Nâng cao giá trị cây lúa trên đất Ðắk Nông

Thanh Nga thực hiện| 19/08/2022 11:53

Đắk Nông là một trong những tỉnh có diện tích lúa khá lớn của Tây Nguyên. Tuy nhiên, để phát triển và nâng cao giá trị cây lúa ở Đắk Nông, đòi hỏi cần có những giải pháp phù hợp, hiệu quả hơn. Phóng viên Báo Đắk Nông (PV) đã có cuộc phỏng vấn ông Hồ Gấm, TUV, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đắk Nông về giải pháp khai thác tiềm năng đất đai, tổ chức sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế và giá trị cho cây lúa.

ADQuảng cáo

PV: Từ thực tiễn thời gian qua, ông đánh giá như thế nào về tầm quan trọng của cây lúa hiện nay?

Ông Hồ Gấm: Trước đây, nông dân trồng lúa chủ yếu mang tính tự cung, tự cấp, phục vụ đời sống của chính gia đình. Ngày nay, sản xuất lúa gạo trở thành hàng hóa đem lại nguồn thu nhập cho nông dân nhờ cung cấp cho thị trường trong nước và xuất khẩu.

Hàng năm, Đắk Nông có khoảng 10.000 ha lúa trồng các vụ. Hầu hết các huyện của tỉnh ít nhiều đều có đất trồng lúa, trong đó tập trung nhiều tại các huyện Krông Nô, Cư Jút, Đắk R’lấp. Các địa phương do chú trọng chọn các giống lúa năng suất cao, chất lượng tốt về trồng nên năng suất lúa trên địa bàn thường đạt khoảng 7-8 tấn/ha/vụ.

So với nhiều cây trồng khác, diện tích đất trồng lúa không nhiều nhưng cây lúa góp phần ổn định an ninh lương thực cho địa phương. Với nông dân trồng lúa đã giúp họ tự cung, tự cấp lương thực, phục vụ phát triển chăn nuôi và bán để phát triển kinh tế hộ.

Đồ họa: V.D-TN

PV: Theo ông, những khó khăn hiện nay trong phát triển sản xuất cây lúa ở Đắk Nông?

Ông Hồ Gấm: Như đã nói ở trên, toàn tỉnh có khoảng trên 10.000 ha diện tích trồng lúa, sản lượng đạt khoảng 80.000 tấn. So với năm 2015, sản lượng tăng gần 5.000 tấn do người dân tích cực đưa giống mới, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Tuy nhiên, hiện nay, các vùng trồng lúa còn gặp khó khăn về nước tưới. Nhiều vùng, nước tưới lúc có, lúc không, hoặc có nhưng không đầy đủ nên ảnh hưởng đến năng suất. Có những vùng đồng ruộng bị trũng, sình lầy nên xảy ra tình trạng mùa này thì trồng được, mùa kia thì bỏ hoang. Chúng ta có đầu tư thủy lợi, tiêu úng, cải tạo, sửa chữa đồng ruộng nhưng chưa đồng bộ, đầy đủ nên trên cánh đồng có chỗ cao, chỗ thấp…

Trong công tác tổ chức sản xuất phát triển cây lúa, nhiều nơi vẫn chưa áp dụng triệt để cơ giới hóa, khoa học công nghệ vào sản xuất. Nguyên nhân là do diện tích trồng lúa của người dân chủ yếu là các thửa nhỏ, rất khó cho việc áp dụng đưa máy móc hiện đại cỡ lớn phục vụ quá trình canh tác như làm đất, thu hoạch, phun thuốc...

Bên cạnh đó, bà con tham gia vào các tổ hợp tác, hợp tác xã chưa nhiều. Thị trường tiêu thụ không được cam kết; quy trình sản xuất yêu cầu khắt khe, chi phí sản xuất cao mà năng suất nói chung là thấp…

ADQuảng cáo

Những cánh đồng lúa ở Krông Nô đã trồng các giống lúa chất lượng cao như ST24, ST25 

PV: Từ thực trạng nêu trên, tỉnh cần có giải pháp nào để nâng cao giá trị kinh tế cho cây trồng này ?

Ông Hồ Gấm: Nâng cao chất lượng sản phẩm lúa gạo là một trong những vấn đề được tỉnh quan tâm.

Theo tôi, một trong những giải pháp cần làm hiện nay là tổ chức sản xuất tốt. Các địa phương nên tập hợp nông dân liên kết với nhau, phá bờ thửa nhỏ để hình thành các thửa có diện tích lớn.

Để thực hiện được mục tiêu này, công tác truyền thông, vận động nông dân tích cực hưởng ứng, đồng thuận trong việc phá bờ ruộng để cải tạo cánh đồng lúa lớn bằng phẳng để tối ưu hóa việc cơ giới hóa vào sản xuất.

Thứ hai, chúng ta có đầu tư thủy lợi, tiêu úng, cải tạo, sửa chữa đồng ruộng nhưng chưa đáp ứng đầy đủ để phát triển dẫn đến lúc thì thiếu nước, lúc thì ngập lụt. Về lâu dài, các địa phương cần chú trọng, quan tâm nhiều hơn nữa để đầu tư thêm, từ đó chủ động trong gieo trồng lúa các vụ.

Cánh đồng Buôn Choáh (Krông Nô) đã giảm bớt bờ thửa tạo thuận lợi cho cơ giới hóa hoạt động, từ đó nâng cao năng suất sản xuất

Ba là, tập hợp nông dân tham gia các tổ hợp tác, hợp tác xã để gieo trồng cùng giống lúa, sản xuất cùng thời điểm, cùng mua vật tư, cùng bán sản phẩm, cùng áp dụng cơ giới hóa, khoa học vào sản xuất. Khi nông dân tham gia vào hợp tác xã thì Nhà nước, chính quyền địa phương sẽ dễ dàng hơn trong quản lý, theo dõi, định hướng và hỗ trợ phát triển tốt hơn. 

Bốn là, các địa phương cần chú trọng đầu tư chế biến để nâng cao giá trị sản phẩm và xây dựng thương hiệu cho lúa gạo Đắk Nông. Hiện nay, khâu chế biến các sản phẩm từ lúa gạo của tỉnh ta vẫn còn hạn chế. Vì thế, ngoài việc xay xát gạo phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu, chúng ta nên mạnh dạn đầu tư chế biến làm bún, phở, bánh, kẹo… từ đó đa dạng sản phẩm, nâng cao giá trị.

Thời gian tới, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ và đồng hành với nông dân, góp phần nâng cao giá trị cho cây lúa trên đất Đắk Nông.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao giá trị cây lúa trên đất Ðắk Nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO