Lợi bất cập hại trong việc bán sầu riêng theo dạng khoán vườn

Văn Tâm| 21/10/2019 10:07

Do một số lý do, nhiều nông dân đã bán sầu riêng theo kiểu khoán vườn cây cho thương lái. Hình thức bán sầu riêng này mang lại nhiều thuận lợi cho nông dân, nhưng cũng tiềm ẩn những điều rủi ro...

ADQuảng cáo

Lợi ích trước mắt

Bán sầu riêng theo dạng khoán vườn là hình thức được khá nhiều nhà vườn áp dụng lâu nay. Theo đó, các chủ vườn ký hợp đồng giao hẳn vườn cây cho người khác chăm sóc, thu hoạch theo giá thỏa thuận.

Theo ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ sầu riêng Thiên Phú (Nhân Cơ), hình thức này về trước mắt, các nhà vườn không cần phải lo đầu ra sản phẩm. Mặc khác, khi bán khoán vườn cho thương lái, vườn sầu riêng phát triển khá tốt, sản lượng cao, chất lượng sầu riêng thương phẩm cũng tốt hơn. Tuy nhiên, bán khoán vườn cũng có hại, vì thương lái thường chú trọng vào lợi nhuận, nên sử dụng một lượng lớn phân hóa học, thuốc kích thích để bồi bổ, thúc ép cây ra nhiều quả. Do đó, về sau nếu không theo chế độ chăm sóc, bón phân đó nữa thì vườn cây phát triển chậm lại, thoái hóa nhanh, mất năng suất.

Gia đình ông Trần Văn Lâm, ở thị trấn Kiến Đức (Đắk R’lấp) có 3 ha sầu riêng trồng xen đang trong thời kỳ kinh doanh. Hai năm nay, gia đình ông vì thiếu công lao động, không thể chăm sóc vườn sầu riêng được nên đã bán khoán cả vườn cho một thương lái tại địa phương.

Theo ông Lâm, gia đình ông đã thỏa thuận với bên “mua vườn” với giá 40.000 đồng/kg quả và bên mua đặt cọc trước 100 triệu đồng. Những năm trước, dù giá cả sầu riêng lên xuống thất thường, nhưng nguồn thu nhập của gia đình ông Lâm vẫn duy trì mức ổn định. Thế nhưng, vụ sầu riêng vừa qua, vào thời điểm thu hoạch rộ, giá sầu riêng giảm mạnh, thương lái cứ để vậy mà không đến hái. Trong khi sầu riêng đến tuổi thì phải thu hoạch, nếu để lâu ngày sẽ ảnh hưởng đến khả năng sinh trưởng của cây, làm giảm năng suất từ vụ sau.

Ông Lâm cho biết: “Khi để sầu riêng lưu quả quá lâu và không kịp thời chăm sóc vườn sau thu hoạch sẽ làm cây bị suy yếu. Đây là những hạn chế khi khoán vườn”.

Ông Nguyễn Quốc Khánh ở thôn 8, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp) luôn tự mình chăm sóc để vườn sầu riêng sinh trưởng, phát triển ổn định

ADQuảng cáo

Còn theo Hoàng Tuấn Khanh, ở thôn 8, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp), thương lái nào cũng rất tinh vi khi mua sầu riêng dạng khoán vườn. Vì họ có nhiều kinh nghiệm về thị trường và khả năng dự đoán năng suất, định giá vườn cây trong mỗi mùa vụ… Vì thế, đa số thương lái đều sử dụng các biện pháp để can thiệp vào quá trình sinh trưởng của cây để không bị thua lỗ khi mua khoán vườn.

Qua tìm hiểu, đa số các nhà vườn cho bán sầu riêng khoán vườn cây đều do các lý do bất đắc dĩ như: Thiếu kỹ thuật chăm sóc, thiếu công lao động, thiếu vốn… Cái lợi trước mắt là họ nhận được số tiền lớn một lúc, nhưng sau đó cũng nảy sinh vô số những vướng mắc không mong muốn trong suốt quá trình bán sầu riêng theo dạng khoán vườn.

Thiệt hại về lâu dài

Gia đình bà Lê Thị Hồng, ở xã Quảng Sơn (Đắk Glong), có khoảng 150 cây sầu riêng 8 năm tuổi. Những năm trước, gia đình bà tự chăm sóc, thu hoạch và có thu nhập hàng chục triệu đồng. Theo bà Hồng, vài năm gần đây, do gia đình bận rộn với rẫy cà phê, bơ, do diện tích lớn hơn nên đã cho thương lái thuê lại vườn sầu riêng với giá thỏa thuận theo thị trường.

Cũng theo bà Hồng, những năm gia đình bà chăm sóc vườn sầu riêng bình thường, vườn cây đạt ổn định khoảng từ 7 - 10 tấn quả. Thế nhưng, khi thương lái chăm sóc, năng suất sầu riêng tăng lên 15 tấn quả. Điều này cho thấy, khả năng về kỹ thuật chăm sóc, khai thác vườn cây của người mua sầu riêng là hết sức cao.

Bà Hồng cho biết thêm, những tháng sau thu hoạch, người thuê đã tạo sự tin tưởng cho chủ vườn bằng cách chỉ chăm sóc cây vừa phải. Khi bước vào thời kỳ cây tăng trưởng mạnh, cây cần kích thích mầm hoa, thương lái bắt đầu chăm sóc, phun thuốc kích thích, bón phân một cách ồ ạt, quy trình chăm sóc này họ đều không cho chủ vườn biết. Mặt khác, nếu biết thì chủ vườn cũng không thể lên tiếng vì đã giao toàn bộ vườn cây cho họ chăm sóc theo hợp đồng.

Ông Nguyễn Quốc Khánh, Chủ nhiệm Câu lạc bộ sầu riêng Thiên Phú, cho biết: “Với cách cho thuê này, đa số vườn sầu riêng đạt năng suất rất cao trong những vụ đầu. Càng về sau thì sản lượng sầu riêng càng giảm đáng kể. Bởi nhiều chủ vườn không nắm được mức độ đầu tư phân bón do thương lái sử dụng để chăm sóc theo cho cây lại sức”.

Theo ông Phạm Quang Vượng, Trưởng Phòng Nông nghiệp –PTNT huyện Đắk R’lấp, khi người dân bán khoán vườn sầu riêng thì cái lợi trước mắt là bán được giá đã cam kết, ổn định đầu ra. Trước đây, người dân giao hẳn vườn cho thương lái tự chăm bón, kích thích cây ra hoa, nhưng sau này, nhiều người đã biết được tác hại của việc khoán vườn là sẽ làm cho vườn cây bị suy kiệt, nên đã hạn chế bớt. "Nông dân nên thực hiện hình thức hợp đồng theo kiểu nhà vườn chăm sóc, thương lái chỉ quản lý, bảo quản và thu hoạch. Như vậy, các nhà vườn mới tự bảo vệ được vườn cây và đầu tư phát triển sản xuất một cách lâu dài, bền vững được", ông Vượng khuyến cáo.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lợi bất cập hại trong việc bán sầu riêng theo dạng khoán vườn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO