Mắc ca đang... "mắc cạn" (kỳ 2): Nông dân mò mẫm với cây giống

Công Tính - Phan Tuấn| 05/09/2019 14:53

Giống là một trong những yếu tố quyết định về hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng, thời gian qua, hầu hết nông dân khi trồng mắc ca đều phải mua giống một cách cảm tính, không thể phân biệt được đâu là nguồn giống bảo đảm chất lượng, phù hợp với địa phương.

ADQuảng cáo

Cây giống mắc ca đang là "bài toán khó" đối với nông dân Tuy Đức. Ảnh: Văn Biên

Băn khoăn giữa các dòng giống

Đã có 9 năm trồng mắc ca, bà Lê Thị Uyên, thôn 4, xã Quảng Tâm (Tuy Đức) thừa nhận trồng mắc ca khó khăn nhất nằm ở khâu kỹ thuật và giống. Ngoài việc chưa nắm rõ quy trình chăm sóc cây mắc ca như thế nào, bà Uyên cũng như nhiều hộ dân khác rất băn khoăn về chất lượng cây giống. Theo bà Uyên, với quá nhiều loại giống mắc ca bán trên thị trường như hiện nay, nông dân rất khó để biết đâu là loại giống tốt, phù hợp với điều kiện ở Tuy Đức.

Tâm tư của người trồng mắc ca Tuy Đức cũng là vấn đề mà ngành Nông nghiệp cũng đang băn khoăn. Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, hiện nay chưa có bất kỳ tài liệu nào khẳng định chắc chắn về dòng giống mắc ca phù hợp với sinh thái tiểu vùng của các địa phương. Mặt khác, công tác quản lý giống mắc ca cũng chưa được kiểm soát và ngành chức năng chưa đưa ra được khuyến cáo đối với người dân, doanh nghiệp là nên trồng những dòng giống nào.

Công ty Cổ phần mắc ca Nữ Hoàng chăm sóc cây giống mắc ca. Ảnh: Văn Biên

Cũng nói về cây giống, trong báo cáo kết quả thực hiện Đề án phát triển mắc ca trên địa bàn, ông Trần Viết Cự, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Đức thừa nhận, các tài liệu canh tác cây mắc ca còn thiếu. Đến nay, chưa có tài liệu nào khẳng định chắc chắn dòng giống mắc ca cho năng suất cao và phù hợp nhất với điều kiện sinh thái của huyện Tuy Đức. Trong khi đó, hiện nay đang có tới hơn 13 dòng giống mắc ca được trồng khắp vườn rẫy của người dân.

Nông dân chấp nhận đánh cược

ADQuảng cáo

Trong khi cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương chưa xác định rõ được giống mắc ca phù hợp nhất để khuyến cáo nông dân trồng thì trên địa bàn Tuy Đức, có hàng chục điểm bán loại giống cây này. Đến các điểm bán cây giống, nếu hỏi cây mắc ca thì có đủ loại như: OC, QN, 695, 246, H2, 800, 842… Có lẽ các loại giống này chắc chỉ có chủ vườn giống mới biết. Còn đối với nông dân, chỉ còn cách đặt tất cả niềm tin vào chủ vườn giống và chấp nhận mua giống theo kiểu "năm ăn năm thua".

Để tạo cây giống tốt, người dân chọn cách lựa những cây mắc ca cho trái nhiều để ươm giống

Hiện tại, giá cây giống mắc ca được bán trên thị trường huyện Tuy Đức từ 40-50.000 đồng/cây. Để trồng được một ha mắc ca, người dân phải bỏ ra từ 15-20 triệu đồng tiền mua cây giống. Đó là chưa kể công chăm sóc, cộng với khoảng thời gian từ 5- 7 năm trở lên để cây mắc ca cho thu hoạch. Do đó, trồng mắc ca giờ đây đối với nông dân cũng giống như một "canh bạc". Có đầu tư lớn, mất nhiều thời gian chờ đợi, nhưng chưa hẳn nhận được kết quả tốt, vì phụ thuộc vào nguồn giống cũng như những yếu tố khác.

Theo khảo sát của Sở Nông nghiệp và PTNT, trên địa bàn huyện Tuy Đức hiện có 13 dòng mắc ca gồm: OC, 816, 695, 849, 842, 800, 788, 246, 741, QN1, A38, A16, H2. Báo cáo của UBND huyện Tuy Đức, thông qua các nguồn vốn như: Chương trình 102, Chương trình 135, Chương trình xây dựng nông thôn mới, Dự án 3EM… trong những năm qua, huyện đã mua và cấp phát hỗ trợ gần 200.000 cây giống mắc ca cho người dân.

Nói về cây giống, Tiến sỹ Hoàng Mạnh Cường, Viện Khoa học kỹ thuật nông lâm nghiệp Tây Nguyên cho biết, hiện tại người nông dân huyện Tuy Đức trồng mắc ca không theo một loại giống cụ thể. Giống mắc ca có rất nhiều loại, nhưng không phải tất cả đều phù hợp tại Tuy Đức.

Cũng theo Tiến sỹ Cường, để tìm ra được một loại giống phù hợp phải được đánh giá nhiều năm, trồng thử nghiệm ở những vùng tương tự như Tuy Đức. Khi có kết quả thì mới quyết định quy hoạch và đưa vào trồng đại trà. Chính vì vậy, hiện nay người dân đành chấp nhận may rủi khi chọn các loại giống mắc ca để trồng. Nếu vô tình chọn được dòng giống phù hợp thì mắc ca phát triển tốt, cho năng suất cao và ngược lại.

>>Kỳ 3: Phát triển bài bản, mắc ca sẽ có vị thế

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mắc ca đang... "mắc cạn" (kỳ 2): Nông dân mò mẫm với cây giống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO