Liên kết trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn yếu

Văn Tâm| 01/07/2020 09:46

Liên kết chuỗi sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản là giải pháp quan trọng trong phát triển nông nghiệp. Qua việc liên kết chuỗi, các bên tham gia có thể nâng cao năng lực, lợi ích trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, thời gian qua, việc liên kết chuỗi sản xuất vẫn còn ở mức khiêm tốn, chưa đạt được các mục tiêu, kế hoạch mà tỉnh đề ra...

ADQuảng cáo

Mặc dù các cấp chính quyền đã có nhiều nỗ lực, quyết tâm, nhưng việc liên kết chuỗi sản xuất nhìn chung vẫn còn nhiều hạn chế. Trong đó, việc liên kết giữa “5 nhà” (gồm “nhà nông”, “nhà nước”, “nhà khoa học”, “doanh nghiệp” và “ngân hàng”) vẫn chưa phát huy hiệu quả, còn nhiều vấn đề cần phải khắc phục.

Theo thống kê, năm 2019, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có 35 công ty, HTX, nhóm hộ tham gia chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản. Trong đó, có 34 doanh nghiệp, HTX và 7.150 hộ dân hoạt động trong ngành hàng cà phê, hồ tiêu, cây ăn trái, rau quả (với diện tích 11.302 ha) tham gia liên kết với nhau.

Anh Đào Quang Minh ở thôn 8, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp) tham gia Câu lạc bộ sầu riêng Đắk Nông để góp phần nâng cao uy tín chất lượng sầu riêng của địa phương

Các đơn vị đi đầu trong việc liên kết như Công ty TNHH Công nghiệp thực phẩm Tất Thắng liên kết với nông dân để sản xuất, tiêu thụ sản phẩm đậu nành, đậu phộng tại huyện Chư Jút; Công ty Cổ phần Đầu tư và xuất nhập khẩu An Phong liên kết với người dân sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cà phê, hồ tiêu tại huyện Đắk Song, Đắk R’lấp; Tổ hợp tác Sản xuất lúa gạo Buôn Choáh (Krông Nô) liên kết với nông dân từ khâu làm đất đến thu hoạch, sơ chế và tiêu thụ sản phẩm...

Thực tế của các đơn vị nói trên cho thấy, việc liên kết đã góp phần thúc đẩy chuỗi sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; tận dụng được các tiềm năng, thế mạnh của địa phương trong việc tạo ra sản phẩm có giá trị cao, đủ sức cạnh tranh trên thị trường.

Hợp tác xã Tia Sáng ở phường Nghĩa Đức (Gia Nghĩa) là một trong những đơn vị liên kết với người dân sản xuất, tiêu thụ chanh dây

Thời gian qua, để tạo "môi trường liên kết", chính quyền các cấp cũng đã tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, nhà khoa học gặp gỡ, đối thoại với nông dân, tìm các giải pháp liên kết sản xuất. Tuy nhiên, theo đánh giá của cơ quan chức năng, việc liên kết sản xuất trên địa bàn tỉnh chỉ mới diễn ra ở một số nhóm hộ, HTX, tổ hợp tác.

ADQuảng cáo

Chẳng hạn, hiện nay trên địa bàn tỉnh, người dân thực hiện liên kết sản xuất cà phê với chỉ 10.755 ha, chiếm 8,4% tổng diện tích cà phê toàn tỉnh. Còn hồ tiêu, người dân chỉ liên kết được 515 ha, chiếm 1,6% tổng diện tích hồ tiêu toàn tỉnh. Ngoài ra, hiện nay toàn tỉnh có 6.617 ha cây ăn quả, sản lượng 77.000 tấn và hầu hết đều chưa có sự liên kết trong sản xuất và tiêu thụ. Do ít có sự liên kết, nên phần lớn hộ nông dân còn sản xuất tự do, manh mún, đầu ra không ổn định.

Gia đình ông Nguyễn Kim Quỳnh, xã Đắk Sôr (Krông Nô) canh tác cà phê lâu năm nhưng vẫn chưa biết chuỗi liên kết sản xuất trong nông nghiệp

Theo Sở Nông nghiệp – PTNT, việc liên kết để thu mua, tiêu thụ nông sản giữa doanh nghiệp và nông dân hiện nay là không nhiều. Hiện có tới 95% sản lượng nông sản do nông dân làm ra đều bán cho tư thương, giá cả hoàn toàn phụ thuộc vào thị trường tự do trong nước.

Rau xanh cũng là thế mạnh của các địa phương trên địa bàn tỉnh

Để hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân, nhà khoa học… gắn kết, hợp tác chặt chẽ nhau, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 05/2020/QĐ-UBND ngày 25/3/2020 về việc phân cấp phê duyệt hỗ trợ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.

Theo bà Nguyễn Thị Tình, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp – PTNT, thực hiện chính sách hỗ trợ liên kết này của tỉnh, hiện nay, các đơn vị chức năng, các địa phương đang rà soát chọn một số loại cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế cao của tỉnh như: cà phê, hồ tiêu, bơ, sầu riêng, xoài, rau xanh… để xây dựng đề án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.

Theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ 100% chi phí tư vấn xây dựng liên kết, tối đa không quá 300 triệu đồng/dự án; hỗ trợ hạ tầng phục vụ liên kết với mức hỗ trợ 30% vốn đầu tư máy móc trang thiết bị, xây dựng các công trình hạ tầng phục vụ liên kết như: Nhà xưởng, bến bãi phục vụ sản xuất, sơ chế, bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, tổng mức hỗ trợ không quá 10 tỷ đồng/dự án. Ngoài ra, các hoạt động khuyến nông, đào tạo, tập huấn và giống, vật tư, bao bì, nhãn mác sản phẩm cũng được hỗ trợ không quá 3 vụ hoặc 3 chu kỳ sản xuất…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Liên kết trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn yếu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO