Làm tốt khâu giống và tổ chức sản xuất trong vụ đông xuân 2017-2018

Hồng Thoan thực hiện| 27/10/2017 09:46

Đó là khẳng định của ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT khi trao đổi với phóng viên Báo Đắk Nông (PV) về những chỉ đạo, yêu cầu nhằm bảo đảm vụ mùa thắng lợi cả về diện tích, sản lượng.

ADQuảng cáo

Ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp-PTNT

PV: Trước hết, ông có thể cho biết những mục tiêu cơ bản mà ngành Nông nghiệp tỉnh đưa ra cho vụ đông xuân  2017- 2018?

Ông Lê Quang Dần: Để chủ động trong công tác chỉ đạo, quản lý cũng như khai thác tốt tài nguyên phục vụ phát triển, ngày 9/10, Sở Nông nghiệp - PTNT đã ban hành văn bản hướng dẫn sản xuất cây trồng ngắn ngày vụ đông xuân 2017- 2018. Theo đó, toàn tỉnh dự kiến sản xuất khoảng 9.870 ha cây trồng các loại, trong đó các loại cây trồng chính gồm lúa: 4.790 ha, ngô: 2.495 ha, còn lại là khoai lang, đậu đỗ các loại và rau. Tổng sản lượng lương thực có hạt phấn đấu đạt 48.444 tấn, trong đó thóc: 30.631 tấn, ngô: 17. 813 tấn.

PV: Theo mục tiêu mà ngành đề ra, có thể thấy về cả diện tích và sản lượng vụ đông xuân này đều tăng so với vụ đông xuân trước, vậy đâu là cơ sở để ngành Nông nghiệp tỉnh đưa ra kế hoạch này thưa ông?

Ông Lê Quang Dần: Đúng vậy, vụ đông xuân 2016-2017, toàn tỉnh phấn đấu tổng diện tích sản xuất là 9.500 ha cây trồng các loại. Tổng sản lượng lương thực 45.573 tấn; trong đó, sản lượng lúa: 27.916 tấn và ngô: 17.657 tấn. Như vậy, về diện tích vụ đông xuân này tăng thêm 370 ha và sản lượng tăng thêm 2.871 tấn.

Để đưa ra kế hoạch này, ngành đã căn cứ vào các yếu tố về khí tượng, thủy văn, điều kiện bảo đảm của các hồ đập chứa nước. Nhận định sơ bộ ban đầu của Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh năm nay, mùa mưa kết thúc muộn hơn, lượng mưa cũng cao hơn so với trung bình nhiều năm nên các hồ đập tích nước được nhiều hơn, khả năng xảy ra hạn hán khốc liệt cũng thấp hơn so với mọi năm.

Cùng với đó, để bảo đảm năng suất, sản lượng, ngành cũng đã chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, UBND các huyện, thị xã làm tốt các khâu về giống, cũng như tổ chức sản xuất, coi đây là hai yếu tố quan trọng để bảo đảm vụ mùa thắng lợi.

PV: Vậy ông có thể cho biết rõ hơn về định hướng chỉ đạo trong khâu giống và tổ chức sản xuất?

ADQuảng cáo

Ông Lê Quang Dần: Để làm tốt điều này, Sở Nông nghiệp- PTNT đã có văn bản chỉ đạo, đôn đốc phòng, ban chức năng các địa phương chủ động vận động nhân dân đẩy mạnh đầu tư thâm canh, ứng dụng kiến thức khoa học kỹ thuật để tăng hiệu quả kinh tế. Trong đó, khuyến khích nông dân thực hiện đại trà các giống mới, ngắn ngày, có khả năng chống chịu hạn, kháng bệnh tốt, năng suất cao đã được khảo nghiệm thành công ở các vùng đất khác nhau.

Cụ thể, đối với lúa, người dân cần trồng các giống như: RVT, IR64, OMCS 2000, Nhị ưu 838, Syn 6, Bi0 404 7, VND 95-20, 0M 4900, HT1, BTE-1. Các giống ngô thì ưu tiên sử dụng các loại có thời gian sinh trưởng khoảng 100 ngày như NK 54, NK 66, C 919, DK 171, V 202; các giống ngô nếp HN 88, HN 106; khoai lang thì ưu tiên trồng các giống như khoai lang Nhật, KLC 266, HNV1, HL 284…

Đối với việc tổ chức sản xuất thì các địa phương căn cứ vào điều kiện thực tế nguồn nước, trình độ canh tác của nông dân để xây dựng kế hoạch cụ thể về giống, thời vụ, tổ chức triển khai đến tận thôn, bon, từng cánh đồng, thực hiện sản xuất đại trà.

Đặc biệt năm nay, việc gieo trồng đúng lịch thời vụ phải được các địa phương quan tâm nhiều hơn, tránh việc nơi làm trước nơi làm sau. Cán bộ nông nghiệp, khuyến nông cơ sở cần bám địa bàn để hướng dẫn bà con sản xuất, không để xảy ra tình trạng bà con xuống giống khi chưa đủ các điều kiện về nhiệt độ, độ ẩm, nguồn nước, gây mất giống hoặc cây sinh trưởng, phát triển kém như đã xảy ra trước đây.

Công tác kiểm tra, đôn đốc, theo dõi phải được các địa phương quyết liệt, sát sao gắn với việc hướng dẫn nhân dân ứng dụng máy móc hiện đại, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hợp lý. Các đơn vị chuyên môn của Sở cũng sẽ phối hợp kiểm tra, thanh tra nhằm bảo đảm chất lượng vật tư nông nghiệp tốt trước khi đến tay người dân.

PV: Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng sẽ được thực hiện ra sao trong vụ đông xuân này thưa ông?

Ông Lê Quang Dần: Nói là khả năng hạn hán sẽ ít khốc liệt hơn so với mọi năm, nhưng việc thiếu nước cũng vẫn xảy ra, nhất là đối với những vùng xa nguồn nước, công trình thủy lợi chưa đáp ứng đủ, xuống cấp. Ngành Nông nghiệp tỉnh đưa ra định hướng chung là bảo đảm an toàn, hiệu quả trên cùng một diện tích canh tác, các địa phương chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp, gắn với thực tế và nhu cầu thị trường.

Các huyện Chư Jút, Krông Nô, Đắk Mil cần nhanh chóng rà soát, đánh giá và khoanh vùng một số khu vực sản xuất lúa ở vùng có nguy cơ thiếu nước cao để xây dựng kế hoạch chuyển đổi sang cây trồng khác như ngô, đậu đỗ có nhu cầu ít nước hơn, đồng thời phải gửi kế hoạch chuyển đổi cây trồng về Sở để cùng phối hợp triển khai nhằm bảo đảm tính khả thi cao.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Làm tốt khâu giống và tổ chức sản xuất trong vụ đông xuân 2017-2018
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO