nô”. Trong đó, cần chọn lựa giống lúa tốt, có giá trị kinh tế cao, năng suất ổn định để hỗ trợ xây dựng, phát triển thành thương hiệu lúa gạo của vùng, địa phương, hướng tới trở thành thương hiệu quốc gia.

Sản phẩm "Lúa gạo Krông Nô" do HTX Nông nghiệp Buôn Choáh sản xuất, cung cấp cho thị trường

Tỉnh cần chủ trì liên hệ với các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gạo lớn để quảng bá, giới thiệu “Lúa gạo Krông Nô”, từ đó liên kết tiêu thụ sản phẩm tốt hơn.

Người dân, HTX sản xuất lúa cần được hỗ trợ về thông tin nguồn cung ứng vật tư nông nghiệp có chất lượng, bảo đảm cho sản xuất lúa. Trong đó, cần ưu tiên các loại vật tư hữu cơ ít ảnh hưởng đến môi trường, an toàn sản phẩm.

"Khi được hỗ trợ các điều kiện như vậy, bà con nông dân sẽ không còn phải bán lúa cho các thương lái. Sản phẩm lúa gạo ở Krông Nô sẽ phát triển tốt hơn", ông Linh cho biết.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm gì để phát huy nhãn hiệu “Lúa gạo Krông Nô”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO