Mắc ca đang... "mắc cạn"

Phan Tuấn - Công Tính| 04/09/2019 08:46

Năm 2014, UBND tỉnh Đắk Nông phê duyệt Đề án phát triển 12.400 ha cây mắc ca trên địa bàn huyện Tuy Đức đến năm 2020. Đó cũng là thời kỳ mà cây mắc ca mới "du nhập" vào Đắk Nông và tạo nên "cơn sốt" đối với nông dân. Thế nhưng, đến nay toàn huyện Tuy Đức chỉ mới phát triển khoảng 800 ha mắc ca và thực tế loài cây này chưa đáp ứng được kỳ vọng của nông dân. Xem ra Đề án phát triển 12.400 ha cây mắc ca đã gần như bị..."mắc cạn" nếu không nói là "phá sản".

ADQuảng cáo

Kỳ 1: "Bỏ thì thương, vương thì..."

Do được kỳ vọng nhiều đối với cây trồng mới mắc ca nhưng kết quả nhận được sau nhiều năm đầu tư chăm sóc chỉ là nỗi thất vọng, nên nhiều nông dân đã không còn mặn mà, tỏ ra bối rối với việc "lỡ" trồng loại cây này.

Nông dân xã Quảng Trực (Tuy Đức) thu hoạch cây mắc ca

Nỗi thất vọng của nông dân...

Những ngày cuối tháng 8, khi giá mắc ca đạt gần 100 nghìn đồng/kg, ông Đoàn Lê Anh, bon Đắk Huýt, xã Quảng Trực cố thu hoạch vớt vát những trái mắc ca còn sót lại trong vườn để bán. Có 7 sào đất vừa trồng cà phê xen mắc ca, nhưng ông Đoàn Lê Anh cũng phải nhờ thêm người để hái vì trái cho không tập trung, rất tốn công. Vườn mắc ca do gia đình ông trồng gần chục năm tuổi, với nhiều loại giống khác nhau. Theo ông Đoàn Lê Anh, cũng vì trồng nhiều loại giống, nên trong vườn có cây cao, cây lại rất thấp; cây cho trái, cây không.

Trồng nhiều giống khác nhau, nên trong một vườn mắc ca cây thì tốt, cây trơ trụi lá

Thời gian qua, ông Đoàn Lê Anh đã đến nhiều địa phương trồng mắc ca như: Huyện Krông Năng (Đắk Lắk), Ba Vì (Hà Nội), Đức Trọng (Lâm Đồng)... để tìm hiểu, học tập kinh nghiệm. Thế nhưng, các kinh nghiệm đó đều rất khó để áp dụng để chăm sóc cây mắc ca hiện nay tại Tuy Đức. Do đó, hầu như việc chăm sóc vườn mắc ca của gia đình đều được thực hiện theo cảm tính, dựa vào kinh nghiệm sản xuất nông nghiệp là chính. Có lẽ chính vì thế, những năm qua, vườn mắc ca của gia đình ông không có sự phát triển đột biến nào và cũng không thể hiện được các lợi thế về kinh tế so với các loại cây trồng khác.

Hàng năm, 7 sào mắc ca cũng chỉ cho thu nhập làng nhàng dăm ba chục triệu đồng. Điều này cũng khiến cho gia đình ông không còn xem trọng cây mắc ca như trước đây nữa. “Như vườn mắc ca của gia đình, giờ tôi cũng chỉ biết một số giống cho trái nhiều. Việc cây cho trái không đồng đều thì đương nhiên là năng suất cả vườn không thể cao được. Với một cây trồng mới và không có ưu thế vượt trội khi so sánh cùng các loại cây trồng khác thì không thu hút được nhiều người dân quan tâm”, ông Đoàn Lê Anh giải thích.

Cùng một vườn, một vụ thu hoạch, nhưng theo ông Đoàn Lê Anh, xã Quảng Trực (Tuy Đức), cây cho trái nhiều, cây thưa trái

ADQuảng cáo

Tương tự, gia đình chị Nguyễn Thị Thùy Dung, bon Đắk Huýt, xã Quảng Trực, có 3 ha đất trồng mắc ca; trong đó, gần 1 ha mắc ca trồng xen cà phê đã cho thu hoạch. Với vườn mắc ca đã cho thu hoạch thì trái cũng không đồng đều giữa các loại giống. Cây thì nhiều trái, cây lại rất ít…

Cũng theo chị Dung, so với các vườn khác, cây mắc ca của gia đình chị cho trái tương đối cao. Chỉ riêng 1 ha mắc ca trồng xen cà phê cũng cho khoảng 1 tấn hạt. Với giá bán hiện nay, trừ chi phí, gia đình có thu nhập khoảng 70 triệu đồng. So với cà phê, hồ tiêu, bơ, sầu riêng thì rõ ràng, mắc ca cũng chỉ cho thu nhập ở mức bình thường, thậm chí là thấp. Với mức thu nhập này, nếu duy trì cây mắc ca sẽ rất khó khăn, nhưng nếu phá bỏ thì lại lãng phí. Do đó, gia đình chị cũng như nhiều hộ dân khác đang ở vào thế "mắc cạn" vì cây mắc ca.

"Dấu hỏi" về hiệu quả kinh tế

Cuối tháng 6/2019, Sở Nông nghiệp và PTNT cùng UBND huyện Tuy Đức tổ chức Hội thảo đánh giá thực trạng và định hướng phát triển cây mắc ca trên địa bàn huyện. Ngay trong tham luận do ngành Nông nghiệp trình bày tại hội thảo đã có những thông số khẳng định về những nhược điểm của mắc ca. Cụ thể khi khảo sát 100 ha mắc ca trồng tập trung ở Tuy Đức đã cho thu hoạch, tỷ lệ đậu trái thấp và không đồng đều. Trong cùng một vườn, số cây ra hoa, kết trái chỉ chiếm 50-60% và thường không ổn định.

Khảo sát các vườn mắc ca trồng từ năm 2010-2018, năng suất thu được từ 5-15 kg/cây, tùy theo từng dòng. Giá trị kinh tế mang lại trên một ha cây mắc ca (tùy trồng thuần, hoặc trồng xen canh) dao động từ 41,9-267,8 triệu đồng (chưa tính chi phí đầu tư, chăm sóc). Đáng chú ý hơn, tham luận này chỉ kết luận cây mắc ca có “tiềm năng” phát triển ở một số địa phương chứ chưa khẳng định được hiệu quả về phương diện kinh tế.

Nông dân xã Quảng Trực (Tuy Đức) thu hoạch cây mắc ca

Còn theo đánh giá của UBND huyện Tuy Đức, trong tổng số 800 ha cây mắc ca được trồng trên địa bàn, có 335 ha đã cho thu hoạch. Thế nhưng, hầu hết diện tích mắc ca này đều có sản lượng thấp, mang lại thu nhập không đáng kể cho người dân. Nguyên nhân mắc ca cho năng suất, sản lượng thấp cho đến nay vẫn chưa được các cơ quan chức năng đánh giá, xác định một cách cụ thể.

Mặt khác, hiện nay các vườn mắc ca ở Tuy Đức đều được người dân trồng với nhiều loại giống khác nhau. Các loại giống này phần lớn đều do người dân tự tìm mua trên thị trường, ít có sự kiểm tra, giám sát về nguồn gốc, chất lượng. Nông dân trên địa bàn cũng chưa hề được chỉ dẫn hoặc tiếp cận với những kiến thức, kỹ thuật chăm sóc cây mắc ca một cách bài bản, khoa học... Tất cả những điều này đã và đang khiến cho chính quyền, người dân trở nên rất băn khoăn và đặt ra những câu hỏi về tính hiệu quả kinh tế của cây mắc ca.

Cũng theo UBND huyện Tuy Đức, hiện nay có một số người dân đã mất dần sự kiên nhẫn, nảy sinh tâm lý muốn phá bỏ, chuyển đổi cây mắc ca sang loại cây trồng khác. Tuy nhiên, người dân lại đang ở vào thế lưỡng lự "bỏ thì thương mà vương thì...". Do đó, huyện đã kiên trì vận động, có những giải pháp hỗ trợ, động viên người dân giữ nguyên diện tích mắc ca đã trồng để chờ sự đánh giá cụ thể của cơ quan chức năng.

>>Kỳ 2: Nông dân mò mẫm với cây giống

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mắc ca đang... "mắc cạn"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO