Nâng tầm lúa gạo Buôn Choáh nhờ tổ chức sản xuất tốt

Đức Hùng| 19/08/2020 09:33

Liên kết các hộ nhỏ lẻ để hình thành vùng sản xuất tập trung theo quy trình VietGAP, HTX Nông nghiệp Buôn Choáh (Krông Nô) đã nâng giá trị lúa gạo địa phương, từng bước tạo chỗ đứng trên thị trường, cải thiện thu nhập và đời sống của người sản xuất lúa.

ADQuảng cáo

Đổi mới các thức sản xuất

Tháng 8/2014, bà Trần Thị Thanh Vân và 12 hộ nông dân ở thôn Thanh Sơn, xã Buôn Choáh (Krông Nô) tiến hành thành lập tổ hợp tác (THT) sản xuất lúa chất lượng cao, với tổng diện tích 20,5 ha. Các thành viên tham gia THT được tập huấn kỹ thuật sản xuất lúa, ứng dụng công nghệ ủ phân vi sinh để bón cho cây trồng. Bà con nông dân nhờ đó đã giảm việc sử dụng phân, thuốc hóa học để bón cho lúa và giảm được chi phí sản xuất khá nhiều.

Buôn Choáh là vùng sản xuất lúa gạo trọng điểm của huyện Krông Nô

Đến năm 2017, THT đã có 33 thành viên và bắt đầu tham gia sản xuất lúa theo quy trình VietGAP. Các thành viên được ngành Nông nghiệp huyện Krông Nô hướng dẫn kỹ thuật, quy trình sản xuất. Từ khâu làm đất, gieo sạ, chăm bón theo kỹ thuật cho đến thu hoạch, bảo quản, chế biến đều được các hộ dân thực hiện bài bản và ghi chép đầy đủ, nhất là việc sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Vụ đông xuân 2017, THT được chứng nhận quy trình sản xuất lúa gạo đạt tiêu chuẩn VietGAP. Sản phẩm lúa gạo của THT bán ra thị trường được nhiều người tiêu dùng biết đến và đón nhận. Quy trình sản xuất VietGAP đã giúp nông dân trong THT giảm bớt chi phí đầu vào và tăng lợi nhuận lên khoảng 1,5 triệu đồng/sào so với trước kia.

Không dừng lại ở việc nâng cao giá trị sản phẩm, hàng năm, lợi nhuận được THT chia cho thành viên theo định mức. Một phần lợi nhuận được các thành viên trong THT dùng để đầu tư mua máy xay xát lúa công nghệ cao, ứng dụng công nghệ sinh học sản xuất lúa...

Nâng giá trị sản phẩm

ADQuảng cáo

Ngày 8/5/2020, THT đã được chuyển đổi, nâng tầm thành Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp Buôn Choáh. HTX hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến và tiêu thụ lúa gạo đặc sản RVT, ST24. Dù mới thành lập, nhưng hành trình và nền tảng phát triển của HTX đã trải qua quá trình khá dài, nên có nhiều kinh nghiệm sản xuất.

HTX đang hướng tới mục tiêu nâng cao thu nhập cho thành viên, đưa sản phẩm lúa gạo vươn ra thị trường quốc tế

Hiện nay, HTX đã hình thành vùng sản xuất lúa VietGAP với quy mô hơn 300 ha, sản lượng gạo đạt hơn 400 tấn/năm. Sản phẩm của HTX đã tạo được chỗ đứng trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Lợi nhuận sản xuất lúa bình quân của HTX đạt từ 66 - 70 triệu đồng/ha trừ chi phí. Lúa được HTX sản xuất mỗi năm 2 vụ. HTX cũng đã đầu tư kho bảo quản và chế biến, sân phơi, máy kéo, máy cày... phục vụ sản xuất.

HTX hiện có 4 đại lý chính cung cấp gạo trên địa bàn tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk. Ngoài ra, sản phẩm gạo Buôn Choáh của HTX còn có mặt tại các tỉnh, thành khác như: Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh, Bình Phước, Khánh Hòa, Vũng Tàu...

HTX đầu tư máy móc hiện đại phục vụ sản xuất gạo

HTX đang thực nghiệm chương trình sản xuất lúa sinh học với quy mô gần 50 ha, gồm 30 hộ tham gia. Ngoài sản xuất, HTX đang đầu tư máy móc, phương tiện, hướng tới phát triển chế biến sâu, đa dạng hóa các loại gạo và sản phẩm chế biến từ gạo; các sản phẩm phụ như trấu, cám, rơm rạ, phân hữu cơ...

Theo ông Bùi Đình Kiên, Giám đốc HTX Nông nghiệp Buôn Choáh, đơn vị đang từng bước  đổi mới sản xuất, áp dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất, chế biến, giúp nghề nông khắc phục các hạn chế, phát triển bền vững. Trước mắt, HTX đã giúp bà con từ bỏ được tập quán canh tác lạc hậu và thói quen sản xuất nhỏ lẻ. HTX cũng đã thu hút nông dân, gắn kết sản xuất với doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ theo mô hình chuỗi giá trị.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng tầm lúa gạo Buôn Choáh nhờ tổ chức sản xuất tốt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO