Mô hình xen canh và liên kết sản xuất ở Lâm Đồng: Giữ ổn định thu nhập cho người trồng cà phê

Bình Minh (t.h)| 03/07/2019 08:59

Do giá cà phê liên tục lao dốc nên người trồng cà phê tại Lâm Đồng đang gặp không ít khó khăn. Mô hình xen canh và liên kết sản xuất là giải pháp hiệu quả, góp phần nâng cao chất lượng, sản lượng và giữ ổn định thu nhập cho người trồng cà phê.

ADQuảng cáo

Mô hình xen canh bơ với cà phê của ông Đoàn Văn Điểu ở thôn 14, xã Hòa Ninh, huyện Di Linh (Lâm Đồng) mang lại hiệu quả kinh tế cao

Cách đây 4 năm, khi thấy cà phê xuống giá, gia đình anh Nguyễn Văn Dậu ở xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm không chặt bỏ cà phê mà chỉ tỉa thưa, sau đó trồng xen bơ ghép giống 034. Vụ vừa qua, gia đình anh thu được 5 tấn cà phê và 12 tấn bơ. Với giá bán khoảng 40.000 đồng/kg, tiền bán bơ không chỉ giúp gia đình anh bù lỗ cho cà phê mà còn nâng cao thu nhập.

Khu vườn rộng 2 ha trồng hồng xen với cà phê của gia đình chị Nguyễn Thị Mỹ Nhân ở xã Xuân Trường, TP. Đà Lạt cũng đưa lại hiệu quả kinh tế khá cao. Cà phê phát triển rất tốt, lá xanh, to bản, sai quả, ít bị nấm bệnh, cây hồng dù ít chăm sóc nhưng vì được hưởng nguồn dinh dưỡng từ phân, nước bón cho cà phê nên cũng xanh tươi, trĩu quả.

Theo chị Nhân, khu vườn này mỗi năm cho thu hoạch khoảng 15 tấn cà phê và 10 tấn hồng tươi. Vì hồng bán được giá, khoảng 3.000 đồng/kg nên cho thu nhập rất đáng kể. Bên cạnh đó, cà phê đạt chất lượng tốt nên cũng bán được giá cao, khoảng 10.000 đồng/kg quả tươi, trong khi nhiều hộ chỉ bán được 6.000 đồng/kg.

Xen canh trong sản xuất cà phê là giải pháp hiệu quả, được các chuyên gia nông nghiệp khuyến khích. Cà phê là loài cây thích hợp ánh sáng tán xạ. Khi trồng xen các loại cây khác như bơ, sầu riêng, hồng… với cà phê sẽ giảm cường độ ánh sáng, chắn gió, hạn chế tình trạng thoát hơi nước, giúp cà phê tăng năng suất, chất lượng.

ADQuảng cáo

Sản xuất, tiêu thụ cà phê tại Lâm Đồng hiện gặp nhiều khó khăn và thiếu tính bền vững. Nguyên nhân do kỹ thuật canh tác chưa hợp lý, lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, quy trình sơ chế chưa bảo đảm, đầu ra không ổn định… Để khắc phục tình trạng này, thời gian qua, nhiều mô hình liên kết sản xuất dưới hình thức tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX) đã ra đời, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm và giảm rủi ro cho người trồng cà phê.

Theo đại diện của VnSAT, thời gian qua, đơn vị này đã tư vấn, hỗ trợ xây dựng, củng cố 27 tổ hợp tác và HTX sản xuất cà phê. Bên cạnh đó, hàng chục tổ hợp tác, HTX sản xuất cà phê do người dân tự nguyện thành lập, tham gia đang hoạt động hiệu quả. Việc xen canh và liên kết sản xuất là "chìa khóa" hữu hiệu góp phần giảm rủi ro cho người nông dân; đồng thời tổ chức sản xuất theo hướng bền vững, thân thiện môi trường, nâng cao sản lượng, chất lượng và giá trị cho loại cây trồng chủ lực tại tỉnh Lâm Đồng.

Tại tỉnh Lâm Đồng, từ năm 2012, Sở Nông nghiệp-PTNT đã ban hành quyết định về quy trình canh tác một số loại cây trồng xen cây công nghiệp trên địa bàn. Toàn tỉnh hiện có diện tích cà phê trồng xen là 20.858 ha, chiếm gần 13% tổng diện tích. Trong đó, xen cây bơ là 3.822 ha; xen sầu riêng 6.655 ha; mắc ca 2.402 ha; xen cây hồng 1.924 ha và xen cây khác là 6.054 ha.

Theo khảo sát của Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững Việt Nam tại Lâm Đồng (VnSAT), doanh thu từ mô hình độc canh cà phê chỉ ở mức 120-130 triệu đồng/ha/năm. Còn doanh thu từ mô hình trồng xen đạt hiệu quả cao hơn nhiều. Cụ thể, hiệu quả trồng xen cà phê với bơ đạt 329 triệu đồng, cà phê với mắc ca đạt 478 triệu đồng, cà phê với hồ tiêu 410 triệu đồng, cà phê với sầu riêng 251,6 triệu đồng.

Theo ông Lê Quốc Doanh, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp-PTNT thì việc trồng xen đã đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp cho các địa phương, tạo thêm công ăn việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, hạn chế được những rủi ro về giá cả và biến động của thị trường. Ngoài ra, trồng xen còn có tác dụng làm cây che bóng, chắn gió cho cà phê, hạn chế bốc hơi nước, giữ ẩm cho cà phê phát triển bền vững trong điều kiện biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, việc trồng xen cũng còn những khó khăn, như chưa có nghiên cứu đồng bộ về quy mô, quy trình trồng xen canh trong vườn cà phê cho từng loại cây. Việc trồng xen cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm trong vườn cà phê còn thiếu sự gắn kết với doanh nghiệp về đầu ra cho sản phẩm... Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả trồng xen, người dân cần xác định lại cơ cấu cây công nghiệp, cây ăn quả trồng xen với cà phê; chú trọng nguồn nước tưới cho vùng trồng xen, ít tạo tranh chấp nguồn nước đối với cây cà phê, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu; tăng cường công tác khảo nghiệm, bình tuyển, công nhận cây đầu dòng, vườn đầu dòng cây trồng xen cà phê. Ngoài ra, người dân cần có biện pháp quản lý chất lượng giống cây trồng xen ngay từ đầu; xây dựng và phát triển các vùng trồng cà phê có xen cây công nghiệp, cây ăn quả lâu năm theo hướng sản xuất an toàn, tiến tới cấp chứng nhận chất lượng, cấp mã số vùng để truy xuất nguồn gốc, đáp ứng yêu cầu tiêu thụ nội địa và xuất khẩu.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mô hình xen canh và liên kết sản xuất ở Lâm Đồng: Giữ ổn định thu nhập cho người trồng cà phê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO