Lợi ích kép từ gửi tiết kiệm

Nguyễn Lương| 04/08/2021 09:13

Thời gian qua, Chi nhánh NHCSXH tỉnh đã đẩy mạnh huy động tiền gửi tiết kiệm thông qua tổ chức, cá nhân, hệ thống Tổ Tiết kiệm và Vay vốn (TK&VV). Nhờ đó, nguồn vốn được bổ sung nhiều hơn, nhiều hộ nghèo có thêm cơ hội được vay vốn làm ăn.

ADQuảng cáo

Tạo thói quen dành dụm

Cứ ngày 10 hằng tháng, bà Phạm Kim Oanh, thôn 9, xã Đắk R’la (Đắk Mil) lại đến nhà tổ trưởng Tổ TK&VV của thôn để nộp tiền lãi và gửi tiết kiệm. Số tiền gửi tiết kiệm của bà Oanh là 100.000 đồng/tháng. Bà đã duy trì thói quen này hơn 3 năm nay.

Các Tổ trưởng Tổ TK&VV xã Đắk R'la nộp lãi, nộp tiền tiết kiệm của các thành viên tại buổi giao dịch với NHCSXH huyện Đắk Mil

“Ngoài việc trang trải chi phí sinh hoạt, tôi dành dụm thêm một ít để gửi tiết kiệm. Cứ nghĩ đến việc từ số tiền nhỏ của mình có thể tạo thêm cơ hội cho hộ nghèo vay, tôi lại thấy ấm lòng”, bà Oanh cho biết.

Cũng duy trì thói quen gửi tiết kiệm hơn 2 năm nay, bà Dương Thị Hạnh, ở thôn 9, chia sẻ: “Tiết kiệm để từng bước tích luỹ cho gia đình. Sau này đến lúc trả nợ đến hạn, số tiền gom góp được sẽ góp phần giảm áp lực hơn”.

Tổ TK&VV thôn 9, xã Đắk R’la có 59 thành viên. Hầu hết các thành viên trong tổ đều thực hiện gửi tiết kiệm hàng tháng. Tổng huy động tiết kiệm của các thành viên tại tổ đến nay là hơn 60 triệu đồng.

Bà Nguyễn Thị Nhơn, Tổ trưởng Tổ TK&VV thôn 9 cho biết, để bà con tham gia gửi tiết kiệm phải đẩy mạnh tuyên truyền, vận động. Ban đầu có ít người tham gia, nhưng “mưa dầm thấm lâu”, bà con tham gia nhiều hơn. Gửi tiền tiết kiệm không những tạo được thói quen dành dụm, mà còn đỡ gánh nặng cho mỗi gia đình đến kỳ trả nợ gốc.

Toàn tỉnh hiện có 1.560 Tổ TK&VV, tỷ lệ tham gia gửi tiết kiệm đạt trên 98%. Tỷ lệ thành viên tham gia gửi tiết kiệm trên 98,2%. Đến hết tháng 7/2021, tổng nguồn vốn huy động tại Chi nhánh NHCSXH tỉnh khoảng 360 tỷ đồng. Trong đó, tiền gửi từ các tổ chức, cá nhân hơn 200 tỷ đồng, còn lại là tiền gửi thông qua hệ thống tổ TK&VV.

ADQuảng cáo

Đẩy mạnh huy động vốn

Theo Chi nhánh NHCSXH tỉnh, nguồn vốn cho vay hộ nghèo, các gia đình thuộc diện ưu đãi khác chủ yếu được bố trí từ nguồn của Trung ương, địa phương ủy thác từ ngân sách. Trong thực tế, nhu cầu vay vốn của các gia đình trên địa bàn rất lớn.

Điều này bắt buộc đơn vị phải đẩy mạnh huy động vốn trong dân cư và thông qua hệ thống tổ TK&VV. Nguồn vốn được huy động, vừa giúp ngân hàng thực hiện nhiệm vụ cho vay, vừa tạo cho người dân thói quen tích luỹ cho mai sau.

Từ nguồn huy động gửi tiết kiệm của cá nhân, tổ chức, nhiều gia đình nghèo ở Đắk Song có thêm cơ hội vay vốn ưu đãi (ảnh chụp trước ngày 27/4/2021)

Ông Nguyễn Tiến Hà, Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh cho biết, hằng năm, đơn vị chủ động tham mưu với Ban đại diện hội đồng quản trị NHCSXH đề nghị các tổ chức nhận ủy thác nâng cao vai trò phối hợp, đẩy mạnh huy động tiền gửi trong dân cư.

Tại các buổi giao dịch hàng tháng, cán bộ ngân hàng không chỉ làm nhiệm vụ giải ngân, thu lãi, gốc theo định kỳ, mà còn tích cực tuyên truyền, vận động các thành viên của tổ TK&VV tham gia.

Đối với những địa bàn ở vùng nông thôn, điều kiện đi lại khó khăn, đơn vị vận động bà con gửi tiết kiệm qua các Tổ TK&VV. Nhờ đó, huy động tiết kiệm tại đơn vị năm sau luôn cao hơn năm trước. Điều này giúp bổ sung nguồn vốn, tạo thêm nhiều cơ hội cho bà con nghèo vay vốn.

"Đặc biệt, việc gửi tiết kiệm hằng tháng đã tạo thói quen tích luỹ cho người dân, nhất là ở vùng nông thôn", ông Hà chia sẻ.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lợi ích kép từ gửi tiết kiệm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO