Liên kết chăn nuôi thuận đầu ra, giá ổn định

Đức Hùng| 03/08/2021 09:03

Tham gia liên kết chăn nuôi, người dân được hỗ trợ bao tiêu sản phẩm với giá ổn định. Mô hình này còn giúp người dân yên tâm đầu tư, hướng tới phát triển bền vững.

ADQuảng cáo

Năm 2016, gia đình ông Nguyễn Khắc Tăng, thôn Đắk Hà, xã Đắk Sắk (Đắk Mil) liên kết chăn nuôi gà với Công ty Cổ phần Việt Nam. Ông Tăng bỏ vốn đầu tư hệ thống chuồng trại theo tiêu chuẩn công ty đưa ra.

Mô hình chăn nuôi heo theo dạng liên kết của một hộ dân ở Đắk Mil

Về phía công ty đã cung cấp con giống, thức ăn, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm đầu ra cho ông Tăng. Quá trình chăn nuôi, gia đình ông Tăng phải thực hiện quy trình do công ty đặt ra, bảo đảm số lượng, chất lượng trước khi vật nuôi được xuất chuồng.

Theo ông Tăng, trước khi chăn nuôi gà, ông chỉ làm rẫy, nên gần như không dám thực hiện đầu tư chăn nuôi quy mô lớn. Khi được Công ty Cổ phần Việt Nam hỗ trợ, ông mới mạnh dạn bỏ vốn đầu tư chăn nuôi.

Công ty đã hỗ trợ kỹ thuật chăm sóc và thực hiện các biện pháp phòng dịch hiệu quả cho vật nuôi. Công ty hỗ trợ kỹ thuật kiểm tra chuồng trại thường xuyên và chia sẻ rủi ro với người chăn nuôi khi có dịch bệnh xảy ra. Ngoài ra, thức ăn cho vật nuôi và đầu ra đều được công ty hỗ trợ, bao tiêu toàn bộ.

Theo tính toán của ông Tăng, với mức tiền công mà công ty trả là 8.000 - 10.000 đồng/1kg gà, sau khi trừ chi phí, mỗi lứa gà xuất chuồng từ 16.000 - 20.000 con, ông có lãi hơn 100 triệu đồng.

ADQuảng cáo

Mỗi năm, ông Tăng nuôi 4 lứa gà, có tổng thu nhập khoảng hơn 400 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn có nguồn phân gà để bán, chăm sóc cây trồng, góp phần giảm chi phí sản xuất đáng kể.

Tương tự, từ năm 2015, ông Lê Trung Thành, xã Đắk Sắk, liên kết chăn nuôi heo gia công với Công ty Cổ phần Việt Nam. Để tham gia liên kết, ông Thành đầu tư 2,5 tỷ đồng xây dựng 2 trại nuôi heo, với quy mô gần 2.500 con.

Ông Thành cho biết, công ty cung cấp giống chất lượng, thức ăn và bao tiêu sản phẩm, nên có nhiều thuận lợi cho việc chăn nuôi. Hiện nay, gia đình ông nuôi gia công 2 lứa heo/năm, được công ty trả công từ 4.000 - 5.000 đồng/kg heo hơi.

Mỗi năm, trừ chi phí, gia đình có thu nhập khoảng 1 tỷ đồng. Ngoài ra, lượng phân heo được ông sử dụng chăm sóc cây trồng, bán cho người dân sản xuất nông nghiệp.

Ông Thành cho biết, để được công ty chấp nhận ký hợp đồng liên kết, người chăn nuôi phải thực hiện các điều kiện như: xây dựng chuồng trại xa khu vực dân cư, đầu tư trang bị đúng tiêu chuẩn và bảo đảm yếu tố về môi trường, cách ly mầm bệnh... Mô hình liên kết này đòi hỏi người chăn nuôi phải có đất và mặt bằng thích hợp, có vốn đầu tư ban đầu khá lớn, chính vì thế không phải ai cũng có điều kiện thực hiện.

Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đắk Mil, trên địa bàn hiện có 25 trang trại chăn nuôi có sự liên kết với các công ty chăn nuôi. Trong đó, 8 trang trại chăn nuôi heo thịt, 13 trang trại chăn nuôi gà, 4 trang trại chăn nuôi vịt.

Thông qua các chuỗi liên kết đã giúp các hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm giảm được rủi ro do dịch bệnh, biến động giá cả. Người chăn nuôi có điều kiện xây dựng và phát triển bền vững các chuỗi giá trị sản phẩm, nâng cao thu nhập.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Liên kết chăn nuôi thuận đầu ra, giá ổn định
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO