Lấy lại “sinh lực” cho vườn cà phê sau thu hoạch

Kim Ngân| 16/01/2017 10:35

Đến thời điểm này vụ thu hoạch cà phê năm 2016 - 2017 của nông dân trong tỉnh Đắk Nông đã kết thúc. Đây cũng là lúc thời tiết bước vào mùa khô kéo dài đến 4-5 tháng tới.

ADQuảng cáo

Cùng với những biểu hiện của thời tiết như: Lạnh, nhiệt độ xuống thấp, nắng nóng kéo dài thì đây cũng là giai đoạn cây cà phê ra hoa, đậu quả, quả non phát triển, là giai đoạn ảnh hưởng quan trọng đến năng suất, chất lượng của cà phê của vụ tới.

Sau thu hoạch, hộ anh Nguyễn Văn Kiên ở Khu tái định cư Đắk Nur, phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa) đã chủ động chuẩn bị phân bón, phương tiện tưới nước tập trung phục hồi lấy lại “sức khỏe” cho vườn cà phê. Anh Kiên cho biết: “Trong lúc đang thu hoạch cà phê nhưng tôi luôn suy nghĩ làm thế nào cho vườn cây sau thu hoạch sớm lấy lại sức và bắt kịp đà sinh trưởng một cách nhanh chóng nhất. Do đó, tôi tập trung thu hoạch nhanh gọn để tiến hành cắt cành, dọn vệ sinh vườn cây sớm nhất có thể”.

Theo anh Kiên, nếu trong giai đoạn này, vườn cây được chăm sóc hợp lý sẽ giúp cây cà phê ra hoa khỏe, hoa nở đồng loạt, quá trình hình thành quả non thuận lợi sẽ giúp cho năng suất, chất lượng của vườn đạt hiệu quả cao cho vụ sau. Vì thế, ngoài công đoạn cắt, tỉa những cành khô, cành chân vịt, cành sâu bệnh hay cành sát mặt đất, anh Kiên đã nhặt sạch quả rụng để hạn chế mọt đục quả lây lan cho vụ sau.

Còn gia đình chị Đặng Thị Lài ở thôn 3, xã Thuận Hà (Đắk Song) đang tập trung vào việc phòng trừ các loại sâu bệnh hại hay gặp sau thu hái đối với cà phê như rỉ sắt, đốm mắt cua, rệp sáp, rệp vẩy, bọ xít trong mùa khô. Theo kinh nghiệm của chị Lài thì trong giai đoạn mùa khô, các bệnh hại như rỉ sắt, rệp sáp là đối tượng gây hại lớn. Do đó, chị luôn chú ý vào việc vệ sinh vườn như dọn hết lá khô, rác, cỏ xung quanh gốc nhằm tiêu diệt các mầm bệnh, tổ kiến.

ADQuảng cáo

Chị Lài cho biết thêm: “Đối với việc phòng trừ bệnh rỉ sắt, đốm mắt cua, rệp sáp, rệp vẩy, bọ xít trong mùa khô, đặc biệt là rệp sáp, tôi theo dõi thường xuyên để phun ngay khi phát hiện có rệp, nếu để rệp sáp phát triển mạnh, xâm nhập vào chùm quả sẽ rất khó diệt trừ.  Trong trường hợp đất quá khô, trước khi bơm thuốc 1 ngày nên gia đình tôi đều tưới nước cho ẩm đất vùng rễ sẽ giúp thuốc ngấm nhanh và sâu hơn”.

Cùng với cắt tỉa cành, phòng trừ sâu hại thì nhiều gia đình trồng cà phê đã chuẩn bị các bước để tiến hành bón phân cho cà phê trong mùa khô.

Theo anh Nguyễn Văn Hùng ở thôn 8, xã Đắk Lao (Đắk Mil), sau khi kết thúc việc thu hoạch vào cuối tháng 12 thì tùy theo tình hình thời tiết, ẩm độ của đất cũng như tình hình phân hóa mầm hoa của vườn cây, khoảng thời gian trước và sau Tết Nguyên đán, anh tiến hành tưới nước và bón phân. Đợt này anh chủ yếu dùng phân NPK mùa khô và bổ sung thêm trung vi lượng để bón cho vườn cây, với lượng từ 200 - 300 kg/ha/lần, rải theo mép tán lá, rồi lấp đất kín để tránh việc bị rửa trôi hay bốc hơi.

Theo ông Nguyễn Tuấn Khải, Chi cục Trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp – PTNT) thì để bảo đảm năng suất cho vụ sau, nông dân cần chăm sóc vườn cây đúng cách. Vì việc chăm sóc cà phê đúng cách sau thu hoạch có ý nghĩa vô cùng quan trọng đến quá trình sinh trưởng, phát triển của cây trồng, nhất là trong điều kiện thời tiết của Đắk Nông, sau thu hoạch là đến các đợt gió lạnh, khô hạn trước và sau Tết Nguyên đán, gây ảnh hưởng lớn đến cà phê. Việc chăm sóc, phòng bệnh cho cây cà phê cần được nông dân tập trung triển khai nhằm lấy lại “sinh lực” cho vườn cây sau mùa thu hoạch quả.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lấy lại “sinh lực” cho vườn cà phê sau thu hoạch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO