Mở rộng dòng vốn tín dụng cho tam nông

Nguyễn Lương| 25/03/2019 13:53

Thời gian qua, với nhiều gói tín dụng ưu tiên, các chương trình hỗ trợ về lãi suất, “dòng vốn” từ các tổ chức tín dụng vẫn tiếp tục “chảy” vào lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn (tam nông), góp phần thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực này nói riêng và nền kinh tế của tỉnh nói chung.

ADQuảng cáo

Tính đến hết tháng 2/2019, tổng dư nợ mà ngành ngân hàng cho vay đối với nền kinh tế trên địa bàn là hơn 26.000 tỷ đồng. Trong đó, riêng dư nợ cho vay đối với lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn là gần 22.000 tỷ đồng, chiếm trên 84% tổng dư nợ.

Nhờ nguồn vốn vay từ ngân hàng thương mại, Công ty TNHH Công nghiệp thực phẩm Tất Thắng đã đầu tư hệ thống bắn màu đa sắc phục vụ cho quá trình sản xuất

“Tiếp sức” cho nhiều dự án

Là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu các mặt hàng nông sản, năm 2017, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Trang Thịnh Vinh, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp) được Ngân hàng Nông nghiệp-PTNT Chi nhánh Đắk Nông cho vay hơn 20 tỷ đồng. Với nguồn vốn này, đơn vị có thêm nguồn tài chính để mở rộng quy mô sản xuất, cũng như nâng cao lượng hàng hóa xuất khẩu. Chia sẻ về vai trò hỗ trợ doanh nghiệp trong phát triển sản xuất, kinh doanh, ông Trương Công Toàn, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Trang Thịnh Vinh cho hay: “Với sự đồng hành của Ngân hàng Nông nghiệp-PTNT Chi nhánh Đắk Nông trong nhiều năm liền, từ chỗ chỉ xuất khẩu ở một thị trường, đến nay, chúng tôi đã mở rộng sang nhiều thị trường khác, với doanh thu cao hơn nhiều. Cùng với sản xuất, kinh doanh thuận lợi, doanh nghiệp đã tạo việc làm thường xuyên cho nhiều lao động địa phương có thu nhập ổn định, nhất là lao động người đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần bảo đảm công tác an sinh, xã hội trên địa bàn”.

Cán bộ Ngân hàng Nông nghiệp-PTNT Chi nhánh Đắk Nông kiểm tra quá trình sử dụng vốn vay tại Trang trại Hiệp Thành (Gia Nghĩa)

Tương tự, cũng nhờ triển khai cho vay kịp thời của Ngân hàng Nông nghiệp-PTNT Chi nhánh Đắk Nông, Công ty TNHH Công nghiệp Thực phẩm Tất Thắng (Cư Jút) đã mạnh dạn đầu tư công nghệ để hạ giá thành sản phẩm và giảm chi phí nhân công trong quá trình sản xuất.

ADQuảng cáo

Ông Nguyễn Tất Thắng, Giám đốc  Công ty TNHH Công nghiệp Thực phẩm Tất Thắng cho biết: Để có một sản phẩm đậu phụng, đậu nành cuối cùng bảo đảm tiêu chí xuất khẩu, trước đây, đơn vị phải thuê từ 300 đến 400 công nhân/ngày để phân loại theo hình thức thủ công. Có những thời điểm số lượng đơn hàng tăng, vì gặp khó trong vấn đề thuê nhân công nên công ty không dám nhận lời đối tác. Cuối năm 2016, sau khi được ngân hàng giải ngân vốn, công ty đã đầu tư dây chuyền bắn màu đa sắc công nghệ mới, trị giá hơn 5 tỷ đồng. Với công suất thiết kế phân loại sản phẩm lên đến 10.000 tấn/ngày, khi đưa vào sử dụng, hệ thống này đã thay thế cho khoảng 3.000 lao động thủ công. Không những thay thế số lượng lớn lao động, giúp doanh nghiệp giảm chi phí, mà các sản phẩm được xử lý qua hệ thống này, sự đồng đều về chủng loại, màu sắc của sản phẩm cũng được nâng lên. Với công suất thiết kế lớn, nên doanh nghiệp sẵn sàng ký kết được nhiều hợp đồng với đối tác, từ đó, hiệu quả kinh doanh được cải thiện nhiều. Hiện tại, mỗi năm, riêng về mặt hàng đậu nành, đậu phụng, doanh nghiệp cung ứng ra thị trường trên 12.000 tấn, mang về doanh thu hàng chục tỷ đồng cho đơn vị.

Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu Trang Thịnh Vinh đã chủ động được nguồn tài chính để mở rộng thị trường khi được sự đồng hành của Ngân hàng Nông nghiệp-PTNT Chi nhánh Đắk Nông trong nhiều năm liền

Khơi thông dòng vốn cho vay

Là một trong những đơn vị tiên phong cho vay trong lĩnh vực này, thời gian qua, Ngân hàng Nông nghiệp-PTNT Chi nhánh Đắk Nông đã không ngừng ưu tiên cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. Đến nay, trong tổng dư nợ hơn 8.800 tỷ đồng, riêng cho vay nông nghiệp, nông thôn tại đơn vị là hơn 7.690 tỷ đồng.

Ông Phan Công Quế, Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp-PTNT, Chi nhánh Đắk Nông cho biết, hằng năm, Hội sở tỉnh đã phân giao chỉ tiêu kế hoạch dư nợ cho vay đối với khách hàng pháp nhân để các đơn vị trực thuộc thực hiện. Trên cơ sở này, yêu cầu giám đốc các đơn vị trực thuộc thực hiện phân giao chỉ tiêu dư nợ pháp nhân cụ thể cho từng cán bộ tín dụng. Việc chủ động tìm kiếm và thu hút khách hàng, nhất là khách hàng khối doanh nghiệp cũng được Ban giám đốc Chi nhánh thường xuyên chỉ đạo tại các cuộc họp giao ban hằng tháng. Chi nhánh cũng không ngừng đẩy mạnh tìm kiếm khách hàng, đẩy mạnh mảng dịch vụ thẻ tín dụng, với nhiều sản phẩm mới được ra mắt, mở rộng kênh phân phối. Nhiều chương trình ưu đãi, chăm sóc khách hàng cũng nhận được mức đầu tư lớn, theo hướng tăng cường ứng dụng công nghệ, cải tiến dịch vụ, mở rộng mạng lưới để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của khách hàng trong quá trình giao dịch.

Theo ông Nguyễn Hồ Hữu, Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, không chỉ có Ngân hàng Nông nghiệp-PTNT Chi nhánh Đắk Nông, mà hiện nay, nhiều tổ chức tín dụng khác trên địa bàn như Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Chi nhánh Đắk Nông, Chi nhánh Ngân hàng Liên Việt Postbank cũng khá ưu tiên nguồn vốn cho lĩnh vực nông nghiệp. Để “tiếp sức” cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, hằng năm, đơn vị đã chỉ đạo các ngân hàng tiếp tục ưu tiên vốn cho lĩnh vực này. Các tổ chức tín dụng đã không ngừng tìm kiếm khách hàng, đưa ra nhiều gói lãi suất ưu đãi để tăng trưởng tín dụng.

“Tuy nhiên, để mở rộng dòng vốn tín dụng “tam nông”, ngoài ngành ngân hàng, việc cần thiết phải đẩy mạnh sự liên kết giữa ngân hàng, doanh nghiệp thu mua chế biến, người trồng nguyên liệu và người cung cấp vật tư, giống. Công việc trước mắt, các cấp, ngành cần khắc phục “nút thắt” trong lĩnh vực này đó là tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận trang trại…, nhằm tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp, người dân tiếp cận nguồn vốn nhanh nhất”, ông Hữu chia sẻ thêm.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mở rộng dòng vốn tín dụng cho tam nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO