Mùa mưa, rủ nhau đi hái măng rừng

Hoàng Thanh| 04/09/2018 10:22

Hàng năm cứ vào mùa mưa, tại các cánh rừng ở huyện Đắk Glong, các loại măng rừng mọc lên rất nhiều. Đây cũng là thời điểm người dân trên địa bàn huyện lại rủ nhau đi hái măng rừng, có thêm nguồn thu nhập, cải thiện cuộc sống.

ADQuảng cáo

Cả thôn đi hái măng

Thời điểm này, đi trên quốc lộ 28, mọi người dễ dàng bắt gặp từng đoàn người già có, trẻ có vào rừng hái măng. Chiều muộn, dưới chân đèo Quảng Khê, chúng tôi gặp một nhóm người vừa gùi măng tươi từ rừng ra.

Con gái ông Giàng A Chín phân loại măng rừng để bán

Ông Giàng A Chín, dân tộc Mông ở thôn 5, xã Đắk P’lao-người lớn tuổi nhất trong nhóm cho biết, từ nhiều năm nay, cứ đến mùa măng là cả gia đình vào rừng hái măng. Sáng nào cũng vậy, sau bữa ăn sáng, đem theo cơm trưa là cả nhà ông 5 người tất tả vào rừng hái măng, mỗi ngày cũng được xấp xỉ 2 tạ măng tươi. Ở thời điểm hiện tại, 1 kg măng tươi bán cho thương lái có giá 6.000 đồng, tính ra, mỗi ngày gia đình ông có thu nhập trên 1 triệu đồng.

Cũng theo ông Chín, những năm trước còn ít người tham gia nên việc hái măng còn dễ dàng. Tuy nhiên, hiện nay ở xã có rất nhiều người đi hái măng, thậm chí thôn 5 đến mùa mưa hầu như nhà nào cũng vào rừng hái măng. Vì vậy, việc hái măng càng ngày càng vất vả hơn, muốn hái được nhiều, bố con ông lại phải đi xa hơn, có khi phải xa nhà tới hơn 20 km.

ADQuảng cáo

Chị Vàng Thị Sua cũng ở thôn 5, xã Đắk P’lao tâm sự: “Ngày nào vợ chồng tôi cũng vào rừng hái măng để kiếm thêm thu nhập, do sức khỏe yếu nên chỉ hái được khoảng 70-80 kg mỗi ngày. Tuy nhiên, đối với gia đình tôi đây là một nguồn thu khá, có tiền trang trải cuộc sống hàng ngày và mua sắm quần áo, sách vở cho các con vào năm học”.

Thành quả sau 1 ngày hái măng rừng của gia đình chị Vàng Thị Sua

Bà con có ý thức giữ gìn

Theo Hạt Kiểm lâm huyện Đắk Glong, Đắk Glong là một trong những địa bàn có nhiều cây họ tre trúc, nhất là lồ ô và le. Đây là lâm sản phụ được phép thu hoạch, nên người dân được hái tự do, nhưng hiện nay nguồn tài nguyên này cũng đang ngày một ít đi. Để bảo vệ tài nguyên rừng, trong đó có măng rừng, những năm qua, ngành kiểm lâm thường xuyên phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân.

Đáng mừng là hầu hết bà con đều có ý thức tốt, thậm chí còn là “tai mắt” cho lực lượng chức năng về quản lý, bảo vệ rừng. Đặc biệt, trong quá trình hái măng, bà con không chặt cây le già và luôn chừa lại một ít búp non để le sinh sôi, phát triển, tạo nguồn lợi về lâu dài.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mùa mưa, rủ nhau đi hái măng rừng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO