Nâng cao chất lượng cà phê: Bắt đầu từ khâu giống

Bài, ảnh: Hồng Thoan| 26/11/2018 10:46

Những năm qua, bằng các chương trình, dự án khác nhau, ngành chức năng, các địa phương đã có nhiều giải pháp giúp nông dân nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cà phê Đắk Nông bằng việc tập trung nâng cao chất lượng ngay từ khâu giống.

ADQuảng cáo

Nếu như trước đây, ông cha ta xếp vai trò của giống ở tốp cuối bằng câu "nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống" thì trong sản xuất nông nghiệp hiện đại, cây giống nói chung, giống cà phê nói riêng được đưa lên tầm quan trọng hàng đầu quyết định năng suất, chất lượng cây trồng.

Nhiều nguy cơ từ khâu giống

Ông Nguyễn Phiếu, tổ dân phố 1, phường Nghĩa Trung thị xã Gia Nghĩa hiện có gần 2 ha cà phê được trồng cách đây khoảng 10 năm. Hàng năm, vườn cây luôn bị rệp, mọt đục quả, mọt đục cành, rỉ sắt... gây hại ảnh hưởng đến năng suất. Chính vì thế, mỗi năm ông đào bỏ khoảng 50-70 cây cà phê già cỗi, nhiễm bệnh để tiến hành trồng mới. Tuy nhiên, do chất lượng cây giống không tốt nên cùng một lứa, nhiều cây phát triển khỏe mạnh  nhưng cũng không ít cây còi cọc, thậm chí nhiều cây chết khô phải nhổ bỏ.

Ông Phiếu cho biết: “Cây giống tôi mua ở một cơ sở kinh doanh trên địa bàn, chất lượng được chủ vườn giống cam kết bằng miệng là rất tốt nhưng khi trồng thấy không ăn thua”.

Ông Nguyễn Phiếu, tổ dân phố 1, phường Nghĩa Trung, Gia Nghĩa phải nhổ bỏ cây giống cà phê tái canh sau 2 tháng trồng do nguồn giống kém chất lượng

Không chỉ ở Gia Nghĩa, chất lượng cây giống cà phê phần nhiều không bảo đảm là thực trạng chung toàn tỉnh từ nhiều năm nay.

Theo ông Trần Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Khê (Đắk Glong) thì những năm qua, nông dân trên địa bàn đã đẩy mạnh chương trình tái canh cà phê nhưng bà con cũng gặp không ít rủi ro do chất lượng cây giống kém. Nguyên nhân là do bà con chủ yếu mua cây giống trôi nổi, số mua nguồn giống từ các vườn ươm đạt chuẩn, từ các viện nghiên cứu còn rất ít. Toàn xã Quảng Khê có khoảng 5 vườn ươm của các hộ dân lấy hạt giống từ nhiều nơi về sản xuất, mua giống về bán lại. Những năm qua, các chủ cơ sở này cũng đã được tuyên truyền, tập huấn về kinh doanh cây giống nhưng thực tế theo dõi, chất lượng cây giống chưa bảo đảm. Chính vì thế, nhiều vườn cây tái canh trên địa bàn dễ bị các bệnh như nấm thối rễ, rỉ sắt.

Liên quan đến vấn đề cây giống cà phê, ông Nguyễn Thiện Chân, Phó chi cục Trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở Nông nghiệp - PTNT) thừa nhận tiềm ẩn nhiều nguy cơ rủi ro về dịch bệnh, kém năng suất, chất lượng. Những cuộc kiểm tra gần đây của ngành chức năng cho thấy, nhiều vườn ươm, điểm kinh doanh cây giống trên địa bàn tỉnh để xảy ra các vi phạm như kinh doanh không có giấy phép, chất lượng cây giống không bảo đảm.

Cụ thể, trong năm 2017, toàn tỉnh có 177 cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống cây trồng, trong đó có cà phê nhưng qua kiểm tra chỉ có 29 cơ sở sản xuất, kinh doanh lâu dài nhưng chỉ có 9 cơ sở có đăng kí sản xuất, kinh doanh giống, còn lại là kinh doanh thời vụ hoặc tự phát, chưa có giấy phép. Nguồn gốc cây giống ở các cơ sở này phần lớn được nhập từ  Viện KHKT NLN Tây Nguyên, Bến Tre, Lâm Đồng và cả cây giống tự ươm. Đối với các cơ sở kinh doanh cây giống thời vụ phần lớn không đăng kí kinh doanh, sản xuất giống, không chứng minh được nguồn gốc cây giống hợp quy, hợp chuẩn. Chính vì thế, khi số lượng sản phẩm từ các cơ sở này được bán cho nhân dân sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro về dịch bệnh, năng suất, chất lượng kém.

Những kết quả bước đầu

Đắk R’lấp là một trong những địa phương được ngành Nông nghiệp đánh giá có sự tiên phong trong việc đưa giống cà phê mới vào thay thế các giống cũ để từng bước nâng cao năng suất, chất lượng ngành hàng cà phê trên địa bàn. Theo Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Đắk R'lấp, thời gian qua, với nhiều hình thức như tái canh theo chương trình, đề án, vận động nhân dân tái canh, hiện diện tích cà phê được trồng bằng giống mới trên địa bàn đã chiếm khoảng 80% trên tổng diện tích hơn 19.000 ha cà phê của các xã, thị trấn.

Gia đình anh Hà Văn Biển, thôn Tân Tiến, xã Đắk Ru (Đắk R’lấp) hiện có 2 ha cà phê với năng suất tương đối cao. Theo anh Biển hiện gia đình anh đã trồng giống mới thay thế những giống cũ khoảng 1 ha và đang tiếp tục trồng thay thế hết diện tích còn lại. So sánh với giống cũ, giống mới có những ưu điểm như cây khỏe, kháng bệnh, chống chọi khô hạn tốt. Cùng với giống, anh đã áp dụng quy trình chăm sóc khoa học, bón phân cân đối nên cây phát triển nhanh, cho năng suất cao.

ADQuảng cáo

Anh Biển nhấn mạnh: “Đối với cà phê, giống là yếu tố quan trọng hàng đầu. Giống cà phê cao sản mà tôi trồng có thể đạt mức 4-5 tấn/ha nếu thời tiết thuận lợi. Hơn thế, nó còn tránh được tình trạng mà hầu như nông dân nào cũng gặp đó là năm được mùa, năm mất mùa do cây bị mất sức vụ trước”.

Cũng tại Đắk R’lấp, anh Phạm Xuân Khương, thôn 14, xã Đắk Wer có 2,5 ha cà phê. Những năm trước, vườn cây trồng bằng các giống cũ nên quả nhỏ, năng suất không cao. Năm 2013, sau khi nhổ bỏ, xử lý đất, đào hố, anh thực hiện trồng lại vườn cà phê bằng giống mới. Anh chọn  những giống cà phê ghép mới do Viện KHKTNLN Tây Nguyên nghiên cứu và chọn tạo nên bước sang năm thứ 3, vườn cây đã cho thu bói. Đến nay năng suất trung bình mỗi ha đạt ổn định từ 5-6 tấn.

Cùng với Đắk R’lấp, nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh cũng đã bước đầu đưa các giống cà phê mới, đạt năng suất cao vào trồng thay thế diện tích cà phê già cỗi như: Đắk Mil, Đắk Song, Gia Nghĩa. Đơn cử, vụ cà phê năm 2018 của gia đình ông Ngô Văn Điểu, thôn Nghĩa Hòa, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) đạt năng suất hơn 4 tấn/ha nhờ đưa giống mới vào trồng. Năng suất khá cao, ổn định qua nhiều năm nên gia đình rất phấn khởi khi bước vào thu hái.

Theo ông Điểu, có thể khẳng định giống là yếu tố quyết định đến việc vườn cây của ông sinh trưởng, phát  triển tốt. So sánh với những giống khác mà ông trồng trước đây thì năng suất cao hơn từ 1 đến 1,5  tấn/ha. Ông Điểu cho biết: "Giống cà phê vối đã được gia đình trồng khoảng 5 năm trước, có những ưu điểm như cây kháng bệnh hiệu quả, tỷ lệ cây bị rỉ sắt rất thấp, kích thước quả, nhân lớn. Cành cho quả dài và khỏe, quả chín đồng đều nên rất thuận lợi cho thu hoạch".

Vườn cà phê của ông Ngô Văn Điểu, thôn Nghĩa Hòa, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa) đạt năng suất hơn 4 tấn/ha

Tập trung xây dựng vườn ươm đạt chuẩn

Theo Sở Nông nghiệp - PTNT, nhằm khắc phục những "lỗ hổng" trong vấn đề giống, những năm gần đây, ngành chức năng, các địa phương đang tích cực hỗ trợ, hướng dẫn các cơ sở xây dựng các vườn ươm, cây giống cà phê đầu dòng đạt chuẩn.

Theo đó, đến nay, tỉnh đã công nhận cây giống cà phê đầu dòng đối với cà phê dây của hộ bà Trần Thị Kim Mỹ ở xã Thuận An (Đắk Mil). Theo kết quả nghiên cứu, khảo sát của cơ quan chuyên môn, vườn cà phê dây của bà Mỹ đã trồng được trên 20 năm. Cà phê dây có nhiều ưu điểm như: Năng suất cao, trung bình đạt 6 đến 8 tấn nhân/ha, chống chọi sâu bệnh tốt, có khả năng chịu hạn trong thời gian dài, nhân to, chậm thoái hóa.

Tỉnh cũng đang triển khai Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững đối với cây cà phê (Vn Sat). Toàn tỉnh đã có 5 vườn ươm đạt tiêu chuẩn của các hộ dân tại thị xã Gia Nghĩa, Đắk R’lấp, Đắk Mil. Các vườn ươm này có tổng diện tích 19.000 m2, có thể cung cấp số cây giống thực sinh, ghép khoảng 950.000 cây/năm, tương đương diện tích phục vụ tái canh khoảng 800 ha.

Vườn ươm Trần Bính, phường Nghĩa Phú, Gia Nghĩa cung ứng ra thị trường khoảng 300.000 cây giống cà phê đạt chuẩn mỗi năm

Theo ông Trần Văn Bính, tổ dân phố 7, phường Nghĩa Phú (Gia Nghĩa) thì năm 2017 gia đình ông đã được Dự án Vn Sat hỗ trợ vườn ươm nâng cấp hệ thống giàn lưới, tưới tiết kiệm, nâng cao chất lượng cây giống cà phê đạt tiêu chuẩn. Hiện nay, mỗi năm, vườn ươm có thể cung cấp cho thị trường khoảng 300.000 giống cây cà phê đạt chất lượng cao.

Cùng với đó, đơn vị chuyên môn cũng đã tăng cường kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh cây giống nhằm kịp thời phát hiện những vi phạm. Nhiều trường hợp sản xuất cây giống không bảo đảm cũng đã bị xử phạt vi phạm hành chính, góp phần lập lại trật tự trong vấn đề sản xuất, kinh doanh giống cà phê.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp - PTNT, đến cuối năm 2018, toàn tỉnh đã tái canh được hơn 11.700 ha cà phê bằng hai hình thức trồng mới và ghép cải tạo. Diện tích tái canh đều được chủ hộ, hợp tác xã, doanh nghiệp sử dụng các giống mới, năng suất, chất lượng cao như TR4, TR9, TS1.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao chất lượng cà phê: Bắt đầu từ khâu giống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO