Mô hình sản xuất xen canh và những vấn đề đặt ra

Đức Hùng| 25/07/2019 10:24

Trên gần 3 ha đất, anh Nguyễn Văn Cương, trú tại thôn Đức Tân, xã Đức Mạnh (Đắk Mil) trồng hơn 2.300 cây cà phê, 500 cây bơ (có 100 cây đã cho thu hoạch), 60 cây sầu riêng. Do cà phê đang được tái canh nên vụ mùa vừa qua, anh chỉ thu được 2 tấn nhân, hơn 4 tấn bơ. Sắp tới, sầu riêng cho thu hoạch.

ADQuảng cáo

Anh Cương cho hay, gia đình không còn lo lắng về chuyện "giáp hạt", vì hầu như mùa nào cũng có thu nhập. Trong nhiều loại cây trong vườn, anh đặc biệt ưu tiên cây bơ. Vì hiện nay gia đình đã kết nối được "đầu ra" cho quả bơ và mức thu nhập từ cây bơ cũng khá cao.

Còn hộ bà Nguyễn Hải Anh, trú tại xã Đức Mạnh (Đắk Mil) cho biết, năm 2013, gia đình bà đã trồng hơn 100 cây bơ và 200 cây sầu riêng xen trong 3,5 ha cà phê. Hai năm qua, cho dù giá cà phê xuống thấp, nhưng cũng không ảnh hưởng nhiều đến kinh tế gia đình, bởi vì bơ và sầu riêng đều mang lại thu nhập khá.

Vườn sầu riêng xen canh trong cà phê của gia đình anh Trần Văn Huy, trú tại thôn Đức Phúc, xã Đức Mạnh (Đắk Mil)

Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Đắk Mil, hiện nay nông dân trên địa bàn huyện đang thực hiện nhiều mô hình xen canh, trong đó lấy cây cà phê, cây hồ tiêu làm cây chủ lực để trồng xen canh các loại cây ăn quả như bơ, ca cao, xoài, ổi... Mỗi gia đình đều trồng ít nhất từ 2 loại cây trở lên trong vườn. Loại cây được trồng xen nhiều nhất hiện nay là cây bơ. Hiện tại, trên địa bàn huyện Đắk Mil đang có gần 300 ha bơ, trong đó có khoảng 200 ha được trồng xen canh trong vườn cà phê. Mục tiêu của việc xen canh là nhằm giảm thiểu rủi ro, để phòng giá cả xuống thấp hoặc mất mùa.

Việc xen canh được xem là giải pháp hiệu quả, tạo nhiều nguồn thu cho người dân trên một diện tích đất. Tuy nhiên, theo đánh giá của một số cán bộ công tác trong các đơn vị quản lý nông nghiệp, cách sản xuất này cũng có những "mặt trái" cần phải xem xét.

ADQuảng cáo

Trước hết, khi xen canh, người dân thường trồng khá nhiều loại cây trên cùng một diện tích, nên không bảo đảm về mật độ và ảnh hưởng đến năng suất. Mỗi loại cây đều có cơ chế sinh học khác nhau, nhưng các hộ dân thường chăm sóc tập trung theo kiểu tưới nước, bón phân cùng lúc, nên năng suất giảm.

Mặt khác, thị trường đầu ra nông sản đang đòi hỏi cây trồng phải sản xuất theo quy trình, quy chuẩn thì việc trồng xen canh nhiều loại cây sẽ dẫn đến việc chăm sóc không thể thực hiện theo quy trình, quy chuẩn được. Ngoài ra, khi thực hiện xen canh, việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp sẽ gặp khó vì các vùng sản xuất không còn trạng thái chuyên canh.

Ông Doãn Gia Lộc, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Krông Nô lo ngại: "Hiện nay sản xuất nông nghiệp trên địa bàn đang phát triển theo hai hình thức chuyên canh và xen canh. Thực tế, xen canh nhiều loại cây trên cùng một đơn vị diện tích sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc thực hiện theo đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp và ứng dụng công nghệ cao. Đây thực sự là một vấn đề mà ngành nông nghiệp trên địa bàn đang phải phân tích, tính toán, cân nhắc để xử lý sao cho phù hợp với điều kiện chung".

Theo ông Trần Văn Đức, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đắk Nông, hiện nay hầu như các sản phẩm nông nghiệp đều phải thực hiện truy xuất nguồn gốc. Do đó, tất cả các sản phẩm nông nghiệp đều phải được sản xuất theo quy trình quy chuẩn và đạt các tiêu chuẩn chung mới được chấp nhận trên thị trường. Như thế, việc sản xuất xen canh sẽ gặp trở ngại khi được thực hiện theo quy trình và sản phẩm cũng khó đủ điều kiện để đạt các chuẩn sản xuất. "Tóm lại, nông nghiệp đang sản xuất theo hướng hàng hóa, vùng nguyên liệu tập trung và theo quy trình đề đạt các tiêu chuẩn trong sản xuất, kết nối thị trường. Do đó, với cách xen canh sẽ khiến việc kết nối thị trường và "đầu ra" của sản phẩm gặp khó khăn", ông Đức chia sẻ.

Còn theo ông Nguyễn Thiện Chân, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Phát triển nông nghiệp tỉnh, việc xen canh giúp nông dân phát triển kinh tế ổn định, khai thác thêm nguồn thu. Tuy nhiên, theo Đề án tái cơ cấu nông nghiệp cũng như mục tiêu ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp thì mô hình xen canh lại chưa phù hợp. Do đó, ngành nông nghiệp cũng như cơ quan chức năng cần sớm có những định hướng phù hợp để giúp người dân sớm định hình mục tiêu lựa chọn mô hình sản xuất.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mô hình sản xuất xen canh và những vấn đề đặt ra
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO