Mắc ca Tuy Đức "tìm đường" sang châu Âu

Đức Hùng| 04/07/2022 10:15

HTX Nông nghiệp dịch vụ Long Việt, xã Quảng Trực (Tuy Đức) đã hình thành vùng nguyên liệu mắc ca quy mô lớn. Hiện nay, HTX đang đầu tư vào chế biến sâu các sản phẩm mắc ca và mở rộng thị trường tiêu thụ sang các nước châu Âu.

ADQuảng cáo

Xây dựng tên tuổi trên thị trường

Tháng 12/2019, HTX Nông nghiệp dịch vụ Long Việt được thành lập, với 15 thành viên. HTX đã liên kết các hộ sản xuất mắc ca trên địa bàn, hình thành vùng nguyên liệu hơn 100 ha, sản lượng khoảng 100 tấn/năm.

Khi có vùng nguyên liệu, HTX đã bắt tay vào các khâu chế biến, kết nối tiêu thụ sản phẩm mắc ca. HTX đã đầu tư máy tách vỏ xanh, máy chẻ hạt, máy sấy hạt mắc ca…

Sản phẩm sau chế biến được HTX gửi mẫu đi đánh giá, kiểm tra hàm lượng các chất, tỉ lệ dinh dưỡng. Qua những kết quả đánh giá, HTX đã tối ưu hóa quy trình chế biến, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Sản phẩm khi đã đạt chất lượng mong muốn, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, HTX đã xây dựng nhãn hiệu hàng hóa, gắn tem truy xuất nguồn gốc và bán ra thị trường.

Mắc ca cần được thu hoạch quả già để bảo đảm chất lượng

Thời gian qua, HTX đã liên tục đưa sản phẩm đi chào hàng, quảng bá tại các hội chợ, triển lãm, đầu mối tiêu thụ trong và ngoài tỉnh. Sản phẩm của HTX vì thế mà ngày càng có nhiều người biết đến.

Bà Nguyễn Thị Thùy Dung, Giám đốc HTX cho biết, mỗi tháng, HTX tiêu thụ khoảng 1 tấn mắc ca đã qua chế biến. Thị trường của HTX hiện nay chủ yếu là trong nước và Campuchia. 

HTX luôn hướng tới tối ưu hóa sản phẩm, đáp ứng yêu cầu tại các thị trường khó tính. Trước mắt, HTX đang đầu tư sản xuất khoảng 50 ha mắc ca theo tiêu chuẩn hữu cơ.

Với vùng nguyên liệu đầy tiềm năng, HTX vừa chế biến, vừa kết nối thị trường tiêu thụ. HTX đã gửi sản phẩm mẫu sang châu Âu để thăm dò, quảng bá, giới thiệu và được đánh giá cao.

ADQuảng cáo

Thậm chí, HTX đã nhận được đơn đặt hàng ngay từ thị trường châu Âu. Thế nhưng, HTX nhận thấy chưa đủ tiềm lực để xuất khẩu mắc ca sang châu Âu vào lúc này, nên chưa có giao kết.

Bà Dung chia sẻ: "HTX đã nhận được đơn hàng xuất khẩu mỗi tháng 1 container (khoảng 100 tấn) mắc ca sang châu Âu, nhưng đành từ chối vì chưa đáp ứng đủ hàng. HTX đang tìm kiếm đơn hàng ít hơn để xuất khẩu, bảo đảm khả năng, uy tín với đối tác".

Còn nhiều cơ hội phát triển mắc ca

Cũng theo bà Dung, hiện vẫn còn thực trạng người dân thu hoạch mắc ca khi quả còn non, dẫn đến khi đưa vào sơ chế, chế biến sản phẩm không bảo đảm chất lượng.

Việc thu hoạch như vậy đã gây ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng mắc ca. Trước hết là khiến việc liên kết tiêu thụ, xuất khẩu mắc ca gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các thị trường khó tính.

Mắc ca Tuy Đức đang rộng đường xuất khẩu sang châu Âu

Theo lãnh đạo UBND huyện Tuy Đức, địa phương đang có 1.380 ha mắc ca trồng xen và trồng thuần. Tuy Đức được đánh giá là vùng đất có nhiều thuận lợi để phát triển mắc ca theo quy mô xuất khẩu.

Ngoài ra, quỹ đất rừng của địa phương còn nhiều, phù hợp để huyện triển khai trồng mắc ca theo hình thức nông lâm kết hợp. Trồng mắc ca cũng được huyện xem là giải pháp để nâng cao hiệu quả kinh tế, tăng độ che phủ rừng.

Hiện nay, lượng cây mắc ca ở Tuy Đức bắt đầu cho thu hoạch ngày càng nhiều. Chính vì thế, sản lượng quả mắc ca hàng năm của huyện là rất lớn và rất cần thêm thị trường tiêu thụ.

Thời gian qua, HTX Nông nghiệp dịch vụ Long Việt đã tạo ra được sản phẩm mắc ca đáp ứng được yêu cầu thị trường. HTX cũng đang hướng tới mục tiêu xuất khẩu mắc ca sang châu Âu.

Đây là cơ hội, nhưng cũng là thách thức đối với mỗi hộ canh tác, mỗi tổ chức sản xuất mắc ca. Trong đó, quan trọng nhất là bà con phải tự nâng cao chất lượng sản xuất, thu hoạch, chế biến mắc ca...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mắc ca Tuy Đức "tìm đường" sang châu Âu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO