Liên kết sản xuất để phát triển nông nghiệp bền vững

Phan Tuấn - Đức Hùng| 05/06/2019 10:51

Liên kết sản xuất trong nông nghiệp đang góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng giá trị sản phẩm, bảo đảm đầu ra ổn định cho nông sản, tạo hướng đi bền vững trong phát triển nông nghiệp.

ADQuảng cáo

Nông dân sản xuất theo quy trình liên kết giúp nâng cao giá trị sản phẩm sau thu hoạch

Nâng cao hiệu quả sản xuất

Từ năm 2018 đến nay được xem là thời kỳ “u ám” nhất của cây hồ tiêu Đắk Nông khi hàng ngàn hécta bị dịch bệnh, chết hàng loạt, cùng với giá cả xuống dốc không phanh. Thế nhưng, các hộ dân tham gia Hợp tác xã (HTX) hồ tiêu hữu cơ Đắk R’moan (xã Đắk R’moan, Gia Nghĩa) không bị cuốn vào vòng xoáy này. Tất cả các hộ dân không có hồ tiêu bị chết, trong khi giá bán lại cao hơn thị trường.

Trước đây, với 3 ha hồ tiêu, ông Phan Văn Thuận, trú tại thôn Tân Hòa, xã Đắk R’moan) thường xuyên sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học, nhưng nhiều trụ tiêu bị nhiễm bệnh chết nhanh. Trong lúc đang mông lung, ông Thuận đã biết đến mô hình sản xuất tiêu hữu cơ của HTX mới được thành lập trên địa bàn. Thế rồi, tham gia HTX, ông Thuận  được hướng dẫn sản xuất theo quy trình hữu cơ, sử dụng phân chuồng hoai mục, kết hợp phân lân, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, thảo mộc. Nhờ vậy, vườn hồ tiêu chẳng những không bị chết mà còn có giá bán cao hơn giá tiêu xô các thương lái đang thu mua ngoài thị trường.

Ông Thuận chia sẻ: "Sản xuất hồ tiêu theo hướng hữu cơ có nhiều ưu điểm như cây rất ít bệnh, an toàn với người sản xuất, năng suất được giữ mức ổn định, trung bình đạt từ 3-4 tấn/ha, chăm sóc tốt đạt từ 5 tấn/1 ha. Hiện tại, HTX đang ký hợp đồng với Công ty Cổ phần Bách Sinh bao tiêu sản phẩm, cao hơn giá thị trường 3.000 đồng/kg hồ tiêu nếu sản phẩm sạch, còn nếu đạt tiêu chuẩn hữu cơ thì giá sẽ tăng cao gấp nhiều lần".

Tương tự, đầu năm 2017, ông Phạm Đình Bộ ở thôn 3, xã Đắk Sin (Đắk R’lấp) tham gia vào HTX Nông nghiệp, Thương mại, Dịch vụ Quyết Tâm có trụ sở tại địa bàn. Ông được cán bộ HTX trực tiếp xuống vườn dùng máy đo độ pH và độ dinh dưỡng trong đất. Từ kết quả đo được, ông được HTX tư vấn, hướng dẫn cách đầu tư phân bón và kỹ thuật canh tác hiệu quả vườn cà phê của gia đình. Bên cạnh đó, ông được tham dự các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, được HTX  cung cấp các vật tư nông nghiệp thấp hơn ngoài thị trường nên tiết kiệm đáng kể chi phí sản xuất. Vì vậy, vườn cà phê của gia đình ông phát triển tốt, ổn định, chất lượng cao, năng suất đã tăng lên từ 3,7- 4 tấn/ha, lợi nhuận mỗi hécta tăng từ 20-40 triệu đồng. HTX đã trực tiếp đứng ra liên kết, bao tiêu sản phẩm cho các thành viên với giá cao hơn thị trường từ 3.500 đồng- 6.000 đồng/kg.

ADQuảng cáo

Liên kết đầu ra, đầu vào sẽ giúp người sản xuất giảm chi phí, tăng hiệu quả trong sản xuất

Doanh nghiệp và nông dân phải có sự kết nối chặt chẽ

Sản xuất nông nghiệp vẫn là lĩnh vực “trụ cột” trong phát triển kinh tế của tỉnh Đắk Nông. Để nâng cao giá trị sản phẩm, thời gian qua, nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã tham gia các mô hình liên kết phát triển sản xuất giúp giảm chi phí sản xuất, tăng khả năng tiếp cận khoa học, kỹ thuật, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa. Việc liên kết sản xuất giữa nông dân với nhau và giữa nông dân với doanh nghiệp đã từng bước đáp ứng ngày càng cao nhu cầu thị trường, cung cấp sản phẩm đủ về số lượng, đồng đều về chất lượng, từ đó tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Những nông dân sau khi tham gia các HTX, sản xuất theo chuỗi liên kết đã thay đổi tư duy, nhận thức, sản xuất theo quy trình canh tác an toàn, tạo ra sản phẩm nông nghiệp an toàn.

Việc nông dân chuyển đổi mô hình sản xuất từ truyền thống sang an toàn là điều rất đáng khích lệ và cực kỳ quan trọng trong việc xây dựng và phát triển thị trường, thương hiệu thực phẩm an toàn. Hơn nữa, việc “bắt tay” với nông dân là giải pháp phát triển phù hợp với đặc thù và xu hướng phát triển của các doanh nghiệp nông nghiệp.

Tuy nhiên, để sự hợp tác này có hiệu quả và bền vững, cả doanh nghiệp và nông dân cần phải có sự kết nối chặt chẽ với nhau, nêu cao trách nhiệm trên tinh thần tương hỗ. Về phía chính quyền địa phương cũng cần phải có sự tác động, can thiệp nhất định để nông dân nâng cao tính chuyên nghiệp, tác phong công nghiệp, tạo nên nền tảng cơ bản, bền vững trong mối quan hệ với doanh nghiệp hợp tác đôi bên cùng có lợi.

Theo ông Trần Văn Đức, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đắk Nông, các HTX liên kết các nông hộ sản xuất nhỏ lẻ để hình thành vùng nguyên liệu tập trung, sản xuất cùng một quy trình theo chuỗi liên kết, đứng ra hỗ trợ, thực hiện cung ứng vật tư đầu vào và tổ chức thu mua nông sản cho thành viên. Để bảo đảm tính bền vững trong liên kết sản xuất, vai trò của HTX nông nghiệp hết sức quan trọng. HTX phải đại diện các hộ dân, đứng ra tổ chức sản xuất, làm đầu mối ký kết các hợp đồng liên kết với doanh nghiệp, vừa bảo đảm vùng nguyên liệu rộng lớn, ổn định, vừa tăng tính bền vững của hợp đồng liên kết.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Liên kết sản xuất để phát triển nông nghiệp bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO