Lồng ghép khuyến công vào các chương trình, dự án để thu hút nguồn lực đầu tư cho công nghiệp nông thôn

Lê Phước thực hiện| 09/11/2018 10:13

Thời gian qua, việc hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và tiến bộ khoa học kỹ thuật cho các cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) trên địa bàn tỉnh đã góp phần không nhỏ trong việc nâng cao chất lượng các sản phẩm nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp trong thời kỳ hội nhập. Phóng viên Báo Đắk Nông (PV) đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Quốc Phú, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công thương) về vấn đề này.

ADQuảng cáo

Ông Hoàng Quốc Phú

PV: Ông có thể cho biết một số kết quả nổi bật trong hoạt động hỗ trợ các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh thời gian qua?

Ông Hoàng Quốc Phú: Thời gian qua, hoạt động khuyến công trên địa bàn tỉnh đã nhận được sự quan tâm của các bộ, ngành Trung ương và các sở, ban, ngành, địa phương. Tùy từng nội dung, hoạt động có liên quan mà mức độ, cách thức phối hợp trong hoạt động khuyến công tại các địa phương có sự thay đổi linh hoạt.

Phần lớn các cơ sở CNNT có nhu cầu hỗ trợ về thiết bị nên thời gian qua, Trung tâm chủ yếu tập trung vào việc hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại, công nghệ tiên tiến vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Trong 5 năm (từ 2014 - 2018), Trung tâm đã triển khai 31 đề án hỗ trợ thiết bị cho các cơ sở với tổng kinh phí hơn 14,7 tỷ đồng, trong đó kinh phí khuyến công hỗ trợ gần 5,5 tỷ đồng (số còn lại do doanh nghiệp tự đối ứng).

Việc hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị hiện đại đã và đang góp phần giúp cho các cơ sở CNNT nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, giảm chi phí sản xuất và sử dụng nguyên, nhiên vật liệu hiệu quả, tăng sức cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, góp phần giải quyết việc làm, phát triển công nghiệp nông thôn và bảo vệ môi trường tại địa phương.

Cụm máy móc, thiết bị chế biến hồ tiêu được hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia tại Công ty TNHH MTV Minh Vi Đắk Nông, xã Đắk Gằn (Đắk Mil)

PV: Được biết, nhu cầu hỗ trợ từ hoạt động khuyến công của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh hiện nay là khá lớn. Vậy ông cho biết hoạt động hỗ trợ công nghệ và khoa học cho các cơ sở CNNT hiện nay đã đáp ứng được thực tiễn hay chưa?

Ông Hoàng Quốc Phú: Thời gian gần đây, các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh tăng nhanh nhưng nằm phân tán, đường sá đi lại còn nhiều khó khăn. Phần lớn các cơ sở này có quy mô nhỏ, năng lực tài chính và các nguồn lực hạn chế nên khả năng tiếp cận thông tin về công nghệ, thiết bị và thị trường chưa cao.

ADQuảng cáo

Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất trong hoạt động khuyến công thời gian qua là kinh phí. Mặc dù nhu cầu của các cơ sở CNNT ngày càng tăng nhưng ngân sách địa phương còn hạn chế, việc tranh thủ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia chưa được nhiều. Ví dụ như năm 2017, Trung tâm xây dựng 14 đề án khuyến công quốc gia (kinh phí khuyến công hỗ trợ 2,7 tỷ đồng) và 14 đề án khuyến công địa phương (ngân sách tỉnh hỗ trợ gần 2,6 tỷ đồng) nhưng chỉ được phê duyệt 4/14 đề án quốc gia (được hỗ trợ 800 triệu đồng) và 8/14 đề án địa phương (hỗ trợ 1,157 tỷ đồng).

Hay trong năm 2018, Trung tâm xây dựng kế hoạch cho 14 đề án khuyến công địa phương (ngân sách tỉnh hỗ trợ 2,3 tỷ đồng) và 5 đề án khuyến công quốc gia (khuyến công quốc gia hỗ trợ 1 tỷ đồng) nhưng chỉ có 8/14 đề án địa phương (hỗ trợ gần 1,3 tỷ đồng) và 5 đề án quốc gia được xét duyệt, bố trí vốn thực hiện.

Cụm máy móc thiết bị sản xuất gạch không nung được hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia tại Công ty Cổ phần Công nghiệp Đắk Nông, xã Nhân Đạo (Đắk R’lấp)

PV: Vậy theo ông, thời gian tới, tỉnh cần tập trung vào những giải pháp nào để đẩy mạnh hơn nữa việc hỗ trợ các cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh?

Ông Hoàng Quốc Phú: Từ nay đến năm 2020, Trung tâm dự kiến xây dựng 2 mô hình trình diễn kỹ thuật và thực hiện hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị tiên tiến vào trong sản xuất cho 58 cơ sở CNNT. Trong điều kiện kinh phí khuyến công quốc gia và ngân sách tỉnh hỗ trợ hoạt động khuyến công còn hạn chế, theo chúng tôi, UBND tỉnh và UBND các huyện, thị xã nên lồng ghép hoạt động này vào các dự án, chương trình mục tiêu khác để khuyến khích thu hút nguồn vốn của cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước đầu tư phát triển CNNT của tỉnh.

Việc hỗ trợ các cơ sở CNNT cần phải thực hiện một cách có trọng tâm, trọng điểm, ưu tiên cho các ngành nghề, sản phẩm chủ lực phù hợp với tiềm năng, lợi thế của địa phương như: Chế biến sản phẩm cây công nghiệp (cà phê, tiêu, điều…), sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, đồ mộc...

Ngoài ra, Trung tâm Khuyến công và tư vấn phát triển công nghiệp sẽ tăng cường phối hợp với các địa phương kiểm tra, giám sát chặt chẽ các đề án đã và đang được thực hiện, bảo đảm nguồn kinh phí được sử dụng đúng đối tượng, đúng mục đích và đúng quy định pháp luật. Việc kiểm tra, giám sát còn giúp cho chúng tôi có thêm kinh nghiệm trong công tác lựa chọn, tư vấn cho các cơ sở công nghiệp nông thôn lựa chọn máy móc tiên tiến, hiện đại, phát huy ngày càng cao hiệu quả nguồn vốn khuyến công được thụ hưởng trong thời gian tới.

PV: Xin cảm ơn ông!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lồng ghép khuyến công vào các chương trình, dự án để thu hút nguồn lực đầu tư cho công nghiệp nông thôn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO