Nâng tầm sản xuất nông nghiệp nhờ áp dụng khoa học công nghệ

Đức Hùng| 21/07/2020 09:04

Nhờ áp dụng công nghệ cao, nền nông nghiệp trên địa bàn tỉnh đã có những bước tiến, đem lại sự thay đổi tích cực trong sản xuất, tăng thu nhập, bảo đảm đời sống cho người dân.

ADQuảng cáo

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào sản xuất

Ngày 20/7/2005, HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết số 04/2005/NQ-HĐND về “Chiến lược khoa học công nghệ tỉnh Đắk Nông đến năm 2020 và tầm nhìn 2030". Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 04, ngành Nông nghiệp đã có nhiều chuyển biến tích cực, chiếm tỷ trọng chính trong nền kinh tế của tỉnh (41,5%), tốc độ tăng trưởng đạt 5,78%; sản lượng hàng hóa nông nghiệp xuất khẩu ngày càng tăng, thu nhập và đời sống của người dân được cải thiện. Các nội dung của Nghị quyết cũng đã từng bước đi vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, xã hội theo hướng tích cực.

Năm 2020 hình thành vùng sản xuất xoài ứng dụng công nghệ cao tại xã Đắk R'la, Đắk Gằn (Đắk Mil)

Đắk Nông là tỉnh có thế mạnh phát triển nông, lâm nghiệp, thời gian qua, các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng phát triển khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp được quan tâm, đầu tư. Đến nay, toàn tỉnh có trên 270 ha cây nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất. Tỉnh đã thành lập Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với quy mô 120 ha. Khu Nông nghiệp này đã thu hút được 8 nhà đầu tư vào thực hiện dự án sản xuất nông nghiệp. Toàn tỉnh đã có trên 250 tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, HTX, hộ gia đình đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, với tổng vốn đăng ký khoảng 2.600 tỷ đồng. 

Trên địa bàn tỉnh có 60 cơ sở được chứng nhận VietGAP và liên kết sản xuất, với tổng diện tích trên 465 ha. Toàn tỉnh có khoảng 33 doanh nghiệp, HTX liên kết với người dân để sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, với 11.497 ha. Trong đó, liên kết sản xuất cà phê 10.754 ha, hồ tiêu 516 ha, rau đậu các loại 227 ha. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh có 69.573 ha cây trồng ứng dụng một phần công nghệ cao...

Trên địa bàn tỉnh đang hình thành 5 vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, với trên 69.500 ha. Cụ thể, Vùng sản xuất cà phê tại xã Thuận An và xã Đức Mạnh (Đắk Mil); Vùng sản xuất ngô giống tại các xã Đắk Nang, Quảng Phú, Đức Xuyên (Krông Nô); Vùng sản xuất xoài tại xã Đắk R’la, Đắk Gằn, (Đắk Mil); Vùng sản xuất hồ tiêu tại các xã Thuận Hạnh, Thuận Hà, Nâm N’Jang (Đắk Song); Vùng sản xuất hồ tiêu tại xã Đắk R’moan (Gia Nghĩa). 

Thành công về giống

Việc áp dụng rộng rãi công nghệ cao, công nghệ sinh học để tạo giống cây trồng, vật nuôi có năng suất cao, chất lượng tốt, sạch bệnh, thích nghi với từng tiểu vùng sinh thái cũng được ưu tiên nghiên cứu, ứng dụng. Tiêu biểu như trồng trọt, nhiều giống cây trồng có ưu thế, cho năng suất cao đã được tạo ra như: cà phê TR4, TR5, TR6; lúa AC5, TL6, LH12; ngô LVN99, CP 501; ngô biến đổi gen NK66, NK 67, NK 7328; mắc ca ghép; ca cao lai F1; bơ Booth 7, TA 1; mít TJF01, TJF03; chanh không hạt; khoai lang Nhật Bản... 

ADQuảng cáo

Trong chăn nuôi gia súc, gia cầm, ngành nông nghiệp đã tạo ra được những giống vật nuôi có chất lượng cao, như: bò Brahman; lợn ngoại Yorkshire, Landrace, Duroc, Pietrain; gà đông tảo; gà ai cập…

Nhờ áp dụng phương pháp nhân tạo theo hướng ứng dụng công nghệ cao vào quy trình sản xuất giống thủy sản, nên ngành Nông nghiệp đã tạo được nhiều loại giống có giá trị như: cá trắm cỏ, cá rô phi, cá chép, cá lăng... Các loại cá này đều thích nghi với điều kiện khí hậu tại địa phương, giúp nâng cao hơn về sản lượng, chất lượng thủy sản.

Hướng tới sản xuất nông nghiệp bền vững

Các chế phẩm sinh học được sử dụng trong sản xuất, góp phần tăng năng suất, chất lượng cây trồng cũng được người dân quan tâm như: Chế phẩm điều hòa sinh trưởng Ethrel, V3, B9 làm tăng tỷ lệ ra hoa, đậu quả và tăng năng suất trên cây vải; chế phẩm Oligoglucosamin trên cây trồng ngắn ngày; chế phẩm GA3 tăng tỷ lệ đậu quả trên cây điều; chế phẩm công ty Thanh Hà sử dụng cho cây cà phê, tiêu; các chế phẩm nấm đối kháng Trichoderma, BT... 

Trang trại xanh Thu Thủy (Đắk Song) sản xuất cà chua cheri trong nhà kính và có 21 ha sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao

Người dân còn sử dụng các chủng vi sinh vật Trichoderma, GEM-P1, GAMEK nhằm phân giải xenlulo, cố định đạm cho chế phẩm sinh học, phân hữu cơ vi sinh từ phế thải nông lâm nghiệp, phục vụ sản xuất nông lâm nghiệp bền vững. Nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật nguồn gốc sinh học thế hệ mới được sản xuất đã góp phần tích cực trong việc phòng trừ dịch hại, bảo vệ cây trồng. Việc ứng dụng công nghệ sinh học trong chăn nuôi đã được nhiều cơ sở, trang trại chăn nuôi thực hiện nhằm hướng tới sự phát triển bền vững, an toàn và hiệu quả.

Đến đầu năm 2020, giá trị sản xuất trên 1 ha canh tác đạt hơn 90 triệu đồng; giá trị nuôi trồng thủy sản đạt hơn 120 triệu đồng/1 ha mặt nước. Các sản phẩm nông nghiệp ngày càng đi vào chiều sâu, hàm lượng khoa học và công nghệ ngày càng nhiều. 

Ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, cho biết: “Việc triển khai ứng dụng khoa học và công nghệ đã góp phần thay đổi tập quán canh tác của nông dân, tiến đến sản xuất theo hướng kỹ thuật cao hơn, sạch hơn, thân thiện với môi trường. Các sản phẩm có nguồn gốc thiên nhiên, nguồn gốc sinh học được sản xuất đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường, bảo đảm an toàn cho người tiêu dùng. Người dân áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật mới vào sản xuất giúp khai thác tốt các điều kiện tự nhiên, lợi thế vùng, đem lại thu nhập ổn định, hướng đến sản xuất bền vững gắn với bảo vệ môi trường sinh thái”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng tầm sản xuất nông nghiệp nhờ áp dụng khoa học công nghệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO