Nâng cao năng lực chế biến, sản xuất gỗ xuất khẩu

Bình Minh (t.h)| 16/04/2019 10:01

Hiện nay, Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu đồ gỗ đứng thứ 2 châu Á và thứ 5 thế giới. Tuy nhiên, ngành gỗ vẫn đang đối diện nhiều khó khăn, thách thức và cần nhanh chóng cải thiện về năng lực quản trị doanh nghiệp, lẫn cơ chế chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

ADQuảng cáo

Hoạt động sản xuất tại Nhà máy sản xuất ván dán ở KCN Tâm Thắng (Cư Jút). Ảnh: Lê Phước

Năm 2018, kim ngạch xuất khẩu gỗ và lâm sản Việt Nam đạt hơn 9,3 tỷ USD, chiếm hơn 23% giá trị xuất khẩu của toàn ngành nông nghiệp. Các doanh nghiệp Việt Nam đã xuất khẩu đồ gỗ trực tiếp đến hơn 120 quốc gia và vùng lãnh thổ, đứng đầu Đông - Nam Á, thứ 2 châu Á và thứ 5 trên thị trường đồ gỗ thế giới.

Kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm gỗ trong 3 tháng đầu năm 2019 đạt 2,3 tỷ USD, tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2018. Có thể khẳng định, ngành gỗ Việt Nam, sau một thời gian phát triển và tích lũy đã xây dựng được nền tảng vững mạnh về năng lực sản xuất, đổi mới công nghệ, từng bước hoàn thiện cơ chế quản trị doanh nghiệp, nâng cao vị thế và uy tín trên thị trường quốc tế.

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả tốt trong những năm gần đây, nhưng các nhà quản lý đánh giá, sự phát triển của ngành chế biến gỗ xuất khẩu hiện vẫn chưa tương xứng tiềm năng, còn nhiều hạn chế, bất cập cần khắc phục để nâng cao năng lực, phát triển bền vững. Năng lực sản xuất của toàn ngành gỗ tuy có gia tăng liên tục nhưng sự đóng góp còn khiêm tốn so với nhu cầu tiêu dùng đồ gỗ toàn cầu, cho thấy khả năng sản xuất đồ gỗ của các doanh nghiệp Việt Nam hiện vẫn ở mức thấp, trong khi thị trường tiêu thụ còn rất rộng lớn. 

Một trong những nguyên nhân được các doanh nghiệp chỉ ra đó là chất lượng gỗ sản xuất chưa cao. Mặc dù gỗ khai thác từ rừng trồng trong nước đã thay thế được hơn 70% lượng gỗ nhập khẩu, song chủ yếu là các loại gỗ có đường kính không lớn, năng suất, chất lượng thấp. Bên cạnh đó, công nghệ cũ, lạc hậu, trình độ lao động tại nhiều cơ sở sản xuất còn yếu cũng đang gây ra những trở ngại lớn, hạn chế năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp gỗ trong nước.

Về quản lý nhà nước, để nâng cao năng lực của các doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu, các nhà chuyên môn cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện cơ chế, chính sách, tạo hành lang pháp lý thuận lợi, hỗ trợ ngành công nghiệp sản xuất, chế biến gỗ, nhất là trong việc thực hiện các cam kết quốc tế mới như Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP), Hiệp định Đối tác tự nguyện về thực thi luật lâm nghiệp, quản trị rừng và thương mại lâm sản (VPA/FLEGT).

ADQuảng cáo

Nhà nước cần tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường thúc đẩy doanh nghiệp khởi nghiệp, mở rộng đầu tư. Hạn chế xuất khẩu gỗ nguyên liệu thô, phát triển các vùng nguyên liệu gỗ lớn, có chứng chỉ quản lý bền vững theo thông lệ, tiêu chí quốc tế.

Các cơ quan bảo vệ pháp luật cần kiểm soát chặt chẽ nguồn gỗ nhập khẩu và gian lận xuất xứ hàng hóa nhằm tránh bị đánh thuế để bảo vệ các doanh nghiệp chân chính. Cùng với đó, cần sớm ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về lĩnh vực chế biến lâm sản để từng bước tiêu chuẩn hóa các sản phẩm gỗ của Việt Nam theo quy chuẩn quốc tế và đáp ứng các biện pháp phòng vệ thương mại và xây dựng hàng rào kỹ thuật bảo vệ ngành công nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu cho các doanh nghiệp trong nước.

Thực tế hiện nay, phần lớn các doanh nghiệp gỗ Việt Nam mới dừng lại ở việc sản xuất gia công chi tiết cho các doanh nghiệp nước ngoài hoặc sản xuất các sản phẩm đồ gỗ theo mẫu của khách hàng. Nhiều doanh nghiệp chưa tự thiết kế mẫu mã để bán trực tiếp cho khách hàng, do đó giá bán sản phẩm thấp, kém sức cạnh tranh trên thị trường.

Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng, nếu có chính sách tốt hơn nữa thì Việt Nam sẽ là “công xưởng” đồ gỗ của thế giới. Để phục vụ sản xuất, chế biến đòi hỏi phải có 60 triệu m3 gỗ, trong đó nguồn gỗ nguyên liệu trong nước phải bảo đảm cung cấp được 50 triệu m3, nhập khẩu 10 triệu m3. Về vấn đề này, GS, TS Trần Văn Chứ, Hiệu trưởng Trường Đại học Lâm nghiệp cho rằng, muốn đạt mục tiêu trong 10 năm tới phấn đấu để Việt Nam trở thành một trong những nước hàng đầu thế giới về sản xuất, chế biến, xuất khẩu gỗ và lâm sản có thương hiệu trên thị trường quốc tế thì cần xây dựng nhiều vùng nguyên liệu gỗ lớn, đạt chất lượng phục vụ chế biến gỗ, có chứng chỉ FSC; áp dụng các ưu đãi về mức thuế thu nhập doanh nghiệp đối với ngành lâm nghiệp.

Để có được nguồn nguyên liệu gỗ hợp pháp, ổn định, bắt buộc phải đẩy mạnh các mô hình liên kết trồng rừng giữa các công ty chế biến gỗ và các hộ trồng rừng. Thời gian qua, mô hình này mặc dù đã được hình thành và có bước phát triển đáng kể, song vẫn chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Cần quan tâm đến công tác nghiên cứu giống cây trồng lâm nghiệp, các biện pháp kỹ thuật thâm canh rừng để tăng năng suất, chất lượng của rừng trồng.

Bên cạnh đó, nhà nước cần hoàn thiện chính sách hỗ trợ, khuyến khích xuất khẩu, thực hiện chế độ khen thưởng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu có hiệu quả, chấp hành tốt pháp luật; xây dựng chương trình xúc tiến thương mại, mở rộng hợp tác quốc tế để tiếp cận với công nghệ hiện đại; nghiên cứu, đánh giá xu hướng thị trường, tìm kiếm đối tác theo hướng hỗ trợ tối đa cho các doanh nghiệp tham gia hội chợ, diễn đàn thương mại gỗ quốc tế và trong nước.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng cao năng lực chế biến, sản xuất gỗ xuất khẩu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO