Nâng cao chất lượng nông sản xuất khẩu: Xu thế tất yếu trong thời hội nhập

Đức Diệu| 30/04/2017 08:16

Nâng cao chất lượng nông sản nói chung, nông sản xuất khẩu nói riêng đang là một yêu cầu tất yếu nhằm mở rộng thị trường xuất khẩu thời kỳ hội nhập. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế cũng như kết quả đạt được, xuất khẩu nông sản Đắk Nông hiện vẫn đang đứng trước những thách thức do chưa đáp ứng đủ các yếu tố để vượt qua “hàng rào kỹ thuật” của thị trường quốc tế.

ADQuảng cáo

Làm sạch cà phê nhân để xuất khẩu. Ảnh tư liệu

Tăng nhưng chưa sâu

Theo số liệu thống kê, hiện trên địa bàn tỉnh có 25 doanh nghiệp chế biến nông sản, trong đó tập trung vào các lĩnh vực chế biến cà phê, cao su, hạt điều, hồ tiêu, tinh bột sắn, cồn tinh luyện. Nhìn chung sản phẩm chế biến hàng năm đều tăng về lượng và chất.

Để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường, thời gian qua, một số doanh nghiệp đã tiên phong trong việc đầu tư công nghệ và thiết bị hiện đại để chế biến ra các sản phẩm chất lượng cao, có khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Từ đây, hoạt động chế biến nông sản đã góp phần làm thay đổi cơ cấu hàng hóa, tăng kim ngạch xuất khẩu và chuyển dịch cơ cấu giá trị sản phẩm ngành công nghiệp trên địa bàn tỉnh. Trong đó kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng nông sản chiếm trên 90%.

Thống kê cho thấy, trong giai đoạn 2004-2016, tổng kim ngạch xuất khẩu của Đắk Nông đạt 3.418 triệu USD, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 26,49%/năm.

Theo số liệu thông quan điện tử của ngành Hải quan, chỉ tính từ năm 2015 đến hết quý I/2017, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông, lâm sản của Đắk Nông đạt hơn 1.430 triệu USD, cao hơn tỉnh Đắk Lắk (Đắk Lắk là 817 triệu USD) và hơn gấp đôi tỉnh Lâm Đồng (Lâm Đồng 710 triệu USD).

Đến nay, xuất khẩu các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được mở rộng đến gần 30 quốc gia, vùng lãnh thổ, trong đó chiếm tỷ trọng cao và ổn định là thị trường Singapore, Australia, Trung Quốc, Philipin, Mỹ, Nhật Bản và Đức… Các mặt hàng xuất khẩu của Đắk Nông cũng đang đại diện cho những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trên thị trường quốc tế như cà phê, hạt tiêu, điều nhân, cao su…

Mặc dù không ngừng tăng về quy mô, sản lượng nhưng chất lượng sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu Đắk Nông chưa có sự tăng mạnh về chiều sâu, tức giá trị về kim ngạch. Không chỉ lãng phí tài nguyên, chất lượng, giá trị gia tăng và năng lực cạnh tranh của hàng hóa nông sản thấp; quy mô chế biến nhỏ, lạc hậu, hàng hóa xuất khẩu thô và sơ chế đang là những bước cản khi nông sản Đắk Nông vươn ra thị trường thế giới.

ADQuảng cáo

Cần liên kết chặt hơn giữa các “nhà”

Theo số liệu thống kê, năm 2016, sản lượng cà phê nhân toàn tỉnh Đắk Nông khoảng 250.000 tấn; hồ tiêu 34.400 tấn, cao su 32.000 tấn… Không chỉ vượt trội về sản lượng mà các sản phẩm nông nghiệp chủ lực Đắk Nông cũng được đánh giá có chất lượng tốt và đặc trưng cho vùng. Đây chính là lợi thế so sánh để tỉnh tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu nông sản theo hướng chuyên sâu, nâng cao giá trị.

Tại hội thảo khoa học với tiêu đề “Tiêu thụ nông sản Đắk Nông gắn với thị trường xuất khẩu” do Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Sở Kế hoạch và Đầu tư tổ chức mới đây, các chuyên gia, doanh nghiệp cho rằng bước cản lớn nhất hiện nay trong nâng cao chất lượng nông sản để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu vẫn là liên kết các chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ.

Trong khâu sản xuất, phần lớn nông sản Đắk Nông hiện nay đều đang được người dân sản xuất theo phương pháp truyền thống, lạc hậu và nhỏ lẻ. Để đẩy nhanh tăng trưởng về sản lượng, hạ giá thành đầu tư, nông dân đang sử dụng một lượng lớn thuốc trừ sâu, diệt cỏ, bón lượng phân hóa học vượt mức quy định nên rất khó khi vượt qua khâu kiểm định của các nước để xuất khẩu. Trong khi đó, các doanh nghiệp có hoạt động chế biến, xuất khẩu nông sản trên địa bàn hiện đang ở quy mô nhỏ, nguồn vốn ít nên việc liên kết, xây dựng vùng nguyên liệu an toàn, đầu tư máy móc chế biến sâu là rất hạn chế.

Về phía nhà nước, khâu quy hoạch, quản lý quy hoạch vùng chuyên canh chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển nên những chủ trương, chính sách trong hỗ trợ sản xuất nông nghiệp có ứng dụng công nghệ cao cũng mới chỉ dừng lại ở những mô hình nhỏ lẻ, khó nhân rộng nên chưa đáp ứng được về mặt số lượng, chất lượng, cùng chủng loại để tham gia thị trường thế giới.

Chưa kể đến, ngoài những hàng rào “cứng”, khi tham gia thị trường thế giới, nông sản Đắk Nông còn gặp không ít trở ngại về hàng loạt quy định “mềm” do các nước đặt ra như truy nguyên nguồn gốc, xuất xứ, lô gô, nhãn mác, thương hiệu sản phẩm…

Trước những vấn đề trên, các chuyên gia cho rằng nếu bản thân doanh nghiệp, người dân Đắk Nông không sớm bắt tay với nhau để nâng cao chất lượng nông sản thì nguy cơ “thua” ngay trên sân nhà là rất lớn. Bởi vì, chưa nói đến xuất sang các nước, trong xu thế hội nập, nếu bản thân sản phẩm nông nghiệp bản địa không chủ động nâng tầm thì sẽ bị sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao hơn từ các nước “đánh bật” khỏi thị trường, ngay cả thị trường nội địa.

Rõ ràng việc nâng cao chất lượng sản phẩm nông nghiệp là tất yếu và cần thiết. Thế nhưng, để làm được điều này, không chỉ đơn thuần người dân hay doanh nghiệp nỗ lực là đủ mà cần sự liên kết chặt hơn giữa các nhà "nông, khoa học, doanh nghiệp và nhà nước" để xây dựng những chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp bền vững.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao chất lượng nông sản xuất khẩu: Xu thế tất yếu trong thời hội nhập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO