Năm 2018 đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát, giữ CPI bình quân dưới 4%

TTXVN| 28/12/2018 08:59

Năm 2018 được coi là thành công trong việc kiểm soát lạm phát với CPI bình quân năm tăng 3,54% so với năm trước đó và tăng 2,98% so với tháng 12 năm ngoái.

ADQuảng cáo

Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm nhấn mạnh như vậy tại cuộc họp báo công bố tình hình kinh tế-xã hội năm 2018 của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tổ chức chiều ngày 27/12, tại Hà Nội.

Như vậy, mục tiêu kiểm soát lạm phát, giữ CPI bình quân năm nay dưới 4% đã đạt được trong bối cảnh điều chỉnh được gần hết giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý đặt ra trong năm nay.

Năm 2018 được coi là thành công trong việc kiểm soát lạm phát. Ảnh minh họa

Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cho biết, thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 1/1/2018 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018; trong đó, tốc độ tăng giá tiêu dùng bình quân năm 2018 đặt ra dưới 4%.

Theo đó, các ngành, các cấp đã tích cực triển khai thực hiện như ngành công thương phối hợp với các ngành liên quan chỉ đạo các doanh nghiệp thương mại dự trữ hàng hóa, tham gia bình ổn thị trường phục vụ Tết Nguyên đán nên không xảy ra hiện tượng tăng giá đột biến vào dịp Tết.

Bộ Tài chính tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường, tổ chức các đoàn công tác liên ngành kiểm tra tình hình triển khai thực hiện quản lý bình ổn giá tại một số địa phương.

Về quản lý giá xăng dầu, Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Công Thương điều hành kinh doanh xăng dầu phù hợp tình hình thị trường thế giới và trong nước góp phần thực hiện mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ kiên định mục tiêu giữ ổn định vĩ mô. Trong năm 2018, Cục Dự trữ liên bang Mỹ đã tăng lãi suất bốn lần vào tháng Ba, tháng Sáu, tháng Chín và tháng 12 năm nay khiến đồng USD mạnh lên so với các đồng tiền khác, đồng nhân dân tệ mất giá khoảng 5,34% so với đồng USD, tỷ giá VND/USD cũng biến động theo xu hướng tăng.

Tuy nhiên, với phương thức điều hành tỷ giá theo cơ chế tỷ giá trung tâm với 8 đồng tiền chủ chốt, nên giá đồng USD trong nước vẫn dao động trong biên độ 3%.

ADQuảng cáo

Giá vàng trong nước biến động cùng xu hướng với giá vàng thế giới, nhu cầu vàng trong nước tăng cao vào dịp Tết Nguyên đán, ngày Thần Tài nhưng không có tình trạng “sốt vàng” gây bất ổn kinh tế-xã hội.

Tổng cục Thống kê cho biết, lạm phát cơ bản (CPI sau khi loại trừ lương thực, thực phẩm tươi sống; năng lượng và mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) tháng 12 năm 2018 tăng 0,09% so với tháng trước, tăng 1,7% so với cùng kỳ; năm 2018 so năm 2017 tăng 1,48%.

Năm 2018, lạm phát chung có mức tăng cao hơn lạm phát cơ bản, điều này phản ánh biến động giá chủ yếu từ việc tăng giá lương thực, thực phẩm, giá xăng dầu và yếu tố điều hành giá cả qua việc điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế và giáo dục.

Mức tăng lạm phát cơ bản trong năm 2018 so với cùng kỳ có biên độ dao động trong khoảng từ 1,18% đến 1,72%, lạm phát cơ bản bình quân năm tăng 1,48% thấp hơn mức kế hoạch 1,6%, cho thấy chính sách tiền tệ vẫn đang được điều hành ổn định.

Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019 đã được Quốc hội thông qua; trong đó, đề ra mục tiêu kiểm soát lạm phát khoảng 4%.

Theo Nghị quyết, mục tiêu tổng quát của năm 2019 vẫn đặt lên hàng đầu yêu cầu tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.

Cũng theo Tổng cục trưởng Nguyễn Bích Lâm cho biết, GDP cả năm 2018 tăng 7,08% và là mức tăng cao nhất trong 11 năm trở lại đây.

Mức tăng trưởng năm nay vượt mục tiêu 6,7% đặt ra là kết quả sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nỗ lực của các cấp, các ngành, địa phương, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước.

Trong mức tăng trưởng của toàn nền kinh tế năm 2018, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,76%, đóng góp 8,7% vào mức tăng trưởng chung. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,85%, đóng góp 48,6%. Khu vực dịch vụ tăng 7,03%, đóng góp 42,7%.

Quy mô nền kinh tế ngày càng được mở rộng nhờ duy trì tốc độ tăng trưởng khá. GDP theo giá hiện hành năm 2018 đạt 5.535,3 nghìn tỷ đồng, gấp 2 lần quy mô GDP năm 2011. GDP bình quân đầu người năm 2018 ước tính đạt 58,5 triệu đồng, tương đương 2.587 USD, tăng 198 USD so với năm 2017.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Năm 2018 đạt mục tiêu kiểm soát lạm phát, giữ CPI bình quân dưới 4%
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO