Liên kết sản xuất theo chuẩn VIETGAP: Tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm lúa gạo Buôn Choáh

Văn Tâm| 25/03/2019 14:13

Để giúp vùng sản xuất lúa gạo của xã Buôn Choáh (Krông Nô) nâng cao chuỗi giá trị, huyện Krông Nô thực hiện Đề án liên kết sản xuất lúa gạo theo tiêu chuẩn VietGAP nhằm tạo sức cạnh tranh cho hạt gạo thương phẩm trong xu thế hội nhập.

ADQuảng cáo

Từ năm 2015, mô hình “Cánh đồng mẫu lớn” sản xuất lúa chất lượng cao tại xã Buôn Choáh được cấp giấy chứng nhận VietGAP cũng là dấu mốc quan trọng để vựa lúa huyện Krông Nô nói riêng, tỉnh Đắk Nông nói chung bước sang giai đoạn phát triển mới-giai đoạn nâng cao chất lượng, giá trị của cây lương thực này.

Việc hình thành vùng chuyên canh, dồn điền đổi thửa giúp nông dân cơ giới hóa 100%

Cánh đồng kiểu mẫu

Trở lại thôn Ninh Giang, chúng tôi gặp chị Vi Thị Hinh đang tất bật chuẩn bị xuống giống 2 ha vụ đông xuân 2018 – 2019. Do tham gia canh tác trên cánh đồng mẫu và thực hiện quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nên ngay từ đầu, gia đình chị đã tập trung giống, vật tư để cùng mọi người xuống giống đại trà.

Chị Hinh cho biết: Trong quá trình sản xuất, tôi được tham gia các lớp tập huấn để hiểu rõ quy trình sản xuất lúa VietGAP. Khi đã tiếp thu đầy đủ, tôi đã tuân thủ các biện pháp kỹ thuật từ khi làm đất đến khi gieo sạ, thu hoạch. Theo chị Hinh, đến nay, chị và bà con đã tự thực hiện Quy trình chăm sóc, áp dụng “1 phải 5 giảm” như: Phải sử dụng giống xác nhận; giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng phân bón (đạm), giảm sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng nước và giảm thất thoát sau thu hoạch. Bên cạnh đó, chị cũng áp dụng nghiêm Chương trình “3 tăng 3 giảm” (giảm giống, giảm phân, giảm thuốc bảo vệ thực vật; tăng năng suất, chất lượng, lợi nhuận) và biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp (IPM)…

Vụ hè thu 2018, lúa thương phẩm tại xã Buôn Choáh (Krông Nô) được doanh nghiệp từ tỉnh Long An mua với số lượng lớn

Còn ông Nông Văn Lợi ở thôn Bình Giang phấn khởi cho hay: “Tôi thật sự rất vui vì cánh đồng của Buôn Choáh đang tiến dần đến cánh đồng kiểu mẫu”. Điều dễ thấy nhất là ngoài áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật thì việc hình thành vùng chuyên canh, dồn điền đổi thửa, tạo ra các ô thửa ruộng lớn đã tạo cho nông dân nơi đây cơ giới hóa 100% trong khâu làm đất và thu hoạch.

ADQuảng cáo

Từ việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật để sản xuất theo quy trình VietGAP, vụ hè thu năm 2018, bà con buôn Choáh gặt lúa đến đâu, các công ty của tỉnh An Giang, thương lái từ các vựa gạo lớn, đại lý bán buôn về tận nơi mua hết đến đó. Điều đáng mừng, qua mỗi vụ sản xuất, chất lượng gạo thương phẩm của nông dân xã Buôn Choáh được nâng lên đáng kể, nên các doanh nghiệp có liên kết sản xuất với nông dân đến mua lúa với số lượng lớn.

Chuỗi liên kết sản xuất

Theo ông Doãn Gia Lộc, Trưởng Phòng Nông nghiệp – PTNT huyện Krông Nô thì hiện diện tích sản xuất lúa VietGAP của xã Buôn Choáh đã hơn 100 ha. Tuy nhiên, diện tích vẫn còn phân tán chưa tập trung, thị trường tiêu thụ chưa ổn định. Do vậy, việc xây dựng và án phát triển chuỗi liên kết sản xuất lúa VietGAP tại xã Buôn Choáh hết sức cấp bách.

Gia đình chị Vi Thị Hinh ở thôn Ninh Giang, xã Buôn Choáh (Krông Nô) phơi lúa sau thu hoạch

Trước thực tế đó, huyện xây dựng Dự án liên kết sản xuất lúa VietGAP giai đoạn 2018-2020, với tổng diện tích 300 ha, phân bố theo từng vụ như: Đông xuân 2018-2019 là 50 ha; hè thu 2019 là 50 ha; đông xuân 2019-2020 và hè thu 2020 mỗi vụ 100 ha. Hợp tác xã (HTX) Sản xuất lúa gạo Buôn Choáh là đơn vị đại diện thực hiện các liên kết đầu vào – sản xuất – đầu ra. Cùng với đó, đơn vị phải cam kết thu mua 100% sản lượng lúa sản xuất ra của các hộ dân tham gia với giá cao hơn giá thị trường tại thời điểm giao dịch.

Ngược lại, các thành viên tham gia phải cam kết bán 100% sản lượng lúa sản xuất ra cho HTX theo các nội dung hợp đồng. Sản phẩm lúa sau khi được thu mua, HTX đóng gói thành phẩm mang thương hiệu của HTX Sản xuất lúa gạo Buôn Choáh, với chỉ dẫn địa lý, xuất xứ hàng hóa cụ thể để cung ứng lại cho các đơn vị như: Công ty TNHH MTV Sản xuất và chế biến Bông Lúa Việt, các đại lý, các siêu thị trong và ngoài tỉnh. Trong hai năm triển khai, dự kiến kinh phí thực hiện là 6,5 tỷ đồng. Trong đó, ngoài vốn ngân sách Nhà nước, vốn xây dựng nông thôn mới, vốn sự nghiệp nông nghiệp thì người dân tự đầu tư với số tiền trên 5,6 tỷ đồng.

Kết quả sản xuất lúa theo chuẩn VietGAP ở Buôn Choáh những mùa vụ trước cho thấy, nhờ các biện pháp kỹ thuật giúp giảm chi phí sản xuất từ 1,5-1,7 triệu đồng/ha; năng suất trung bình đạt 6,8-7,2 tấn/ha; giá bán lúa khô cao hơn từ 1.200-1.500 đồng/kg. Sau khi trừ chi phí, người dân có lãi từ 32-35 triệu đồng/ha/vụ. Theo tính toán thì tổng lợi nhuận trong 4 vụ của dự án 300 ha lúa VietGAP ở buôn Choáh ước sẽ đạt 12,8-13,5 tỷ đồng.

Theo ông Trần Đăng Ánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Krông Nô, xây dựng vùng sản xuất lúa theo tiêu chuẩn VietGAP tại xã Buôn Choáh là tạo bước đột phá về phương thức và kỹ thuật trong sản xuất nhằm nâng cao hiệu quả và giá trị sản phẩm, tăng năng suất và sản lượng bảo đảm an ninh lương thực. Xây dựng mô hình liên kết sản xuất hiệu quả để phát triển bền vững, ổn định, theo hướng hàng hóa có tính cạnh tranh cao, làm cơ sở nhân rộng ra trên địa bàn toàn huyện.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Liên kết sản xuất theo chuẩn VIETGAP: Tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm lúa gạo Buôn Choáh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO