"Lợi ích kép" của cây lõi thọ

Hồng Thoan| 18/05/2021 09:13

Những năm gần đây, người dân một số xã ở huyện Krông Nô, Đắk Glong (Đắk Nông) trồng rừng sản xuất bằng cây lõi thọ. Đây là loại cây lấy gỗ mang lại nguồn thu nhập và góp phần tăng độ che phủ rừng.

ADQuảng cáo

Anh Nguyễn Văn Chung, thôn Nam Tiến, xã Nâm Nung (Krông Nô), một trong những người trồng cây lõi thọ với diện tích lớn. Hiện gia đình anh có 13 ha cây lõi thọ trồng từ 2-3 năm tuổi. Cây có chiều cao khoảng 14-15m, đường kính trung bình khoảng 30 cm. Cây lõi thọ sinh trưởng, phát triển nhanh và không tốn nhiều công chăm sóc. "Tôi sẽ chăm sóc vườn cây để nâng cao giá trị kinh tế, góp phần tăng độ che phủ rừng", anh Chung chia sẻ.

Vườn cây lõi thọ năm thứ 2 của ông Nguyễn Văn Chung, xã Nâm Nung (Krông Nô)

Tương tự, gia đình ông Võ Văn Hiếu, thôn 7, xã Đắk R’măng (Đắk Glong) hiện có 2 ha cây lõi thọ. Ông Hiếu cho biết, gia đình ông có nhiều kinh nghiệm trồng rừng. Khoảng 10 năm nay, ông trồng rừng bằng nhiều loại cây khác nhau.

Riêng cây lõi thọ phát triển nhanh, ít sâu bệnh. Thân cây lõi thọ cao, thẳng, ít cành nhỏ, nên cũng tiện lợi hơn trong chăm sóc, phòng cháy. Mùa mưa năm nay, ông đang chuẩn bị đất trồng thêm khoảng 3 ha cây lõi thọ.

Cây lõi thọ có chất lượng gỗ khá cao và quý, có giá trị kinh tế cao hơn so với một số cây khác. "Tôi mong muốn khi người dân trồng nhiều cây lõi thọ thì Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ tìm đầu ra ổn định, thu nhập khá, yên tâm sản xuất”, ông Hiếu bày tỏ.

HTX Ngọc Quân (Krông Nô) đang xây dựng mô hình nghiên cứu cây lõi thọ

Theo ông Doãn Gia Lộc, Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Krông Nô, lõi thọ là cây gỗ bản địa, nên rất phù hợp với điều kiện đất đai, khí hậu tại địa phương. Ngành chức năng khuyến khích phát triển loại cây này.

ADQuảng cáo

Những năm gần đây, một số xã như Nâm Nung, Quảng Phú, người dân trồng cây lõi thọ khá nhiều. Diện tích toàn huyện hiện đạt trên 100 ha cây lõi thọ. Việc phát triển trồng rừng bằng cây lõi thọ bảo đảm tỷ lệ thành rừng cao.

Loại cây này vừa mang lại thu nhập, vừa góp phần tăng độ che phủ rừng. Ngành chức năng đang quy hoạch Krông Nô thành vùng nguyên liệu gỗ lớn, nên sẽ có những thuận lợi cho bà con yên tâm mở rộng diện tích cây lõi thọ.

Cây lõi thọ trưởng thành có thể vừa khai thác lấy gỗ, vừa tăng độ che phủ rừng

Cũng theo ông Lộc, trở ngại lớn nhất hiện nay là nguồn giống cây lõi thọ chưa nhiều. Người dân chủ yếu thu hái hạt lõi thọ tại địa phương để ươm giống. Do đó, nhiều thời điểm có tình trạng khan hiếm giống, ảnh hưởng đến việc phát triển diện tích loại cây này.

Hiện tại, có một số cơ sở nhân giống cây lõi thọ, nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân. Theo ông Nguyễn Ngọc Quân, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Ngọc Quân (Krông Nô), nhiều năm nay, HTX ươm thành công giống cây lõi thọ, với tỉ lệ nảy mầm đạt từ 90-95%.

Ba tháng sau khi hạt nảy mầm, cây con đạt chiều cao khoảng 50 cm và có thể xuất vườn đem trồng. Hàng năm, mặc dù HTX đã bán số lượng lớn cây giống lõi thọ nhưng vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu của người dân.

Để mở rộng quy mô, HTX mong muốn nhận được sự hỗ trợ về vốn, thủ tục, nhất là việc phát triển mô hình nhân giống cây lõi thọ bằng mô... Từ đó, HTX có cơ sở cho việc liên kết, hình thành trung tâm sản xuất cây giống lõi thọ.

Theo Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam, cây lõi thọ (tên gọi khác là gáo trắng, bồ đề) có tên khoa học là Gmelina arborea Roxb thuộc họ Tếch (Verbenaceae). Cây có thể cao đến 35 m, đường kính 120 cm.

Gỗ lõi thọ có giác mỏng, màu vàng nhạt, lõi màu nâu vàng, kết cấu gỗ mịn, dễ gia công, ít biến dạng. Gỗ lõi thọ được dùng trong mộc mỹ nghệ, làm nhà, đóng tàu thuyền, ván lạng và làm giấy.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
"Lợi ích kép" của cây lõi thọ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO